Xử trí 13 câu phỏng vấn khó nhằn qua điện thoại (Phần 1)
Lượt xem: 30,648Hầu hết chúng ta không thích bị bất ngờ, nhất là trong quá trình săn việc. Bởi thành thật mà nói, chuyện tìm và giành được công việc mơ ước đã quá đủ căng thẳng – những tình huống gây bối rối không giúp ích thêm gì.
Vì vậy, trong bài viết này, CareerViet.vn muốn giúp bạn giảm bớt khó khăn trong giai đoạn đầu tiên của hành trình tìm việc: phỏng vấn qua điện thoại. Nếu chưa biết nên mong đợi và chuẩn bị gì cho cuộc gọi đó, cùng xem ngay danh sách câu hỏi thường gặp và gợi ý trả lời dưới đây nhé!
Trước tiên, vì sao phỏng vấn qua điện thoại lại quan trọng?
Như bạn có thể hình dung, hình thức này khá thuận tiện. Angela Smith, cựu chuyên viên tuyển dụng và huấn luyện nghề nghiệp của The Muse, chỉ ra rằng, “nếu đang có rất nhiều ứng viên dự tuyển và nhà tuyển dụng muốn thu hẹp danh sách những người nên được mời trao đổi trực tiếp thì phỏng vấn qua điện thoại rất hữu ích”. Cách sàng lọc này còn đặc biệt phù hợp trong trường hợp ứng viên sinh sống ở nơi xa công ty, vì nó giúp đôi bên tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nhà tuyển dụng tìm kiếm gì trong cuộc gọi này? Tina Wascovich – huấn luyện viên nghề nghiệp tại Muse – nhận định rằng thông tin đôi bên trao đổi rất có ý nghĩa để “nhà tuyển dụng sàng lọc các nguy cơ, cố gắng xác nhận trình độ ứng viên, kiểm tra mức độ phù hợp yêu cầu”. Nói cách khác là phỏng vấn viên cần làm sáng tỏ bạn là ai, đã biết gì về công ty và vì sao muốn làm việc ở đó.
Tất nhiên những câu hỏi đặt ra sẽ vô cùng phong phú và liên quan cụ thể đến công việc hay lĩnh vực bạn tham gia. Nhưng phổ biến hơn các câu hỏi đó lại chính là những câu hỏi về kỹ thuật hoặc kiểm tra hành vi thường gặp.
1. Bạn biết đến công việc này bằng cách nào?
Có hai lý do khiến phỏng vấn viên hỏi điều này: Đầu tiên là họ tò mò. Tuy nhiên thông tin này cũng hữu ích cho việc tinh chỉnh quy trình tuyển dụng. Thứ hai là họ muốn biết vì sao bạn ứng tuyển và rốt cuộc bạn đã “xuất hiện” trước mặt họ như thế nào (điều mà họ sẽ tiếp tục làm rõ trong câu hỏi “Tại sao bạn muốn công việc này” sau đó). Nếu bạn vô tình biết được nhu cầu tuyển dụng qua bạn bè, đây có thể là thông tin quan trọng mà phỏng vấn viên muốn biết.
Trả lời thế nào?
Đơn giản – chỉ cần nói ra nơi bạn đã tìm được tin tuyển dụng, chẳng hạn như trên website tuyển dụng, qua LinkedIn hay mạng lưới quan hệ… và một chút về động cơ khiến bạn nộp đơn. Chẳng hạn, “Tôi được nghe nói về vị trí trống trong bộ phận […] của công ty thông qua một người bạn tên […]. Thật hay là trước nay tôi rất hâm mộ công ty, đã theo dõi tin tức tuyển dụng của các anh trong thời gian dài và tôi nhận ra rằng vai trò này thực sự phù hợp để tôi ứng tuyển.”
2. Kể tôi nghe một chút về bạn?/ Hãy chia sẻ vài điều trong CV của bạn?
Câu hỏi này giúp kết nối các chi tiết giữa khả năng của bạn với yêu cầu công việc. Đôi khi người hỏi chuyện bạn không phải là giám đốc tuyển dụng, mà chỉ là chuyên viên tuyển dụng hoặc ai đó trong bộ phận nhân sự với nền tảng hiểu biết chưa sâu về lĩnh vực của bạn. Trong trường hợp đó, họ không có đủ bối cảnh để hiểu đúng mức độ phù hợp của bạn so với vai trò.
Smith nhận định, đối với các ứng viên có lịch sử làm việc đa dạng hoặc thay đổi công việc ngẫu nhiên, thật khó để người xem lí lịch có thể nắm bắt được toàn bộ những kết nối.
Trả lời thế nào?
Wascovich chỉ ra rằng, điều phỏng vấn viên thực sự tìm kiếm trong câu trả lời của bạn là: “Chia sẻ cho tôi những điều về bản thân bạn thực sự có liên quan đến vai trò mà bạn đang ứng tuyển”. Vì vậy, hãy tập trung vào những kỹ năng và kinh nghiệm có thể ứng dụng tốt nhất. Bạn có thể đơn giản hoá câu trả lời bằng cách sử dụng công thức “Hiện tại – Quá khứ - Tương lai”. Giải thích hiện tại bạn đang ở đâu và làm gì, liên kết nó với những điều từng làm trong quá khứ, và cuối cùng kết thúc bằng lời giải thích đơn giản nhưng sinh động về những điều bạn mong muốn được làm trong tương lai, mục tiêu đó liên quan đến công việc này như thế nào.
3. Bạn đã biết gì về công ty ?
Phỏng vấn viên muốn kiểm tra xem bạn có tìm hiểu về họ không. Bất cứ ai cũng có thể nộp đơn vào một vị trí để mở. Ứng viên phù hợp sẽ rất nhiệt tình với công ty và những gì công ty theo đuổi.
Trả lời thế nào?
Đừng chỉ đơn giản “trả bài” các thông tin tại mục “Về chúng tôi” trên website doanh nghiệp. Hãy chọn ra một hoặc hai phẩm chất nổi bật của tổ chức có thể cộng hưởng với bạn – từ sứ mệnh, sản phẩm, thương hiệu cho đến văn hoá doanh nghiệp. Giải thích vì sao bạn đề cao và ngưỡng mộ họ, đưa ra dẫn chứng cho thấy chúng gắn kết với cá nhân bạn.
Ví dụ nếu ứng tuyển vào CareerViet , bạn có thể nói: “Tôi đã đọc các bài viết tư vấn nghề nghiệp trong suốt nhiều năm. Tôi yêu sứ mệnh của công ty trong việc giúp người tìm việc xây dựng được sự nghiệp đúng với đam mê. Tôi đã dành 10 năm qua để thực hiện nhiều vai trò khác nhau mà tôi không thực sự mơ ước cho đến khi tìm thấy chỗ đứng của mình trong vai trò phát triển kinh doanh. Tôi nghĩ rằng đây có thể là kinh nghiệm tuyệt vời để chia sẻ và giúp nhiều người khác tránh đi vào vết xe đổ của tôi đồng thời tìm thấy nghề nghiệp mơ ước.”
4. Vì sao bạn nghỉ công ty trước?/ Bạn đã nghỉ công việc hiện tại chưa?
Thoạt nghe có vẻ như nhà tuyển dụng muốn đào bới quá khứ, thực tế có một mục đích sâu xa hơn trong câu hỏi này: Vì sao bạn lại bỏ công việc trước đó, và cách mà bạn nói về nó sẽ tiết lộ nhiều điều về đạo đức và thái độ làm việc của bạn.
Thậm chí nếu từng bị thôi việc vì lý do gì, bạn cũng không nên ngăn mình thành thật trong câu trả lời nhé! Bị chấm dứt hợp đồng hoặc sa thải là chuyện không vui, đôi khi đáng xấu hổ, nhưng không phải lúc nào cũng hoàn toàn là lỗi của bạn. Hãy vượt qua nó thật chuyên nghiệp và gây ấn tượng tốt nhất với phỏng vấn viên.
Trả lời thế nào?
Không cần phải đi sâu vào phơi bày những chi tiết nhỏ nhặt, bất lợi nếu bạn từng bị cho thôi việc. Nhà tuyển dụng cũng không muốn “chà xát” tâm hồn bạn bằng những chi tiết không dễ chịu, họ muốn biết bạn học được gì sau trải nghiệm đó. Hãy nói một cách đơn giản, “Tôi đã ra đi vì lý do […], và giải thích thêm là chuyện này đã khiến bạn trở thành nhân viên tốt hơn, mạnh mẽ hơn như thế nào.”
Nếu bạn ra đi bởi lý do khác, bất kể là vì thiếu không gian phát triển, không thích sếp hoặc muốn học thêm kỹ năng mới, tuyệt đối tránh nói xấu công ty, sếp và đồng nghiệp cũ (ngay cả khi bạn rất muốn bày tỏ nỗi ấm ức). Thay vào đó, tập trung vào những gì bạn mong mình có thể hoàn thành trong vai trò mới.
Ví dụ, bạn có thể nói, “Tính đến nay tôi đã tham gia lĩnh vực quản lý dự án được vài năm, dù rất yêu công việc mình đang làm, nhưng hiện tại tôi thích được áp dụng những kỹ năng đã có vào lĩnh vực công nghệ. Tin rằng công việc này là cơ hội hoàn hảo để tôi có thể làm điều đó.”
Nguồn hình: Freepik