Vượt qua cảnh trớ trêu khi dự phỏng vấn
Lượt xem: 17,248Cố gắng thuyết phục những người lạ ra quyết định lựa chọn mình đã là quá trình thực sự căng thẳng đối với hầu hết ứng viên tìm việc, vậy mà một sai lầm nhỏ nhoi thôi cũng có thể khiến trải nghiệm này phút chốc biến thành cơn ác mộng “hoàn hảo”.
Nhưng có một sự thật đơn giản thường bị lãng quên là mọi người đều phạm lỗi – chúng ta vẫn là con người. Vậy nên bạn đừng quá lo lắng và bi kịch hoá vấn đề! Càng chuẩn bị kỹ lưỡng thì bạn sẽ hạn chế được tốt nhất những rủi ro xảy đến với mình.
Cùng CareerViet.vn tham khảo ngay kinh nghiệm xử lý và thoát khỏi 6 tình huống trớ trêu phổ biến có thể xảy ra khi tham dự phỏng vấn nhé!
#1. Bạn lỡ miệng nói xấu công ty cũ
Có lẽ bạn không dự định nói xấu những người làm chung trước đây, hoặc là bạn không có ý diễn đạt suy nghĩ theo cách này. Câu hỏi có thể là: “Kể tôi nghe một sự việc chứng tỏ khả năng lãnh đạo của bạn trong công việc?” Rồi bằng cách nào đó, câu chuyện đã đi từ một ví dụ tuyệt vời về khả năng chủ động giải quyết tình huống hợp lý đến bằng chứng rằng bạn từng khiến sếp cũ bẽ mặt vì anh ta không bao giờ xuất hiện tại các cuộc họp đúng giờ.
Nếu nhận ra mình đang làm điều này, hãy hít thở sâu và nhanh chóng xin lỗi vì đã trình bày câu chuyện chưa khéo léo, đồng thời làm rõ lại những thông điệp bạn muốn truyền tải. Rất dễ dàng để nói “Ồ, tôi không cố ý đưa câu chuyện đến đó, điều tôi muốn kể lại là…” nhằm khiến tình huống dễ thông cảm hơn. Hãy kết thúc câu trả lời phỏng vấn của bạn bằng thái độ tích cực, dồn sự tập trung vào các hành động của mình, chứ không phải người quản lý hay đồng nghiệp cũ của bạn.
Trong tương lai: Nên tham khảo thêm nhiều tình huống tương tự từ người thân, bạn bè để đúc kết lại kinh nghiệm và phòng tránh sai lầm. Nếu chuẩn bị trước cho mình những câu chuyện ý nghĩa phù hợp, bạn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị “trôi” kịch bản.
#2. Bạn đột nhiên quên mất từ ngữ quan trọng
Ôi không, tên của cổ phiếu/ thương hiệu/ sản phẩm/ phần mềm đó là gì nhỉ? Làm sao để bạn phát âm hoặc viết ra được từ đó bây giờ? Tâm trạng lo lắng khi dự phỏng vấn nhiều lúc có thể khiến đầu óc ứng viên hoàn toàn trống rỗng.
Đừng cố gắng nghĩ ra những từ ngữ gần đúng, sáng tạo tên gọi mới hay hành động điều gì tương tự nếu bạn không chắc chắn về nó. Thay vào đó, nên giải quyết câu hỏi một cách trung thực. Hãy thử nói: “Xin lỗi, tôi bỗng dưng quên mất tên của ứng dụng đó, điều này thật kỳ quặc bởi tôi từng làm việc với nó mỗi ngày trong công việc trước đây. Nhưng điều quan trọng và lớn hơn cả cái tên chính là ứng dụng này đã giúp nhóm chúng tôi đạt được mục tiêu quý nhanh hơn bao giờ hết.”
Bằng cách tập trung vào những điều quan trọng (mà những điều quan trọng lại hiếm khi có tên), bạn có thể đánh lạc sự chú ý của nhà tuyển dụng khỏi tình trạng “não đi chơi” đáng xấu hổ của mình.
Trong tương lai: Hãy tạo một ghi chú trên điện thoại của bạn về tất cả các khái niệm, danh xưng, cụm từ quan trọng nào mà bạn nghĩ sẽ có khả năng xuất hiện trong quá trình phỏng vấn. Nhớ xem lại danh sách này thật kỹ vài phút trước khi bước vào phòng phỏng vấn nhé!
#3. Bạn lỡ miệng văng tục
Chắc chắn 100% là không ứng viên nào có ý định nói bất cứ lời gì thô lỗ hay nói những câu khó nghe khi trò chuyện cùng nhà tuyển dụng. Nhưng đôi lúc vì quá phấn khích, “ma xui quỷ khiến” thế nào mà bạn đã dùng các từ đệm chưa phù hợp để nhấn mạnh ý tưởng trong câu nói của mình. Lời đã thốt ra như bát nước đổ đi không thể hốt lại, tình huống này quả thực chẳng biết trốn vào đâu. Tuy nhiên cần nhớ rằng, bạn không thể phớt lờ sự thật mình vừa lỡ miệng, nhưng cũng không nên để cuộc phỏng vấn bị dừng lại đột ngột vì nó.
Thay vào đó, hãy trung thực: “Rất xin lỗi, tôi đã rất hào hứng với dự án X này đến nỗi để cảm xúc của mình vượt lên trước và đi quá xa. Nó chỉ như vậy khi chúng ta nhìn thấy các kết quả tuyệt vời…” Cần chân thành nhận lỗi, nội dung giải thích phải đảm bảo phù hợp với tình huống xảy ra trước đó chứ không phải một câu văn mẫu. Giống như khi bạn lỡ quên mất những cái tên quan trọng, chìa khoá ở đây là nhanh chóng xoay chuyển câu chuyện và tập trung vào những điểm sáng như gặt hái hoặc thành tựu ấn tượng của bạn.
Trong tương lai: Nếu bạn nhận thấy mình đang bắt đầu trở nên quá phấn khích, hãy hít thở sâu và chậm lại. Bạn ít có nguy cơ tạo ra những sai lầm đáng tiếc nếu bạn nói năng từ tốn, chậm rãi hơn.
#4. Không ai nói gì cả
Bạn trình bày xong hết những điều cần nói, sau đó… im lặng. Tiếp theo đó là một khoảng dừng gây cảm giác hoang mang. Bạn sẽ làm gì với đôi tay của mình? Bạn có nên nói gì thêm không?
hực tế là khoảng dừng khiến bạn bối rối không hẳn sẽ tạo nên tình huống khó xử đối với nhà tuyển dụng. Có thể người đó chỉ đang ghi chép (hoặc ghi nhớ) những thông tin vừa nhận được và suy nghĩ về câu hỏi tiếp theo. Im lặng giữa buổi trò chuyện là hoàn toàn bình thường, vậy cứ để cho phỏng vấn viên thêm chút thời gian xử lý những điều bạn nói trước khi quay lại cuộc hỏi đáp.
Đừng cố tiếp tục nói chuyện để lấp đầy sự im lặng – điều này có thể làm gián đoạn mạch suy nghĩ của phỏng vấn viên. Và chuyện gì xảy ra nếu bạn lỡ khiến họ phải dừng lại việc ghi nhớ những điều tuyệt vời về mình?
Trong tương lai: Hãy nhẩm đếm từ 1 đến 5 giữa các khoảng lặng. Khả năng rất cao là bạn sẽ không phải đếm con số 5, bởi sự thực những lần tạm dừng thường không kéo dài như bạn nghĩ. Còn nếu có vẻ như phỏng vấn viên đang chờ bạn bắt đầu cuộc trò chuyện tiếp theo, hãy nối tiếp nó bằng một câu hỏi có liên quan đến nội dung vừa trả lời, ví dụ như “Công ty của anh có làm theo cách tương tự không?”
#5. Điện thoại của bạn gây rối buổi phỏng vấn
Dù rằng ai cũng biết nên tắt hoặc chuyển điện thoại qua chế độ rung khi đến dự phỏng vấn, nhưng đôi khi tính đãng trí hoặc vội vàng cũng gây nên sự cố âm thanh ngoài ý muốn. Âm thanh ở đây có thể là tiếng báo thức, nhắc lịch, hoặc là cuộc gọi đến. Rõ ràng tình huống này khiến ứng viên lúng túng vì vô ý làm phiền nhà tuyển dụng và ngắt mạch trò chuyện. Tình huống sẽ đặc biệt ngại ngùng hơn nữa nếu bạn có thói quen cài đặt tiếng chuông báo là những âm thanh ầm ĩ, hay nội dung quá sến sẩm bi ai, hoặc là nhạc chế.
Trong hầu hết các trường hợp, lời khuyên là không nên nhận cuộc gọi, bạn hoàn toàn có thể liên lạc lại sau đó. Dù bạn đang làm gì, đừng tham gia vào đó, nhưng cũng không được phớt lờ chiếc điện thoại, đặc biệt nếu chế độ cài đặt của bạn cho phép nó sẽ tiếp tục theo chu kỳ phát ra âm thanh nhắc nhở. Bạn không muốn mình trở nên lố bịch, sơ suất lần đầu sẽ được châm chước, nhưng nếu lập lại sẽ là lỗi tư duy và ứng xử.
Cách giải quyết tình huống trớ trêu này là lập tức ra dấu hiệu hoặc cử chỉ xin lỗi vì sự gián đoạn, tắt tiếng báo động đi, điều chỉnh chế độ để đảm bảo rằng sau đó không thể có âm thanh nào như thế lặp lại nữa, đặt điện thoại của bạn vào túi, và quay lại với buổi phỏng vấn. Nếu vẫn bạn thấy áy náy, có thể nói lời xin lỗi trước khi tiếp tục trò chuyện, nhưng nhớ ngắn gọn, chân thành, không bao biện hay đổ lỗi.
Trong tương lai: Tất nhiên là kiểm tra thật kỹ điện thoại và tất cả những thiết bị điện tử có khả năng phát âm thanh khác trước khi bước vào phỏng vấn. Muốn hoàn toàn an tâm, hãy kiểm tra 2-3 lần để chắc chắn nó đã thực sự chuyển sang chế độ im lặng, hoặc tạm thời tắt nguồn thiết bị càng tốt.
#6. Lỗi phục trang
Tất nhiên bạn hiểu rõ các quy tắc cơ bản để lựa chọn trang phục dự phỏng vấn, rõ ràng bạn đã mặc thử và ủi thẳng quần áo kỹ lưỡng vào buổi tối hôm trước, nhưng đôi khi tình huống ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Ví dụ, chẳng may trên đường từ bãi đậu xe vào công ty, ai đó làm đổ cốc cà phê lên người bạn. Đây là những khoảnh khắc cuối cùng trước giờ phỏng vấn, không còn thời gian để thay đổi.
Vậy bạn phải làm gì? Hãy nói một câu đùa nhẹ nhàng phù hợp khi vừa bước vào phòng phỏng vấn nhằm chủ động làm rõ vẻ ngoài của mình. Ví dụ: “Xin lỗi vì chiếc áo sơ mi. Tôi đã rất vui vì được đến đây sáng hôm nay nên quyết định tự thưởng cho mình một ly cà phê, không ngờ rằng cô bé nhân viên có vẻ còn hào hứng hơn cả tôi khi di chuyển với tốc độ tên bắn. Bài học là hãy luôn giữ bên mình người bạn tốt là Tide – Bút tẩy vết bẩn quần áo”. Sau đó, nhanh chóng chuyển sang câu chuyện chính.
Mục tiêu khi thừa nhận điều này không nhằm thể hiện khiếu hài hước của bạn, mà để nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn không phải là một người bê bối, có thể bước vào phòng phỏng vấn trong bộ dạng lôi thôi, vẻ ngoài nhếch nhác, áo quần đầy vết bẩn.
Trong tương lai: Bạn có thể ghé mắt soi mình trong tấm gương nào đó trên đường bước vào phỏng vấn; chụp vài bức ảnh selie; hay làm bất cứ điều gì cần thiết để biết chắc mình đang có vẻ ngoài ổn nhất. Nhằm đề phòng các sự cố trên trời rơi xuống, hãy luôn trong tư thế sẵn sàng phản xạ, bật chế độ “cực kỳ cẩn thận”. Nếu có thể, hãy mang theo trong túi vài vật dụng nhỏ như bút xoá vết màu, kim chỉ, kim băng… để nhanh chóng khắc phục lỗi trang phục không may xảy ra.
Đôi khi chúng ta phạm phải những sai lầm khiến trong lòng cắn rứt, tiếc nuối không yên, nhưng nói thật lòng thì bạn không phải người đầu tiên và chắc chắn sẽ không phải trường hợp cuối cùng. Do đó, quan trọng nhất vẫn là cho phép bản thân được nghỉ ngơi và nhớ rằng không phải cuộc phỏng vấn nào cũng thành công.
Nếu bạn xử lý được những thiếu sót của mình như một người hùng, thì không có cách gì để sai lầm đó ảnh hưởng đến cơ hội bạn giành lấy công việc. Biết đâu được, bản lĩnh vượt qua hoàn cảnh khó khăn và khả năng phục hồi nhanh của bạn chính là điểm cộng giúp bạn lọt vào vòng trong, tiến gần hơn với công việc mơ ước.
Nguồn hình: Freepik