Xu thế chọn việc: Lương cao hay chỗ làm tốt?
Lượt xem: 34,024Thay đổi chỗ làm vì lương
Hiện nay, có khá nhiều bạn trẻ quyết tâm trụ lại Hà Nội hoặc TP.HCM để làm những công việc chẳng dính dáng gì đến nghề mà mình đã "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" suốt 4-5 năm ở trường ĐH. Đa số họ xuất thân từ nông thôn, gia đình ở các tỉnh. Trước những lời "kêu gọi" trở về quê để cống hiến, họ đều kiên quyết từ chối.
Nguyễn Thanh Tân, tốt nghiệp khoa CNTT, Đại học Bách khoa TP.HCM đã ba năm nay, được người thân "loby" cho một chỗ làm khá "ấm lưng" ở quê song anh kiên quyết không về vì "lương ba cọc ba đồng, lại ngồi chơi xơi nước thì về làm gì?". Ba năm qua, Tân đã 7 lần đổi việc chỉ để mong tìm thu nhập cao hơn.
Trường hợp như Tân không phải là hiếm trong thời buổi hiện nay, thậm chí nhiều bạn trẻ đã xem việc thường xuyên thay đổi chỗ làm là "mốt".
Từ chối thu nhập cao
Từ Đình Du tốt nghiệp ĐH loại giỏi, rất nhiều cơ quan "đăng ký" nhưng anh từ chối và xin giảng dạy tại một trường ĐH ở TP.HCM (trường bán công). Du nói: "Cơ hội để đi xa hơn trong sự nghiệp sẽ thuận lợi hơn nếu như giảng dạy tại trường ĐH. Tôi chọn chỗ "kém hấp dẫn hơn" là vì thế".
Cách đây chừng 6-7 năm, lúc Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn liên danh với Nga, nhiều kỹ sư có năng lực đã nộp đơn xin nghỉ việc dù mức lương của họ là 12-15 triệu/tháng. Việc từ chối thu nhập cao này có lý do của nó: đó là những năm khó khăn nhất của nhà máy lọc dầu vì không thể triển khai được; nhiều kỹ sư hầu như không biết làm gì, tương lai về nhà máy lọc dầu ngày ấy lại rất tù mù. "Tôi muốn làm việc chứ không muốn ngồi không để nhận lương, dù lương rất cao", một kỹ sư cho biết.
Dương Viết Dũng, SV năm thứ nhất Học viện Quan hệ quốc tế: Quan trọng nhất là phát huy được hết khả năng
Tôi mong muốn sau này làm công việc thiết kế đồ hoạ và đang theo học tại FPT Arena về lĩnh vực này. Tôi thi vào Học viện Quan hệ quốc tế vì ở đó có thể giúp tôi nâng cao khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và nhất là ngoại ngữ, những kỹ năng rất cần thiết cho công việc thiết kế đồ hoạ.
Tôi nghĩ làm việc cơ quan Nhà nước hay tư nhân không quan trọng, điều cốt yếu là phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực mà mình đam mê. Đối với tôi, tiêu chí hàng đầu để quyết định sẽ làm ở đâu là môi trường để mình thể hiện được năng lực và nhiều cơ hội phát triển, mọi người đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc, có cạnh tranh và sức ép.
Cao Diệu Linh, SV cao học Học viện Hành chính Quốc gia: Công việc ổn định - Cơ hội thăng tiến
Làm việc trong cơ quan Nhà nước hay làm ngoài đều góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên, làm trong cơ quan Nhà nước công việc sẽ ổn định, có điều kiện tiếp tục học tập, có cơ hội thăng tiến hướng tới quyền lực công. Từ đó, có điều kiện quan hệ với doanh nghiệp, với các cơ quan do Nhà nước quản lý, giúp cho mình mở rộng hết khả năng, cống hiến hết sức mình, đồng thời thu nhập cũng ổn định, chính đáng. Trong khi đó làm việc tại các doanh nghiệp ngoài chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất là chủ yếu, công việc không ổn định. Được làm việc trong cơ quan Nhà nước là điều mà tôi luôn mong muốn.
Bà Trần Thị Bích Thủy - Trưởng phòng tổ chức công ty CP Thủy Tạ: Nên có tầm nhìn lâu dài khi chọn việc
Một số ứng viên bị lệ thuộc vào mức lương khi chọn công việc, bỏ quên yếu tố làm việc ổn định, chế độ phúc lợi. Do vậy, quá trình "nhảy việc" sẽ tiếp tục diễn ra khi một nơi khác trả lương cao hơn. Trong tuyển dụng, chúng tôi không coi "nhảy việc" liên tục trong một thời gian ngắn là lợi thế của ứng viên. Công ty quan tâm trước hết tới ứng viên có ý thức tốt, cho dù chuyên môn không xuất sắc. Chúng tôi chấp nhận đào tạo lại và trả lương hấp dẫn với những ứng viên có tiềm năng. Trước khi chọn việc, các bạn ứng viên trẻ nên tìm hiểu kỹ những yếu tố: thông tin về nhà tuyển dụng, các yếu tố lâu dài như cơ hội phát triển, chế độ phúc lợi...
Ông Bùi Thế Dũng - GĐ Công ty CP Vietfone: Ứng viên nên tự tìm câu trả lời: Mình phù hợp với việc gì?
Không phủ nhận thực tế nhiều người có thể làm trái ngành nghề, tuy nhiên điều này chưa hẳn đúng với tất cả. Trong các cuộc phỏng vấn, tôi khá bất ngờ khi nhiều bạn trẻ học ngành kỹ thuật nhưng lại muốn tham gia vào kinh doanh với lý do mơ hồ: công việc kinh doanh dễ tiếp cận, xu hướng của xã hội... Tôi đã cho thử sức, nhưng rất ít bạn trụ lại, phần lớn đều nhận ra những hạn chế do năng lực, sự hiểu biết với công việc kinh doanh.