Vượt qua 4 nỗi sợ lớn nhất trong sự nghiệp
Lượt xem: 18,024Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều khiến con người sợ hãi, trong công việc cũng vậy. Đối với hầu hết nhân viên, bị khiển trách, sa thải hay mắc kẹt trong công việc khiến họ luôn cảm thấy lo lắng và bất an.
Theo Ford R. Myers, chủ tịch Công ty Career Potential và tác giả cuốn sách Để đạt được công việc bạn mong muốn, cho biết: “Môi trường làm việc hiện nay thường trực rất nhiều nỗi sợ hãi đối với nhân viên. Đặc biệt, nhiều nhà quản lý đã lợi dụng chúng để kiểm soát và ép nhân viên làm việc quá sức”.
Dưới đây là 4 nỗi sợ hãi thường gặp và cách khắc phục để thành công trong sự nghiệp:
Bị sa thải
Với tỉ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, bị sa thải là một thực tế đáng lo ngại đối với rất nhiều nhân viên. Tuy nhiên, bạn có thể đối mặt với nỗi sợ này bằng cách tích cực xây dựng mạng lưới quan hệ.
Tiến sĩ Michael Woodware, một chuyên gia nghề nghiệp, khuyên: “Dù bạn không biết trước liệu mình có bị sa thải hay không, hãy cứ tiên phong liên kết với cộng đồng nghề nghiệp của mình. Bạn nên tham gia các hiệp hội nghề nghiệp, câu lạc bộ hay tổ chức chuyên nghiệp… Hãy nhớ rằng người mất việc nhưng nhanh chóng tìm được việc mới khác với người thất nghiệp ở chỗ họ có một mạng lưới quan hệ mạnh mẽ”.
Đảm nhận thêm phần việc của người khác
Khi công ty cắt giảm ngân sách hay thu nhỏ quy mô, một số nhân viên sẽ bị sa thải. Khi đó những nhân viên tốt sẽ phải đảm nhận thêm nhiều công việc hơn. Đây có thể là một cơ hội để mở rộng kỹ năng và làm tăng giá trị bản thân trong tương lai. Nhưng đồng thời điều này sẽ gây ra sự mệt mỏi trong công việc, đặc biệt nếu nhiệm vụ mới không phù hợp với nền tảng kỹ năng của bạn dễ dẫn tới tình trạng quá tải, stress.
Trong tình huống này, Woodward khuyên bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ sếp và đồng nghiệp. Thay vì đắm chìm trong sự căng thẳng, hãy mạnh dạn đề nghị sếp giúp bạn sắp xếp và phân chia thứ tự ưu tiên công việc.
Không được thăng tiến
Thông thường, nhân viên trẻ tuổi sẽ cảm thấy như bị “mắc kẹt” khi không được giao những dự án nhiều thử thách giúp họ thăng tiến trong công việc. Còn nhân viên có kinh nghiệm hơn thoát khỏi tình trạng đó bằng cách “nhảy việc”, bởi thật khó chấp nhận nếu cứ tiếp tục làm việc như một nhân viên quèn với việc photo tài liệu hay pha cà phê.
Myers đưa ra lời khuyên cho những người rơi vào nỗi sợ này: “Nhân viên thông minh không chỉ làm như những gì sếp nói. Bạn nên kiên trì thực hiện những việc nhỏ nhặt, tiến lên từng bước với dự án nhiều thách thức hơn. Nhớ rằng giờ không còn là thời thụ động chờ đợi sếp tiến cử. Đã đến lúc bạn tự quyết định bước tiếp theo của mình”.
Liên tục bị sếp trách mắng
Việc bị sếp mắng hoặc chỉ trích trước mặt người khác có thể sẽ tác động xấu tới tinh thần làm việc của bạn. Myers khuyên nhân viên nên chọn cho mình một văn hóa làm việc phù hợp, và hãy mạnh dạn thảo luận với sếp về cách tương tác giữa sếp với nhân viên, giữa nhân viên với nhau trong công sở.
Và khi bị sếp lớn tiếng, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, tránh phản ứng và chỉ giải thích khi sếp nói xong. Tất nhiên, tình huống này chỉ xảy ra khi bạn phạm sai lầm và nếu làm việc tốt, đây sẽ không phải là nỗi lo.