Viết cho các bạn trẻ

Lượt xem: 13,478

Tiến sỹ Mai Hữu Tín

Câu hỏi mà tôi thường gặp từ các bạn trẻ, nhất là các bạn yêu thích kinh doanh. Phần trả lời, do vậy, đứng từ góc độ cá nhân với tư cách là một doanh nhân mong sẽ đem lại một vài điều thú vị cho các bạn.

1- Các nhà doanh nghiệp trông đợi gì từ sinh viên mới ra trường?

Câu hỏi tưởng dễ mà lại khó. Nếu cứ nói chung chung là chúng tôi cần các bạn có chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, thành thạo các phần mềm thông dụng, biết kết hợp làm việc với mọi người... thì chắc là các bạn đều đã nghe cả rồi. Thật sự là chúng tôi rất cần các bạn được như vậy. Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì chắc là đường tiến thân của các bạn sẽ dài lắm trong khi đất nước và môi trường kinh doanh hiện tại cần nhiều hơn như vậy. Các doanh nghiệp của chúng ta hiện không chỉ thiếu nhân viên giỏi mà còn thiếu cả cấp quản lý trung gian giỏi, trẻ và bản lĩnh. Ngoài vốn kiến thức lý thuyết mà các bạn học được từ giảng đường thì những trải nghiệm trong đời sống thật góp nhặt được từ khi các bạn bắt đầu biết suy nghĩ về tương lai là rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà các đại học quốc tế lớn chuyên đào tạo về quản trị khi tuyển sinh viên vào bậc cao học đều cần người tiến cử ghi rõ ý kiến của họ về những mặt sau của ứng viên:

- Khả năng lãnh đạo;

- Tính kiên trì;

- Khát khao thành công;

- Khả năng làm việc đồng đội;

- Sự tự tin;

- Sự linh hoạt;

- Sự chín chắn trong công việc chuyên môn;

- Tính đĩnh đạc, tự chủ;

- Lối sống có định hướng;

- Khả năng hoàn thành mục tiêu đúng hạn định;

- Khả năng phân tích tình huống và hình thành giải pháp;

- Kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ viết và nói;

- Kỹ năng thiết lập quan hệ.

Các bạn cần có tất cả những tính cách, khả năng và kỹ năng trên ở mức cao nếu muốn thành công trong sự nghiệp và trở thành những nhà quản lý giỏi.

2- Làm sao để có được tất cả các tính cách, khả năng và kỹ năng trên?

Cá nhân tôi không tin vào quan điểm cho rằng con người được sinh ra với những tính cách có sẵn và không thể biến đổi. Ai cũng có thể tự nâng mình lên nếu chịu học và có ý chí thật sự. Từ bỏ nếp suy nghĩ cũ, những thói quen xấu luôn đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Cá nhân tôi học được rất nhiều từ sách vở và qua quan sát những người giỏi và thành đạt đã được xã hội nhìn nhận. Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần quyển “Đắc nhân tâm” do Nguyễn Hiến Lê dịch từ nguyên tác “How to win friends and influence people” của Dale Carnegie trước khi học xong phổ thông. Tôi giữ thói quen sưu tầm và đọc hồi ký của những người nổi tiếng cho đến bây giờ. Đương nhiên bạn phải thực hành có chọn lọc những điều đọc được chứ không thể áp dụng nguyên xi cho cá nhân mình. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để tạo tính kỷ luật cá nhân như luôn ngủ dậy đúng giờ trong ngày làm việc; tập thể dục hoặc chơi thể thao ít nhất 3 lần/tuần; lên lịch tất cả các việc phải làm và kiểm tra thường xuyên lịch này để không bỏ sót; luôn chào hỏi người quen trước khi được chào; luôn cảm ơn mọi người cho những việc nhỏ nhất; không chê bai, than vãn; luôn trả lời mọi email nhận được trong vòng 24 giờ... Làm được như vậy bạn đã đi được những bước đầu tiên để chuẩn bị mình cho những việc lớn hơn.

3- Những khiếm khuyết thường thấy nhất ở các bạn trẻ?

Dưới đây là những quan sát của cá nhân tôi qua rất nhiều lần tiếp xúc với sinh viên cũng như với các đồng nghiệp trẻ của mình:

- Thiếu định hướng tương lai: Phần lớn các bạn chấp nhận an phận hoặc chỉ đón nhận những gì đến với các bạn hơn là vạch ra kế hoạch phát triển cá nhân của mình và theo đuổi kế hoạch đó. Rất ít bạn trả lời được là năm tới, 3 năm tới, 5 năm tới bạn sẽ học được đến đâu hoặc làm được gì.

- Khả năng tư duy kém: Các bạn ít chịu suy nghĩ về công việc mình làm để cải tiến hoặc tăng năng suất. Phần lớn chọn việc dễ làm và cứ theo lối mòn mà người đi trước đã vạch ra. Khi có vấn đề phát sinh các bạn thường im lặng lắng nghe chứ không mạnh dạn suy nghĩ và trình bày suy nghĩ của mình.

- Thiếu tính độc lập và ý chí phấn đấu: Rất nhiều bạn dựa vào các mối quan hệ có sẵn để tìm việc, tiến thân hoặc giải quyết khó khăn thay vì tự mình quyết định mọi việc. Ở mọi doanh nghiệp hiện nay việc tìm người tài là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đừng ngại gởi thẳng hồ sơ xin việc của bạn cho tổng giám đốc hay giám đốc nhân sự của các doanh nghiệp thay vì nhờ cậy người quen, nhất là các quan chức. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy thường các bạn nhờ cậy như vậy có thể có việc làm nhưng lại rất khó tiến thân vì các bạn rất kém về ý chí phấn đấu và không được đồng nghiệp nể trọng lắm.

- Tự cao: Rất nhiều bạn trẻ có học lực kha khá lại để cho chính chiếc bóng của mình che mất mình đi và không nhận ra rằng phía trước còn rất nhiều thứ các bạn phải học, phải biết. Các bạn so bì nhau với bằng cấp thay cho khả năng thực và không đánh giá đúng giá trị của kinh nghiệm và sự sáng tạo. Rất nhiều bạn như vậy cho rằng mình có năng lực nhưng lại không được tạo cơ hội để khai thác tài năng của mình. Rất tiếc là năng lực đó lại do các bạn tự thấy chứ không phải do xã hội hay người sử dụng nhìn nhận. Tôi cho rằng một trong những năng lực mà các bạn trẻ rất cần phải có là năng lực làm cho mọi người khác nhận ra được năng lực thật của mình.

- Chủ quan: Kiến thức của nhân loại trong mọi lĩnh vực ngày càng bao la. Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại của ngày hôm nay việc tiếp cận kiến thức không còn là một vấn đề quá khó nữa. Thế nhưng trước mọi vấn đề của cuộc sống thì trải nghiệm thực tế và tuổi tác lại có vai trò hết sức quan trọng. Người nhiều kinh nghiệm, dù có thể ít học hơn, thường có giải pháp tốt hơn cho rất nhiều vấn đề. Do vậy mà tính cẩn trọng là cần thiết. Việc tham khảo ý kiến của người lớn tuổi là cần thiết. Quyết định cuối cùng trong những việc quan trọng có thể thuộc về bạn và người lãnh chịu hậu quả của các quyết định đó có thể là chính bạn. Nhưng đừng vì vậy mà chủ quan. Có thêm những lời khuyên chân tình từ người đi trước không bao giờ thừa.

- Giấu dốt: Rất nhiều bạn trẻ khó nói được sự thật rằng mình không biết hoặc chưa biết về một vấn đề nào đó. Điều này thật không hay cho các bạn và cho cả tổ chức mà bạn làm việc. Không ai chê trách những người trẻ về những điều không biết hoặc chưa biết đó. Ngược lại sự thành thực của các bạn lại chính là cơ hội để các bạn học hỏi thêm và có được tình cảm của mọi người. Điều quan trọng là khi được quan tâm chỉ bảo thì bạn cần lắng nghe và nếu được thì ghi lại, thật cẩn thận để có thể làm đúng và thể hiện sự trân trọng của mình với những lời chỉ bảo đó.

- Thụ động, ngại khó: Giữa các nhân viên có cùng năng lực thì chỉ những người sẵn sàng xông pha, gánh vác trách nhiệm và lao vào các việc khó khăn mới có thể được sự chú ý của các cấp lãnh đạo. Có thể các bạn làm chưa tốt lắm do thiếu kinh nghiệm nhưng chắc chắn tinh thần của các bạn sẽ được ghi nhận. Hãy để ý là hầu hết các bạn học giỏi nhưng thụ động rất khó thành công trong cuộc sống trong khi có những bạn chỉ học khá thôi nhưng lại rất thành công. Sự năng động tạo ra khác biệt này.

4- Tiền bạc và sự thành đạt

Rất nhiều bạn trẻ ngày nay so bì sự thành đạt của nhau qua các giá trị vật chất: ai ở nhà to hơn, đi xe đẹp hơn, xài điện thoại đắt hơn... Cũng vì vậy mà rất nhiều bạn lao vào làm giàu bằng mọi giá và bỏ qua rất nhiều giá trị khác đáng quí hơn, đáng tự hào hơn. Cá nhân tôi chưa bao giờ đặt ra mục tiêu sẽ làm giàu bằng hay hơn ai cả. Bàn về hạnh phúc là một điều ngoài khả năng của tôi. Thế nhưng tôi tin rằng một người thành đạt trước hết phải được sự kính trọng của mọi người xung quanh, có thể là về nhân cách, kiến thức, tầm nhìn... trước khi nói đến địa vị hay sự giàu có. Nhân tiện cũng phải nói thêm rằng tôi biết khá nhiều người giàu có hơn tôi rất nhiều nhưng lại không được cho là thành đạt. Và tôi cũng biết rất nhiều người rõ ràng là không nhiều phương tiện vật chất hơn tôi nhưng lại sống rất hạnh phúc và được mọi người quí mến. Đừng đặt mục tiêu quá cao và hãy cố có được sự thăng bằng trong cuộc sống các bạn ạ. Được tự do sử dụng hết khả năng của mình, với tôi, đã là một thành công lớn. Tôi nhìn sự thành công của người khác với sự thán phục và tự hào, nếu họ là người Việt Nam. Trong tôi không có khái niệm ganh tỵ, bởi tôi hiểu điều đó chẳng đem lại lợi ích gì cả.

5- Ước muốn tương lai

Ngày còn đi học tôi không phải là một học sinh xuất sắc. Thế nhưng khi được học với người nước ngoài tôi luôn dặn lòng là không được để thua họ. Điều đó giúp tôi có thêm nghị lực. Mỗi lần nghe được tin một người Việt học xuất sắc hay làm được điều gì đó hơn người nước ngoài là mỗi lần tôi rơi nước mắt vì sung sướng và tự hào. Trong tôi luôn ray rứt một điều là với dân số đứng hàng thứ 13 trên thế giới (nguồn: U.S. Census Bureau, International Data Base 2007) nhưng nền kinh tế lại đứng thứ 38 và thu nhập bình quân đầu người lại đứng đến thứ 121 (nguồn: CIA World Factbook 2007, tính theo ngang giá sức mua) thì chúng ta phải làm gì? Tôi tin là mọi người Việt đều có trách nhiệm phấn đấu để nâng hình ảnh và giá trị của Việt Nam lên xứng tầm. Trọng trách mà các bạn trẻ ở thế hệ 7X, 8X và hơn nữa phải cáng đáng là rất lớn. Tôi mong các bạn sẽ chuẩn bị cho mình thật tốt trong cuộc đua này, làm sao để người Việt lúc nào đó có thể tự hào khẳng định với mọi dân tộc trên khắp năm châu rằng mình là người Việt, rằng người Việt không chỉ giỏi chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn giỏi về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, quản lý và đương nhiên... giỏi làm kinh doanh.

Vài nét về tác giả:

- Họ và tên: Mai Hữu Tín

- Sinh năm: 1969

- Công việc đầu tiên: Phiên dịch tiếng Anh của Liên hiệp Công ty XNK Sông Bé vào năm 1988 (19 tuổi), người Bình Dương đầu tiên đạt điểm TOEFL 650;

- Sáng lập và điều hành Công ty U&I (Unigroup) từ năm 1998 với nhiều công ty con và công ty thành viên, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: tài chính, phát triển bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, thương mại và truyền thông;

- Tốt nghiệp Tiến sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ năm 2004;

- Giải thưởng Doanh nhân ASEAN 2007;

- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương;

- Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Bình Dương;

- Đại biểu Quốc hội khóa XII.

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay