Xin việc – Nên và không nên
Lượt xem: 14,162Giữa xin việc và leo núi có điểm giống nhau: chỉ cần đi nhầm một bước bạn có thể phải trả giá bằng một đoạn đường dài. Tuy nhiên nếu biết cách chuẩn bị bạn sẽ tránh được sai lầm.
Đừng quên đánh giá về bản thân (trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, …) trước khi quyết định gửi đơn xin việc để xem bạn có thực sự phù hợp với công việc đó không.
Không nên sử dụng duy nhất một phương pháp tìm việc mà nên kết hợp thật nhiều phương pháp như: tìm trên báo, tìm trên mạng, tìm qua bạn bè, … nếu không bạn sẽ để lỡ mất nhiều cơ hội.
Nếu đã quyết định gửi đơn xin việc thì đó phải là một đơn xin việc thật hoàn chỉnh, không mắc các lỗi ngớ ngẩn như sai lỗi chính tả, viết nhầm tên công ty, … nếu không thì bạn đang thực sự làm một việc vô ích, lãng phí thời gian.
Bạn nên luyện tập phỏng vấn trước với bạn bè hay người thân của mình để thể hiện tốt hơn trong buổi phỏng vấn thực sự. Sau những lần luyện tập đó hãy rút kinh nghiệm về những câu trả lời và cách xử sự không hay.
Đừng quên để ý đến trang phục trước khi đi phỏng vấn. Trình độ, kinh nghiệm là quan trọng nhưng trang phục sẽ giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng.
Tránh ậm ừ, hắng giọng quá nhiều và lặp đi lặp lại một số từ nhất định như: “kiểu như là”, “anh chị biết đấy”, … Người nghe sẽ không có cảm tình khi phải nói chuyện với bạn đâu.
Đừng nói xấu sếp và đồng nghiệp cũ của bạn, những câu chuyện đó sẽ làm người khác đánh giá không tốt về bạn.
Bạn phải nhớ cảm ơn người đã phỏng vấn mình.
Đừng trì hoãn việc viết thư và gọi điện cho nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn nếu bạn muốn tỏ ra là một ứng viên quan tâm và nhiệt tình với công việc.
Đừng đặt quá nhiều hi vọng vào một cơ hội. “Ngoài biển vẫn còn có những con cá khác nữa mà.” Tuy nhiên bạn vẫn phải nỗ lực hết mình.