“Xin” sếp tiền học phí
Lượt xem: 13,894Tại Việt Nam, hình thức hỗ trợ phúc lợi này cho nhân viên không còn xa lạ, tuy nhiên tỷ lệ này còn khá thấp. Trang web eLearners.com khuyên rằng: “Nếu công ty không có chính sách đó, bạn hãy thuyết phục sếp “móc” hầu bao cho bạn”. Dưới đây là những tư vấn của eLearners.com:
Nghiên cứu về chính mình: Nếu công ty “ăn nên làm ra” và bạn là một phần của thành công đó thì sếp của bạn buộc lòng phải “cởi mở” khi thảo luận với bạn vấn đề này. Hãy liệt kê ra những đóng góp của bạn vào thành công của công ty, cũng như các “giá trị cộng thêm” mà bạn sẽ đóng góp trong tương lai cho công ty qua các khóa học dự kiến sắp tới của mình.
Cụ thể hóa chuyện “học hành”: Xác định rõ nơi sẽ đào tạo bạn; tên và chuyên ngành của khóa học; địa điểm; học phí; thời gian được đào tạo và cấp bằng chứng nhận. Tránh tham gia những khóa học trùng với giờ làm việc, thay vào đó là những khóa học có giờ giấc linh động (đào tạo trực tuyến chẳng hạn). Cần lưu ý là hiện nay, các công ty đa phần chỉ hỗ trợ học phí cho nhân viên khi tham gia tại các trung tâm đào tạo có tiếng, được nhiều người thừa nhận. Vì vậy, bạn phải suy xét cẩn thận yếu tố này khi chọn trường, chọn thầy.
Gặp sếp: Bắt đầu “vô đề” với người giám sát trực tiếp của bạn. Họ là những người hiểu rõ giá trị và tính cách của bạn nhất. Hoặc bạn cũng có thể gửi thẳng yêu cầu này đến bộ phận nhân sự.
Chứng minh giá trị của bạn: Cách chứng minh hiệu quả nhất là gửi một lá đơn đề xuất nói rõ thời gian bạn đã cống hiến cho công ty, những đóng góp của bạn, tinh thần trách nhiệm của bạn và chứng minh: phí tổn mà công ty bỏ ra cho bạn đi học sẽ đem lại lợi ích lâu dài về sau.
Những cam kết: Đừng quên thổ lộ mong ước gắn bó lâu dài với công ty và cam kết chuyện học của bạn không gây mất thời gian và làm giảm năng suất lao động.