Vì sao nhân viên của bạn xin nghỉ việc?
Lượt xem: 17,896Một điều dễ nhận thấy là khi một nhân viên xin nghỉ việc, họ không bao giờ nói ra lý do thật sự của mình. Các công ty thường có quy trình và các thủ tục cần phải làm khi có nhân viên xin nghỉ, như phỏng vấn/nói chuyện để tìm hiểu lý do; bàn giao thiết bị làm việc, tài sản, thẻ ra vào; bàn giao công việc còn dang dở…
Sẽ có hàng tá lý do được nhân viên đưa ra, chẳng hạn như: cảm thấy công việc không thích hợp, năng lực của mình không phù hợp/thỏa mãn với yêu cầu của công việc, không hòa đồng được với văn hóa/môi trường của công ty. Ngoài ra còn có những lý do hết sức cá nhân như lập gia đình, muốn đi học thêm, muốn nghỉ việc ở nhà để có thời gian chăm lo cho con cái, nhà cửa…
Tất cả đều là những lý do mang tính ôn hòa, không làm mất lòng người ở lại nhưng với tư cách là nhà quản lý, bạn cần phải biết lý do thật sự để giữ chân nhân viên ở lại công ty mình. Những lý do trên đây có thể đúng, có thể sai đối với từng người nhưng dường như nó đã trở thành một vài lý do mẫu và “sẵn có để dùng” cho những nhân viên muốn tìm cho mình một vị trí khác.
Trong khi đó, lý do chuuyển đi thật sự và có thể là khó nói như lương không đủ sống, chính sách của công ty không phù hợp, hay đơn giản là bất hòa/bất bình với một đồng nghiệp nào đó trong công ty. Cũng có thể chính vì cách cư xử của bạn: thiên vị người này hơn người khác, quá coi trọng một người nào đó và có những hành động “mờ ám” như rất hay họp riêng lẻ với một thành viên trong một công ty/một nhóm mà những người khác trong cùng bộ phận không thể hiểu đang có chuyện gì xảy ra hay có dự án nào mới hay công việc là gì…
Vậy các lý do thật sự khó nói khiến nhân viên quyết định nộp đơn xin nghỉ việc là gì?
- Lương thưởng không thỏa mãn. Thường đây là lý do chính và chiếm tỷ lệ khá cao khi bạn nhận được đơn xin thôi việc từ nhân viên. Khi nhân viên xin nghỉ, bạn thường giữ chân nhân viên của mình bằng cách tăng lương, nhưng cách tốt hơn là hãy có chính sách tăng lương định kỳ và có các bậc khác nhau với những mức độ đóng góp khác nhau. Bởi vì có khá nhiều người quan niệm “đã xin nghỉ rồi thì sẽ không bao giờ ở lại”.
- Chế độ bảo hiểm, chính sách của công ty không thỏa đáng.
- Bất hòa với đồng nghiệp. Có thể là lý do cá nhân, nhưng cũng có thể do bị một nhân viên giỏi hơn suốt ngày gây áp lực, chèn ép, không tôn trọng và gây ức chế quá đáng cho người khác.
- Sếp thiên vị
- Sếp bất tài.
- Sếp luôn “cướp” thành tích của nhân viên để tranh công với cấp trên.
- Cách quản lý của sếp quá chán và không chuyên nghiệp: không hiểu được nhân viên của mình làm gì, không nắm được nội dung công việc trong nhóm… Những người sếp như thế này khiến nhân viên chán nản và biết rằng có cống hiến nhiều hơn nữa cũng không được biết đến.
- Bị chính sếp “trù dập”.
- Quy mô công ty nhỏ và làm ăn không hiệu quả.
Một quản lý giỏi phải biết cách giữ chân nhân viên của mình.
Bạn không thể suốt ngày đi tuyển nhân viên mới mà không hiểu tại sao nhân viên của mình lại lần lượt xin nghỉ. Có người sẽ nói thẳng lý do tại sao mình ra đi, nhưng xu hướng của nhân viên - đặc biệt là nhân viên nữ - thường là “dĩ hòa vi quý” và họ sẽ nói ra một lý do hoa mỹ để che đậy lý do thật sự.
Các sếp, nhà quản lý cũng có nhiều cấp và người quản lý trực tiếp luôn ảnh hưởng nhiều nhất tới nhân viên, vì vậy nếu bạn ở cấp cao hơn thì cần có cái nhìn tổng quan để tránh để mất những nhân viên có kinh nghiệm và làm việc hiệu quả ở phần “nền”.