Vị chủ tịch huyền thoại của Motorola

Lượt xem: 12,714
Bằng một trí tuệ ưu việt, một ý chí quyết tâm cao độ và khả năng ứng biến tài tình trên thương trường, sau gần 6 thập kỷ thành công cùng Motorola, Bob Galvin đã vươn lên vị trí một trong những doanh nhân tài năng, thành đạt nhất hành tinh với số tài sản cá nhân trị giá 1 tỷ USD.

Mặc dù đã rất thân quen với thương hiệu Motorola nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiều người chưa biết về doanh nhân Bob Galvin - người đã kế thừa và đưa Motorola trở thành một trong những thương hiệu toàn cầu.

Bằng một trí tuệ ưu việt, một ý chí quyết tâm cao độ và khả năng ứng biến tài tình trên thương trường, sau gần 6 thập kỷ thành công cùng Motorola, Bob Galvin đã vươn lên vị trí một trong những doanh nhân tài năng, thành đạt nhất hành tinh với số tài sản cá nhân trị giá 1 tỷ USD.

Được rèn dũa trong môi trường kinh doanh từ khi còn nhỏ, sau khi được kế thừa ngôi vị lãnh đạo, Bob Galvin đã dẫn dắt Motorola Inc đi từ thành công này tới thành công khác. Bob Galvin đã đưa thương hiệu Motorola đến với thế giới một cách hoàn hảo.

Hiện nay, với hàng trăm chi nhánh đặt tại nhiều khu vực trên thế giới, số lượng nhân viên khoảng 66.000 người, tổng doanh thu lên tới 41,2 tỷ USD, Motorola đã vươn tầm trở thành một trong những Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.

Tấm gương cần cù, sáng tạo

Bob Galvin hay còn gọi là Robert Galvin sinh ngày 9/10/1922 tại Marshfield, Wisconsin, Mỹ. Khi còn nhỏ, Bob Galvin đã thể hiện là một người có chí hướng và rất thông minh, trong các môn học tại trường, cậu luôn đạt được kết quả cao, đặc biệt là những môn khoa học tự nhiên.

Khi vẫn còn là một học sinh trung học, Bob Galvin đã bắt đầu làm quen với các công việc đầu tiên tại Công ty Galvin Manufacturing Company do bố cậu sáng lập và điều hành. Do chưa có kinh nghiệm và những kiến thức chuyên sâu, Bob Galvin đã được bố sắp xếp vào vị trí thủ kho.

Ngoài thời gian tới trường, Bob Galvin đã dành hầu như thời gian còn lại của mình vào các công việc của công ty. Trong một môi trường công việc nghiên cứu và phát triển công nghệ của Galvin Manufacturing Company, Bob Galvin đã bắt đầu làm quen được với những công việc đơn giản đầu tiên. Càng làm, Bob Galvin càng bị cuốn hút và chính điều này đã thúc giục Bob Galvin cần phải học tập chuyên sâu để có cơ hội đảm trách những công việc mà thời điểm đó cậu chưa được tham gia.

Tốt nghiệp chương trình học tại University of Notre Dame, bỏ qua những khát khao về công việc, Bob Galvin đã quyết định tiếp tục chương trình chuyên sâu về điện tử tại University of Chicago. Chính sự xác định đúng hướng đó của Bob Galvin đã giúp cậu có được một nền tảng kiến thức vô cùng quan trọng để đi tới thành công sau này.

Trong những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, bên cạnh việc học tập và tiếp thu những kiến thức từ sách vở, Bob Galvin còn rất để ý học tập từ thực tế. Và thói quen này đã trở thành ý thức thường trực của Bob Galvin, từ những công việc đơn giản của những người bạn là công nhân trong các nhà máy hay tới công việc của những người là kỹ sư, nhà quản lý, Bob Galvin đều tìm thấy những kinh nghiệm đáng học hỏi.

Thêm vào đó, từ nhỏ sống trong môi trường gia đình có người cha – ông Paul Galvin (1895-1959) là một doanh nhân, Bob Galvin đã sớm được tôi luyện và có được những hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh. Hy vọng cậu con trai sẽ có đủ tài năng, kinh nghiệm để nối nghiệp gia đình, ông Paul Galvin đã trở thành người thầy đầu tiên và tận tuỵ nhất của Bob Galvin.

Những lời giảng giải được Paul Galvin đúc kết từ vốn hiểu biết và những kinh nghiệm đã từng nếm trải đã giúp Bob Galvin nhanh chóng có được một nền tảng kiến thức vững chắc, một ý chí tiến thủ trong sự nghiệp sau này.

Nếu như Bob Galvin có công phát triển Motorola thành một thương hiệu toàn cầu thì người cha Paul Glavin chính là người có công khai sinh ra Motorola. Sự nghiệp của Paul Galvin đã bắt đầu từ năm 13 tuổi với công việc đơn giản là bán bắp rang tại các nhà ga để kiếm tiền mưu sinh và những chuỗi ngày đầy gian nan, vất vả.

Mặc dù vậy, Paul Galvin đã sớm tìm ra cho mình một lối đi đúng khi quyết định vào học tại trường Đại học tổng hợp Illinois. Tốt nghiệp đại học và bước vào thương trường nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những rủi ro, Paul Galvin đã phải trải qua hai lần thất bại nặng nề sau khi xây dựng lên một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất pin.

Năm 1928, tới lần thứ ba, từ số vốn 750 USD của mình cộng thêm với khoản đóng góp 565 USD của người em trai Rosef Galvin, Paul Galvin đã thành lập lên Galvin Manufacturing Corporation.

Rút kinh nghiệm xương máu từ 2 lần thất bại trước, Paul Galvin đã chuyển hướng cho doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu, sản xuất radio sử dụng trên các loại xe hơi và cả những loại radio sử dụng trong gia đình, trong số đó, loại radio Victrola đã trở thành sản phẩm được người sử dụng ưa chuộng trên thị trường.

Vào một buổi sáng, Paul Galvin nảy ra ý tưởng chọn từ “motor” trong từ “automotive” mang ý nghĩa về dòng sản phẩm radio sử dụng trên các loại ô tô kết hợp với tên sản phẩm đã thành công Victrola để đặt ra cái tên mới Motorola cho công ty.

Bước vào giai đoạn thế chiến thứ II nổ ra, Paul Galvin đã tập trung vào sản xuất các loại máy điện đài dùng trong liên lạc của quân đội. Khi thế chiến kết thúc cũng đồng nghĩa với thị trường điện đài không còn sôi động nữa, Paul Galvin đã nhanh chóng hướng Motorola sang sản xuất các vô tuyến màu để tung ra thị trường.

Kế thừa và phát triển Motorola

Năm 1948, khi đó mới 26 tuổi, Bob Galvin đã vươn lên nắm giữ ngôi vị Phó Chủ tịch của Motorola và 11 năm sau đó, là người kế thừa vị trí Chủ tịch. Khi nắm giữ trọng trách Chủ tịch, Motorola đã là một trong những thương hiệu nổi tiếng trên thị trường hàng điện tử của thế giới, mức doanh thu hàng năm đã đạt bình quân 255 triệu USD mỗi năm. Đây là một nền tảng thuận lợi nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với người kế nhiệm vì duy trì được mức tăng trưởng đó đã khó, tạo được sự đột phá cho Motorola sẽ còn khó hơn.

Thêm vào đó, bước vào những năm thập niên 60, thị trường hàng điện tử ngày càng trở lên sôi động, hàng loạt những sản phẩm của các nhà sản xuất trong và ngoài nước được tung ra thị trường đã tạo lên một sức ép cạnh tranh không nhỏ. Vì vậy, ngay từ thời điểm bắt đầu cương vị mới, Bob Galvin đã phải tập trung vào xây dựng và tiến hành chiến lược phát triển cho Motorola.

Đối với Motorola, thế mạnh trong những năm 60 vẫn là các sản phẩm vô tuyến màu nên Bob Galvin vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và đưa vào sản xuất những loại sản phẩm truyền thống này. Thông qua các chương trình thử nghiệm, Bob Galvin còn nghiên cứu ngay những sản phẩm của các nhà sản xuất Nhật Bản và sau đó tạo ra nét đặc sắc riêng cho các sản phẩm của mình.

Song song với đó, Bob Galvin bắt tay vào chương trình nghiên cứu và sản xuất các dòng sản phẩm mới. Để chắc chắn dự án có đủ cả tài chính lẫn công nghệ, Bob Galvin đã kêu gọi các nhà thầu đến đầu tư. Sự xuất hiện của các nhà thầu đã mang tới những thành công ngoài mong đợi, bên cạnh nguồn tài chính dồi dào, công nghệ tiên tiến, tập đoàn còn thiết lập được một cơ chế quản lý chặt chẽ và rất hiệu quả.

Không lâu sau đó, hàng loạt sản phẩm vô tuyến màu chất lượng cao đã được sản xuất và tung thị trường. Bên cạnh vấn đề chất lượng sản phẩm, Bob Galvin còn đặc biệt chú trọng tới dịch vụ chăm sóc khách hàng theo khẩu hiệu “vì khách hàng”, nhờ đó, Motorola đã tạo được nét riêng biệt trên thị trường hàng điện tử đồng thời thu được những khoản lợi nhuận lớn và nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường.

Chưa dừng lại ở những gì đã đạt được, trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Bob Galvin còn tiếp tục tung ra đòn đánh quyết định và tạo được ưu thế tuyệt đối trên thị trường Mỹ. Đó là thời điểm các đối thủ Nhật Bản thực hiện chiến lược cạnh tranh mới nhằm vùi dập các đối thủ trong đó có Motorola ngay trên thị trường Mỹ.

Chính sách này được chia làm hai hướng, hướng thứ nhất là giảm giá các mặt hàng điện tử trên thị trường Mỹ, hướng thứ hai là giữ nguyên mức giá cao tại thị trường Nhật Bản để vừa có thể nâng cao sức ép cạnh tranh đi tới chiếm lĩnh thị trường điện tử Mỹ vừa bảo đảm các nhà sản xuất của Mỹ không thể xâm nhập được vào thị trường nội địa Nhật Bản.

Sau những tính toán lỹ lưỡng, Bob Galvin đã trực tiếp dùng uy tín của mình đứng ra tập hợp các nhà sản xuất hàng điện tử của Mỹ sau đó đã thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách của chính phủ sửa đổi quy định cạnh tranh, quyền bảo hộ đối với các nhà sản xuất của Nhật Bản. Bằng khả năng ứng biến tài tình đó, Bob Galvin đã không chỉ giúp Motorola mà nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ có được bước lội ngược dòng và bứt phá trên thị trường hàng điện tử.

Xây dựng Motorola thành thương hiệu toàn cầu

Trong giai đoạn từ năm 1958 cho tới năm 1987, dưới sự điều hành của Bob Galvin, Motorola đã có được bước phát triển nhảy vọt, tổng doanh số bán ra tăng từ con số 216,6 triệu USD lên 6,7 tỷ USD, giá cổ phiếu cũng theo đó tăng từ 89 cent/1 cổ phiếu lên 6,10 USD/cổ phiếu.

Mặc dù vậy, bắt đầu từ thời điểm những năm cuối của thập niên 80, thị trường hàng điện tử có những bước phát triển bùng nổ và đứng trước xu thế biến đổi nhanh chóng, do đó, Bob Galvin đã quyết định bắt tay ngay vào chương trình da dạng hóa các loại sản phẩm.

Dựa trên thế mạnh về tài chính, Bob Galvin đã đầu tư những khoản tiền lớn vào thiết lập, cải tiến dây chuyền sản xuất của Motorola. Thêm vào đó, ông còn chi những khoản tài chính không nhỏ cho chương trình đào tạo và tuyển chọn nhân viên và đưa vào áp dụng chương trình quản lý nổi tiếng six-sigma cho toàn bộ doanh nghiệp. Trong đó, những quy định về việc trao quyền lãnh đạo cho các thành viên trong ban lãnh đạo là một trong những ý tưởng tiên phong đã tạo ra được một môi trường quản lý chặt chẽ, hiệu quả và phát huy được một cách tối ưu nhất khả năng lãnh đạo tập thể cho Motorola. Chính mô hình quản lý six-sigma không lâu sau đó được Chính phủ Mỹ trao giải thưởng Malcom Baldridge.

Bằng những bước chuẩn bị tổng thể, kỹ lưỡng đó, Bob Galvin đã giúp Motorola tung ra thị trường hàng loạt những loại sản phẩm mới chất lượng cao như máy tính xách tay, camera, thiết bị vi xử lý cho các loại computer, thiết bị cơ sở của các mạng điện thoại và mạng Internet, âm li, loa, radio, điện thoại cố định...

Đặc biệt, khi các mạng thông tin liên lạc trên đà phát triển mạnh, Bob Galvil đã nắm ngay lấy cơ hội này và đưa vào phát triển các thế hệ điện thoại di động. Nếu như trong thời kỳ thế chiến thứ II, những chiếc điện đài quân dụng là thế mạnh của Motorola thì trong thời kỳ công nghệ thông tin bùng nổ, những chiếc điện thoại di động lại trở thành một thứ vũ khí tối tân để Bob Galvin đưa Motorola ra toàn cầu.

Bắt đầu từ thập niên 80, hàng loạt những thế hệ điện thoại di động đã được Bob Galvin đưa vào sản xuất, cung cấp cho người tiêu dùng. Từ thế hệ DynaTAC, DynaTAC, Ultra, MicroTAC, StarTAC cho tới những những chiếc W220, W208, W370 hay i450, i455, i425... ngay sau khi xuất hiện đã chinh phục được khách hàng không chỉ ở Mỹ mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, với tổng doanh thu 41,2 tỷ USD trong năm 2006 và một mạng lưới phân phối rộng khắp đặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, Motorola đã trở thành một trong những tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới và là đối thủ chính của nhiều tên tuổi lớn như Nokia, Samsung, Siemen, Sony, LG...

Riêng với Bob Galvin, mặc dù hiện nay không còn xuất hiện trên thương trường nhưng với những gì đã làm được sau gần 6 thập kỷ hoạt động không ngừng, ông sẽ mãi được tôn vinh như một huyền thoại của Tập đoàn Motorola. 

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay