Văn hóa nghỉ việc

Lượt xem: 44,912

Người Mỹ cho rằng thay đổi công việc thường xuyên chứng tỏ bạn là người năng động và có năng lực. Người Nhật lại cho rằng bạn là người thiếu trung thành và không nên tin tưởng. Còn người Việt Nam thì đa lăng kính, nghĩa là vừa có quan niệm của người Mỹ, vừa mang suy nghĩ của người Nhật.

Văn hóa nghỉ việc

Quan niệm nào cũng có lý lẽ riêng của nó, điều quan trọng là người nghỉ việc làm sao để không gây khó khăn cho công ty và làm tổn hại đến hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, với suy nghĩ "xin làm mới khó chứ xin nghỉ thì dễ" đã dẫn đến những đơn xin nghỉ việc không "fair play" trong thế giới công sở.

Trong khi nhiều lá đơn xin việc chưa được giải quyết, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều người thất nghiệp "nằm nhà" làm ông/bà nội trợ bất đắc dĩ thì cũng có nhiều người thay việc như thay người yêu và có hàng nghìn lẻ một lý do cho sự ra đi này. Đó là việc không hài lòng với mức lương ở công ty, không thỏa mãn vị trí đang có, không chịu đựng nổi sức ép của công việc, không hòa nhập được với đồng nghiệp, thậm chí bất hòa với họ...

Nhưng có một điều gần như chắc chắn là, những cái "không" đó thường được chắp cánh bởi một cơ hội việc làm ở bên ngoài với mức lương cạnh tranh hơn. Cũng có ngoại lệ là người nghỉ việc muốn ra làm ăn riêng, dù chỉ là công ty "cò con", nhưng được làm chủ, chứ không phải mang tiếng đi làm thuê. Cũng có ngoại lệ khác nữa là, có những con người chủ động lên chiến lược cho cuộc đời mình. Trước khi làm chủ, họ muốn đi làm thuê để tích cóp kinh nghiệm...

Một người chủ thông minh không nên níu chân nhân viên, cho dù họ có khả năng ràng buộc bằng lương, bằng cấp, địa vị thậm chí cả bằng luật lao động. Bởi giữ một người không còn muốn làm việc với mình chẳng khác gì "trói" một người không còn yêu mình bằng tờ giấy kết hôn.

Còn một nhân viên thông minh là người xin thôi việc nhưng vẫn để hình ảnh của mình đẹp trong mắt sếp như khi mình đang còn làm việc hiệu quả, hoặc chí ít sếp không thể nói được lời nào, dù trong lòng có cay cú. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, sự ra đi của nhiều người luôn để lại những điều tiếng không hay về họ, mà người ta hay dùng đến từ "thiếu chuyên nghiệp", thậm chí là "hèn".

Tình trạng thiếu chuyên nghiệp, hay nói chính xác hơn là thiếu đẳng cấp thường thấy là, những người có máu "ăn chắc", rất muốn ra đi, thậm chí đã chuẩn bị ra đi. Cơ hội bên ngoài đã có, nhưng sự chắc chắn nằm ở mức 70-80% là họ cảm thấy chưa ... chắc chắn, nên không thông báo với sếp về quyết định ra đi của mình. Đến khi cơ hội bên ngoài chính thức mở ra, thì họ đột ngột xin nghỉ việc.

Kết quả là công việc dang dở, sếp bất ngờ, không xoay sở kịp, dẫn theo những hệ lụy khác. Ngược lại, có những người đánh tiếng với đồng nghiệp công ty A mời tôi về làm với mức lương rất hấp dẫn, sếp của công ty B trực tiếp đến năn nỉ tôi làm, công ty C trải sẵn thảm hồng cho tôi và tất nhiên là tôi sẽ chọn A hoặc B, hoặc C.

Đáng lý sếp phải là người đầu tiên biết quyết định nghỉ việc của nhân viên thì lại nghe phong thanh qua các nhân viên khác. Với những người "có tầm nhìn", trước khi làm công cho một dự án mới, họ xin vào làm ở một công ty đối thủ của dự án đó, để "bỏ túi" kinh nghiệm, công nghệ, mối quan hệ và lấy điểm với sếp mới. Khi "dắt túi" được kha khá những thứ cần "dắt" thì họ "chuồn" khá lẹ.

Người cao tay còn biết "đánh" vào tình cảm của sếp bằng những "tình cảm thương", nhưng cuối cùng thì vẫn phải ra đi vì "không còn lựa chọn nào khác cho một tương lai tốt đẹp hơn". Tệ hại hơn, có những người ra đi, mang theo đồ dùng của mình và... "mang nhầm" cả tài liệu, tài sản, thậm chí cả đối tác của công ty, làm công ty nhiều phen khốn đốn. Bây giờ, có mới nới cũ là chuyện "xưa như Diễm". Thời sự hơn, phải kể đến tình trạng "tâng mới tìm cũ".

Rất hiếm khi thấy nhân viên đến công ty mới ca tụng công ty cũ (nếu việc ca tụng không phục vụ mục đích cá nhân), mà thường là ba hoa chích chòe về công việc mới (để lấy lòng sếp mới), đồng thời nói xấu sếp cũ (để chứng tỏ sự tốt đẹp của sếp mới, tầm quan trọng của công ty mới và để cho bõ ghét)

Không hiểu có phải do sự cạnh tranh giữa các công ty ngày càng quyết liệt hay không, mà khái niệm "nghỉ việc không lành mạnh": ngày càng trở nên "hot" trong thế giới công sở cũng như trên mặt báo.

Gần đây, nhiều người trong giới truyền thông được một phen bàn luận về tình trạng "nghỉ việc hội đồng" ở một cơ quan truyền thông để đến một cơ quan truyền thông khác với những hứa hẹn hấp dẫn về điều kiện làm việc và lương bổng.

Người ta đặt câu hỏi: Nếu chủ của công ty đó ký một, hai lá đơn xin nghỉ việc là chuyện bình thường. Nhưng họ sẽ như thế nào nếu phải "xuống bút" ký tới mấy chục lá đơn xin nghỉ việc?

Tổng giám đốc công ty nội thất lớn nhất Sài Gòn: AA Corporation Nguyễn Quốc Khanh từng nói: "Những người có khả năng tách ra làm khi cảm thấy đủ sức là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu trở thành phong trào thì không lành mạnh lắm". Bởi AA chính là "nạn nhân" của tình trạng nghỉ việc theo phong trào, vì khá nhiều kiến trúc sư trẻ coi AA là môi trường để họ học hỏi kinh nghiệm, chiến lược kinh doanh, thậm chí "đánh cắp" mối quan hệ. Làm về kiến trúc - nội thất cho một công ty, ngoài kiến thức cơ bản, nhân viên còn phải được công ty đó đào tạo. AA làm ăn rất phát đạt trong lĩnh vực nội thất, nhưng cũng tốn khá nhiều mồ hôi "bắt tép nuôi cò". Đó là lý do ông chủ của công ty này thú nhận là "rất cay cú", nhưng cũng đành bó tay.

Cuộc sống ngày càng mở ra nhiều cơ hội, cơ hội cho những người có năng lực lại đang được tính theo cấp số nhân. Nên từ bỏ công ty cũ đến công ty mới để có điều kiện phát huy khả năng làm việc cũng như khả năng kiếm tiền là việc hợp lý. Cũng nên loại bỏ tư tưởng "không trung thành" của người Nhật, nhất là khi giá xăng, giá vàng cùng rủ nhau tăng vọt như hiện nay.

Tuy nhiên, nên nghỉ việc trong tư thế của người đàng hoàng, để khẳng định mình là người chuyên nghiệp, có văn hóa và biết cư xử. Điều đó, trước tiên vì lợi ích của chính mình. Vì không ai không muốn giữ lại mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp và biết đâu trong tương lai lại có ngày ta trở về "tắm ao nhà".

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :

job tags/ skills:

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay