Lãnh đạo có nhiều loại người: nóng nảy, đẹp trai, hói đầu, trí thức. Để soi gương nhận diện lại mình, đôi khi lãnh đạo cũng đừng quên câu thần chú "Gương kia ngự ở trên tường...". Cái gương ở đây không phải là gì khác ngoài chính những nhân viên của mình.
Lãnh đạo có các loại khác nhau, nhưng tựu chung lại, họ có thể chia làm các nhóm sau:
Kiểu "Hoa thuỷ tiên" (*)
Mô tả: Là người ích kỷ, chỉ thích yêu bản thân mình. Tất cả mọi quyết định đều nảy sinh trong cái đầu sáng láng của ông ta. "Hoa thuỷ tiên" chỉ thích đưa ra những lời khuyên. Bản thân ông ta không biết làm gì, nhưng lại không ngừng đưa ra những lời khuyên bảo.
Phong cách lãnh đạo: Mệnh lệnh trực tiếp. Đó là hình thức tiếp xúc với cấp dưới rất phổ biến và có hiệu quả: "Mệnh lệnh không được thảo luận, mà chỉ cần thực hiện".
Sự thật, đôi khi dưới dạng mệnh lệnh, "Hoa thuỷ tiên" nhẹ nhàng chuyển trách nhiệm của mình lên vai cấp dưới. Khi có kết quả thì lại ra mặt tranh công rằng nếu không có ông ta, không ai có thể làm được, còn tất cả những ý tưởng sáng tạo của bạn sẽ được "Hoa thuỷ tiên" nhận là của mình.
Phản ứng của chiếc "gương": Ca tụng, tâng bốc và khéo léo. Nhân viên sẽ ca tụng từ phong cách ăn mặc quần áo, khả năng tổ chức, kinh nghiệm sống của ông sếp này. Câu cửa miệng mà họ luôn tuôn ra là "Hoa thuỷ tiên" là không thể so sánh, là độc nhất vô nhị, là nhất trần đời, không có ai bằng.
Kiểu "Keo kiệt"
Mô tả: Không quan tâm đến gì hết ngoài tiền bạc. Anh ta muốn kiểm soát toàn bộ chi tiêu tài chính và bao giờ cũng đòi hỏi phải có báo cáo chính xác. Anh ta có thể gây ra vụ om xòm, nếu như anh ta biết rằng những văn phòng phẩm mua ở cửa hàng đắt hơn 2 xu so với việc mua ngay ở nơi sản xuất. Nhưng đôi khi những vị kẹo kéo này lại tỏ ra "rất phóng khoáng" đối với những người "cần thiết". Còn đối với cấp dưới anh ta lại đối xử như với những người sống nhờ ở vậy và thường xuyên đe doạ cắt thưởng.
Phong cách lãnh đạo: Nói chung tuýp người này là người có khả năng tổ chức. Đặc biệt là khi phân công trách nhiệm. Cấp dưới của anh ta thường phải đem công việc về nhà làm thêm, vì trong thời gian làm việc không đủ thời gian để hoàn thành. Sáng kiến đưa ra có thể bị kỷ luật, nhất là nếu sáng kiến đó dẫn đến những chi phí ngoài dự kiến.
Phản ứng của chiếc "gương": Để chiếm được tình cảm của típ lãnh đạo này, nhân viên thường tỏ ra là một người rất tiết kiệm và căn cơ. Khi họ đưa ra đề nghị, nhất thiết họ sẽ vừa quan sát mặt sếp vừa nhấn mạnh xem nó có lợi thế nào cho công ty. Chỉ có điều, đóng góp nhiêu đến mấy, họ cũng sẽ không bao giờ mở miệng và "được phép" đòi tăng lương.
Kiểu "Phàn nàn"
Mô tả: Từ sáng đã đau đầu, ban trưa thì thời tiết xấu, còn buổi chiều anh ta không làm được gì, do các cấp dưới hoàn toàn không muốn làm việc. Tất cả những vấn đề được đưa ra chỉ theo đuổi mỗi một mục đích là làm sao thu hút được càng nhiều sự chia sẻ hay đồng cảm càng tốt.
Phong cách lãnh đạo: Chán nản, thuyết phục và mời cấp dưới cùng chia sẻ. Khi có sáng kiến về một dự án sẽ buộc phải có những cuộc thuyết phục mới. Trong trường hợp này, tất cả những vấn đề người lãnh đạo lẽ ra phải giải quyết thì cấp dưới lại phải làm.
Phản ứng của chiếc "gương": Họ sẽ thường tỏ ra cùng chán nản để tìm tiếng nói chung với sếp. Và thế là hết. Cả một ngày trời, cơ quan sẽ chỉ có những cái miệng luôn cằn nhằn vì trời nắng, trời mưa, hết tiền, vợ mắng...
"Người của tặng phẩm"
Mô tả: Khi thoạt tiếp xúc không bao giờ mọi người tưởng đây là nhà lãnh đạo. Quần áo luộm thuộm, giọng nói thì "quê quê", cách giao tiếp khá suồng sã. Nhưng khi tiếp xúc lâu dài, người ta mới hiểu đằng sau vẻ ngoài không hấp dẫn ấy lại ẩn giấu một trí tuệ phi thường và tài thao lược.
Phong cách lãnh đạo: Mọi chỉ thị đều được thể hiện dưới hình thức không phải mệnh lệnh, mà là một đề nghị. "Người của tặng phẩm" xác định cho nhân viên những định hướng chiến lược hoạt động, còn nhân viên tự xác định cho mình sách lược giải quyết các nhiệm vụ. Đó là người lãnh đạo tuyệt vời với năng khiếu sáng tạo.
Phản ứng của chiếc "gương": Nếu "Người của tặng phẩm" hiểu rằng nhân viên A là một người không thể thay thế thì con đường công danh của người đó sẽ được đảm bảo hoàn toàn. Đặc biệt những sáng kiến và khả năng giải quyết vấn đề bùng nổ của họ sẽ được đánh giá rất cao.
"Người lý tưởng"
Mô tả: Khi đến nơi làm việc trước hết là để làm việc, sau đó mới quan tâm đến việc để được kính trọng. Là người lãnh đạo có đầu óc tổ chức, có khả năng phân tích. Là nhà chuyên môn thực thụ. Là người lãnh đạo biết mặt và tên các cấp dưới, nhưng không bao giờ cho phép nói chuyện suồng sã.
Phong cách lãnh đạo: Chỉ thị mang tính chất như cái gì đó giữa mệnh lệnh trực tiếp và đề nghị thân thiện. Nhân viên dường như không thể từ chối, nhưng họ lại thấy dễ chịu khi được lãnh đạo đánh giá cao ý kiến nghề nghiệp chuyên môn của bạn.
Phản ứng của chiếc "gương": Họ sẽ làm tất cả, và không chỉ vì đồng lương, bởi họ biết người lãnh đạo lý tưởng luôn đánh giá cao khả năng đóng góp của họ.
Lãnh đạo cũng là một con người. Cho dù anh ta có xấu thế nào, thì trong mọi trường hợp vẫn có những phẩm chất nhất định. Do vậy, nhân viên sẽ rất biết cách soi vào đó để học hỏi. Nếu lãnh đạo "đẹp nhất trần đời" thì nhân viên sẽ nói thật và sẽ cố gắng hoàn thiện mình cho bằng lãnh đạo. Còn không, bạn sẽ thấy nhân viên của mình toàn những kẻ gớm ghiếc, xấu xí, tị nạnh hay xu nịnh đủ điều. Vì thế, đừng có trách họ ngay, bởi họ chỉ là cái gương phản ánh một góc nào đó chưa hoàn thiện của chính bạn mà thôi.
* Narcisse – Narcissus (hoa thuỷ tiên - được coi là biểu tượng của sự kiêu căng và ích kỷ)
Theo thần thoại Hy Lạp, Narcisse là một chàng trai rất đẹp nhưng lại từ chối tình yêu của mọi cô gái xung quanh. Và một người trong số họ quyết tâm trả thù. Nàng đã kêu gọi sự giúp đỡ của các vị thần và các cô gái bị từ chối để tạo nên sức mạnh, đẩy chàng đi đến cái hồ nước trong rừng sâu. Ở đó, Narcisse sững sờ khi bắt gặp bóng mình trong làn nước. Chàng cứ say sưa ngắm nhìn mình cho tới khi ngã xuống hồ và chết đuối cùng với mối tình của chàng với chiếc bóng.
Ở nơi mà Narcisse ngồi mọc lên một loài hoa màu trắng, được gọi là hoa Narcisse - hoa thuỷ tiên. Vì thế, sau này, hoa thuỷ tiên - được coi là biểu tượng của sự kiêu căng và ích kỷ.
Trong tâm lý học, thuật ngữ ‘narcissisme’ dùng để chỉ những người quá yêu bản thân mình.