Vất vả nghề chụp ảnh thời trang

Lượt xem: 19,938

Tiếng đèn flash vang lên liên tục. Cả người chụp lẫn người được chụp đều mệt nhoài nhưng trên môi vẫn phải nở nụ cười thật tươi. Âm nhạc du dương nhè nhẹ trong không khí mát lạnh phả ra từ những chiếc máy điều hòa nhiệt độ làm mọi người thêm hưng phấn, quên đi những căng thẳng khi đứng trước ống kính.

Vất vả nghề chụp ảnh thời trang

8h tối. Mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn sàng: máy móc, thiết bị ánh sáng, đèn, tấm phản quang, hoa tươi, áo cưới, mỹ phẩm trang điểm... được "đoàn làm album" gồm nhiếp ảnh gia, nhân viên trang điểm, làm tóc, phụ trách ánh sáng, phục vụ mang ra xe. Đó là bước khởi đầu cho chuyến đi Mũi Né chụp bộ album cưới của đôi bạn trẻ. Giá chụp một album có thể xê dịch theo từng khổ ảnh: 20x30 cm, 30x45 cm dao động từ 4 triệu đến 6 triệu đồng nếu chụp trong studio hay ngoại cảnh vòng quanh thành phố như Bình Quới (Thanh Đa), Nhà thờ Đức Bà, Đền Hùng (Thảo Cầm Viên) hoặc Bảo tàng Thành phố. Nếu bạn là người yêu thiên nhiên và rủng rỉnh hầu bao thì sẽ được phục vụ ở những nơi như Đà Lạt hay Mũi Né. Một album 100 ảnh chụp ngoại cảnh như thế có thể lên đến 20 hoặc 25 triệu đồng. Hiện nay, chụp ảnh cưới có cả một công nghệ khép kín từ A đến Z.

Mới 3h30 sáng, đôi uyên ương đã bị đánh thức. Các nhân viên trang điểm, làm tóc bắt đầu vào cuộc. Mất khoảng 2 giờ tỉa tót dung nhan cho cô dâu và cả chú rể, "đoàn làm album" bắt đầu tiến về phía đồi cát ở Mũi Né. "Chúng tôi phải báo cho khách hàng biết rõ lịch làm việc để họ không bỡ ngỡ. Chi phí cụ thể của chuyến đi tùy theo hợp đồng sẽ do khách trả phần khách sạn ăn ở cho cả đoàn hay chúng tôi tự trả. Phải thức dậy giờ đó để mặt trời vừa lên, ánh sáng chiếu xuyên qua đường chân trời, chúng tôi mới chộp được những khoảnh khắc đẹp", anh Hoàng Trưởng, một nhiếp ảnh gia có 20 năm tuổi nghề, cho biết. Không ít cô dâu chú rể cảm thấy căng thẳng vì lần đầu đứng trước ống kính có dàn dựng công phu như thế.

Từ 5h30 đến 8h30 là khoảng thời gian "đoàn làm album" cật lực làm việc. Không khí rất khẩn trương. Mỗi người phụ trách một việc, chốc chốc các nhân viên trang điểm chỉnh sửa lại gương mặt và mái tóc cho cô dâu. Đôi khi phải chuẩn bị cả tấm bạt lớn để che cho cô dâu chú rể thay đổi xiêm y vì ít ai chịu đi xa mà chỉ chụp mỗi một bộ áo.

"OK, cô dâu quay sang phải một chút, đầu giữ thẳng. Chú rể choàng tay qua eo cô dâu, mắt nhìn lên...". Tiếng người chụp ảnh đều đều vang lên. Đôi uyên ương răm rắp làm theo vì đều có chung một mong muốn: sao cho bộ album cưới của mình đẹp nhất, đáng giá nhất. Gần 9h, mồ hôi thấm ướt cả mặt cô dâu chú rể. Lúc này cả đoàn đã thấm mệt. Tiếng nhiếp ảnh gia như đạo diễn vang lên: "Thôi chúng ta nghỉ. Chiều 2h tiếp tục làm việc ở bờ biển".

"Để có một tấm ảnh đẹp, chúng tôi phải chụp vài lần với nhiều góc khác nhau mới đạt yêu cầu. Cặp nào hiểu thì thông cảm, có cặp tưởng chúng tôi "hành hạ" nên cũng tỏ thái độ hơi cau có". Anh Gia Huy, người có thâm niên chụp ảnh cưới ở Sài Gòn 20 năm, cho biết.

"Tôi vẫn thích chụp ảnh cưới ngoại cảnh vòng quanh thành phố vì ít chịu áp lực công việc. Nếu như hôm đó thời tiết, bối cảnh không như ý mình có thể dời sang hôm khác, còn khi đi chụp xa, chi phí quá cao nên đã đi là phải chụp. Vì vậy sáng sớm dậy, nhìn trời Đà Lạt hay Phan Thiết âm u, tắt nắng là lòng tôi cũng tắt theo luôn", nhiếp ảnh gia Hoàng Trưởng tâm tình.

Và thỉnh thoảng (dù rất hiếm) các nhiếp ảnh gia vẫn bị những cú "knock out" ngoài ý muốn. Anh Gia Huy kể rằng trước đây vẫn có người muốn sau khi chụp xong mình phải như hoa hậu này, hoa khôi nọ. Đến khi giao ảnh, khách hàng làm um lên vì cho rằng nhiếp ảnh gia chụp không đạt yêu cầu dù nhan sắc thì như "Thị Nở". "Rút kinh nghiệm trước khi hợp đồng, nếu có khách hàng yêu cầu trang điểm như "sao", tôi đều cho nhân viên tư vấn trước. Chúng tôi chỉ thể hiện được góc đẹp nhất của gương mặt chính người đó thôi chứ làm sao phù phép để họ trở thành hoa hậu được?", anh Huy nói.

Chụp người mẫu chuyên nghiệp

Khác với kỹ năng chụp ảnh cưới, chụp ảnh thời trang đòi hỏi khả năng sáng tạo, bố cục, xử lý ánh sáng hợp với phong cách của bộ trang phục, với cảnh quan chung quanh và với cả gương mặt cũng như vóc dáng của người mẫu. Đừng vội cho rằng suốt ngày cứ đùa vui với các cô gái chân dài là niềm hạnh phúc. Những người từng cầm máy chụp ảnh thời trang đều trải qua những ngày tháng vật lộn với chính mình để có một phong cách sáng tạo riêng. Do đó mà số lượng nhiếp ảnh gia thời trang ở Việt Nam có những bức ảnh gần đạt với yêu cầu ảnh thời trang đòi hỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phạm Hoài Nam và Hải Đông là hai gương mặt đại diện rõ nét nhất cho những nhiếp ảnh gia thời trang tại TP HCM. Ảnh của họ chụp giờ đã tràn ngập trên các tờ tạp chí cả nước từ Heritage Fashion, Đẹp, Thời Trang Trẻ, Mốt, Sành Điệu, Mỹ Thuật đến Phụ nữ TP HCM, Tiếp Thị Gia Đình, Tư Vấn Tiêu Dùng...

Để thổi hồn vào mỗi bức ảnh, lột tả những nét tinh tế của mẫu trang phục, vẻ đẹp kiêu sa của người mẫu, nhiếp ảnh gia thời trang cần phải có tố chất riêng mà theo cả Hải Đông và Hoài Nam thì "trời cho" chứ không thể dạy được. Ngoài năng khiếu, người cầm máy phải am hiểu sâu về kỹ thuật chụp ảnh cũng như tạo cho mình một phong cách chụp riêng: Hải Đông chọn life style, chụp ảnh động còn Hoài Nam thì có thế mạnh ở bố cục hình khối, ánh sáng.

"Em hơi xoay người sang trái, mắt nhìn lên trần, cười tươi lên tí xíu, đừng cố gượng ép. OK, tay phải giơ cao lên chút nữa. OK! Tốt". Tiếng lách cách của máy chụp đều đặn vang lên. Cứ chụp vài tấm, Hải Đông cho người mẫu nghỉ, để suy nghĩ tìm ý tưởng mới từ ánh sáng, đến bố cục và tạo dáng. Không như ở nước ngoài có CD (Creative Director - Giám đốc sáng tạo) - người phải suy nghĩ, tìm tòi cách chụp sao cho phù hợp với phong cách thiết kế của nhà tạo mẫu, ở ta thì nhiếp ảnh gia phải tự làm hết. Hoài Nam và Hải Đông đều nhìn nhận hiện nay các nhà thiết kế trẻ như Công Trí, Thanh Long, Thiên Toàn, Diệu Anh... đã nỗ lực nhiều, biết thể hiện phong cách sáng tạo qua việc bố trí chụp ảnh theo style riêng, nhờ vậy công việc của nhiếp ảnh gia phần nào được thư thả hơn, chỉ tập trung phần tìm tòi góc chụp mới, bố trí ánh sáng hợp lý.

Trước khi chụp một bộ sưu tập, cả Hải Đông và Hoài Nam đều bỏ nhiều thời gian, có khi một hai giờ hoặc cả buổi, trò chuyện, "tám" với người mẫu. Không phải là chuyện "ngồi lê đôi mách" mà đó là cách họ được thầy Tim Page (nhiếp ảnh gia ảnh chiến tranh nổi tiếng thế giới, từng đoạt giải thưởng ảnh báo chí Pulitzer qua những bức ảnh chụp chiến tranh Việt Nam) truyền đạt. "Phải tạo một phong cách làm việc hoàn toàn thoải mái, gần gũi với người mẫu. Nhờ vậy họ sẽ không bị căng thẳng trong quá trình làm việc, hiệu quả đạt được sẽ cao hơn nhiều", Hoài Nam cho biết.

Hai nhiếp ảnh gia đều nhận xét rằng hiện nay người mẫu chuyên nghiệp thể hiện được ý tưởng của nhà thiết kế và nhiếp ảnh gia chỉ có khoảng... chưa đến 10 người. Vì thế những cái tên như Xuân Lan, Ngọc Thúy, Bằng Lăng, Thanh Trúc, Anh Thư... cứ vẫn xuất hiện đều đặn trên các báo. Hải Đông và Hoài Nam cho rằng vì chi phí đầu tư chụp ảnh thời trang của các báo quá thấp, thậm chí có báo còn lấy những bức ảnh báo khác không dùng để đăng lại nên chất lượng ảnh thời trang ở Việt Nam còn thua xa ảnh thời trang thế giới. Ở nước ngoài, mỗi lần chụp bộ sưu tập mới, ban biên tập báo đầu tư rất nhiều về thời gian lẫn tiền bạc. Chọn bối cảnh, thời tiết... sau đó nhiếp ảnh gia mới đưa người mẫu, nhân viên trang điểm, làm tóc, ánh sáng, đạo cụ... đến địa điểm. Chụp một bộ ảnh thời trang như thế có khi mất cả tuần hoặc 10 ngày. Trong khi đó ở Việt Nam, Hải Đông và Hoài Nam từng chụp bộ sưu tập thời trang trong vòng 4 tiếng! "Làm vậy đã bào mòn năng lực sáng tạo của người cầm máy", Đông và Nam nhận xét.

Khi được hỏi công việc luôn gần gũi với những người đẹp, quần áo đẹp, thế có bao giờ hai anh "yếu lòng" chưa? "Vì chúng tôi có mối quan hệ quá thân quen với người mẫu, được gọi bằng "bác" nên luôn giữ được chừng mực trong quan hệ. Rất thân, rất quen nhưng chúng tôi chưa bao giờ đi quá đà, không tạo ra những scandal hâm nóng tên tuổi. Chúng tôi muốn giữ uy tín cho nghề nghiệp của mình", cả hai cho biết.

Chuông điện thoại reng. "Tối nay phải bay ra Furama Resort (Đà Nẵng) chụp bộ sưu tập rồi. Thôi hẹn tuần sau nhé!", nói xong Hải Đông lại tiếp tục đưa máy lên và... bấm. Đã 1h trưa mà mọi người không ngừng tay để ăn cơm. Công việc một ngày của nhiếp ảnh gia thời trang cứ tất bật và căng thẳng như thế. Họ cũng luôn canh cánh nỗi lo: ảnh chụp ra bị mọi người cho rằng đơn điệu, lặp lại, thiếu sức sáng tạo... Và vì thế họ vẫn mãi tìm tòi những nét đẹp mới qua lăng kính.

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay