Xử trí 13 câu phỏng vấn khó nhằn qua điện thoại (Phần 2)

Lượt xem: 17,799

Nối tiếp phần 1 của bài viết “Xử trí 13 câu phỏng vấn khó nhằn qua điện thoại”, mời bạn cùng CareerViet.vn tham khảo thêm bí quyết để đối mặt với những tình huống thường gặp khi thảo luận cùng nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn.

6. Bạn tìm kiếm điều gì ở công việc sắp tới?

Nội dung trả lời câu hỏi này thể hiện kỳ vọng của ứng viên khi tiếp cận công việc mới. Phỏng vấn viên cần biết nếu bạn đến với công ty làm việc, bạn muốn làm gì cho họ. Câu trả lời lý tưởng luôn có các mục tiêu và vai trò thống nhất.

Câu trả lời cũng sẽ tiết lộ cho phỏng vấn viên nhiều chi tiết về khả năng bạn có thể làm việc lâu dài không. Ví dụ, bạn đang tìm kiếm một vị trí có thể giúp bạn phát triển và thăng tiến trong vài năm tới, trong khi công việc đang đề cập lại không có nhiều không gian để di chuyển. Làm rõ chi tiết này sẽ giúp cả bạn và người quản lý tuyển dụng tránh được một lựa chọn sai, khiến người và việc không khớp nhau trong tương lai.

Trả lời thế nào?

Nếu bạn đã có công việc và lại đang tìm kiếm một việc khác, vì cảm giác chưa trọn vẹn hay thiếu hụt điều gì đó trong vị trí hiện tại. Smith cho rằng rất ổn khi bạn thành thật chia sẻ cảm giác này. Luôn có cách để bày tỏ những trăn trở về công việc lẫn sự nghiệp mà không cần phải nói xấu sếp hay công ty hiện tại.

Smith gợi ý cách tiếp cận như sau: “Tôi đang ở vào thời điểm cần phải thực sự tìm kiếm thêm nhiều điều ý nghĩa hơn cho sự nghiệp của mình”. Hoặc bạn có thể nói, “Tôi thực sự tin rằng mình đã mài giũa tốt kỹ năng X, đã đến lúc để tôi dồn nhiệt huyết học hỏi kỹ năng Y”.

7. Vì sao bạn quan tâm đến vị trí này/ Điều gì ở công ty thu hút bạn?

Tương tự như một số câu hỏi trước, phỏng vấn viên hỏi điều này vì muốn biết bạn có thực sự quan tâm đến chuyện công ty là ai, đang làm gì hay không. Điều họ không muốn nghe nhất chính là “Tôi cần một công việc, và vị trí này có vẻ rất tuyệt!”

Trả lời thế nào?

Bên cạnh tiền lương và các quyền lợi, phải có điều gì đó thực sự thu hút bạn đến với vai trò này hoặc muốn gắn bó cùng công ty – hãy tập trung vào đó!

Hãy nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty trước khi tham gia bất kỳ buổi phỏng vấn nào. Dành chút thời gian để nhớ các chi tiết bạn biết thông qua tin tuyển dụng, mô tả công việc, website và thông cáo báo chí của công ty, tin tức báo chí… nhằm rút ra điểm nổi bật. Thay vì diễn tả chung chung, hãy tìm cho được những điều cụ thể mà bạn có thể cá nhân hoá và giúp nhà tuyển dụng hiểu bạn hơn. Sau đó, kết nối nó với kinh nghiệm, quỹ đạo và mục tiêu nghề nghiệp của bạn.

8. Bạn mong muốn thu nhập thế nào?

Mặc dù có vẻ hơi sớm, không ít trường hợp phỏng vấn viên sẽ hỏi về yêu cầu lương bổng trong các cuộc phỏng vấn điện thoại để nhanh chóng loại bớt ứng viên nào có nhu cầu cao hơn ngân sách của họ.

Thông thường các nhà tuyển dụng được giao định mức lương nhất định cho một vị trí. Cho nên thay vì đưa ứng viên vào sâu trong quy trình tuyển dụng rồi bị bế tắc tại giai đoạn đàm phán lương, họ muốn đảm bảo rằng ứng viên sẽ cảm thấy thoải mái trong giới hạn thu nhập đã biết trước.

Trả lời thế nào?

Đây không phải là câu hỏi mẹo hay “tung hoả mù” nhằm loại bạn ra khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thực hiện một số nghiên cứu nhằm chắc là mình có con số hoặc phạm vi chính xác, phù hợp với vai trò dự tuyển, đồng thời chuẩn bị đủ căn cứ nhằm chứng minh giá trị bản thân.

Đàm phán lương phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn đang ở chặng nào của quy trình. Nếu đây chỉ mới là trao đổi ngắn qua điện thoại, bạn may mắn có nhiều cơ hội để đưa ra  câu trả lời khá mơ hồ chẳng hạn như: “Ngay bây giờ, tôi thực sự muốn tập trung xác định công việc phù hợp trước, và sau đó tôi rất sẵn sàng cởi mở để thoả thuận lương bổng”. Nếu phỏng vấn viên vẫn nhất quyết đòi hỏi câu trả lời cụ thể hơn, bạn có thể đưa ra phạm vi thu nhập mà bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng từ các cổng thông tin lương thưởng uy tín từ trước đó.

Hãy nhớ kỹ, đừng bao giờ khởi xướng nếu phỏng vấn viên không chủ động đề cập trước về lương, điều này giúp bạn giữ vị thế tốt hơn để giành được mức lương mong muốn sau này.

9. Bạn làm việc tốt nhất với mẫu quản lý nào?

Câu hỏi này hướng đến sự phù hợp. Mối quan hệ giữa quản lý và nhân viên rất quan trọng để tạo nên thành công, thế nên phỏng vấn viên muốn chắc chắn rằng bạn sẽ hoà thuận và phối hợp tốt với sếp tương lai. Tất cả chúng ta đều muốn được làm việc với người quản lý “đồng quan điểm – hợp tính nết”.

Như Smith giải thích, “Nếu tôi thấy một quản lý có xu hướng mạnh tay hơn với ai đó nói rằng họ không thích người quản lý vi mô (micromanager) hoặc họ thích sếp lùi lại phía sau và tin tưởng những việc nhân viên làm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng các hoạt động sẽ không diễn ra êm xuôi tốt đẹp.”

Cô nói thêm rằng câu trả lời không nhất thiết phải cố xoay chuyển quyết định của phỏng vấn viên, thay vào đó, “nó chỉ là dữ liệu tham khảo mà ứng viên có thể chia sẻ với bất cứ ai có quyền đưa ra quyết định cuối cùng”.

 

Trả lời thế nào?

Smith nói: “Đừng cố gắng trả lời câu hỏi theo cách mà bạn nghĩ rằng phỏng vấn viên muốn nghe. Nên thành thật!” Nếu muốn có câu trả lời hay, hãy đưa ra ví dụ về người quản lý giỏi bạn đã làm việc chung hoặc các phong cách quản lý mà bạn từng gặp hay rất thích. Tránh đề cập đến bất kỳ chuyện tiêu cực nào về sếp cũ.

10. Lý do nào khiến bạn tin mình phù hợp nhất với công việc này?

Rất nhiều người có vẻ đạt tiêu chuẩn cho công việc khi xét trên giấy tờ. Phỏng vấn viên muốn thu hẹp các lựa chọn và tìm ra những người nổi bật nhất, câu hỏi này sẽ giúp họ đạt mục đích.

Trả lời thế nào?

Điểm tuyệt vời của câu hỏi này là nó cho bạn cơ hội chứng minh những gì bạn sở hữu bên ngoài đồng nhất với hồ sơ ứng tuyển. Vì thế, hãy nắm chắc cơ hội!

Tìm xem điều gì mà các đối thủ không thể mang đến cho công ty ngoại trừ bạn. Đó có thể là một kinh nghiệm trong quá khứ, niềm đam mê hay kỹ năng nhất định rất phù hợp với văn hoá công ty, hay chỉ đơn thuần là sự gan góc hoặc quyết tâm giải quyết khó khăn. Bạn cũng có thể áp dụng giải pháp này cho câu hỏi “Vì sao công ty nên tuyển bạn?”

11. Bạn có sẵn lòng đi xa hay chuyển chỗ ở không? 

Đây là câu hỏi hiển nhiên của nhà tuyển dụng nhằm nhanh chóng loại ngay bất cứ ứng viên nào không phù hợp yêu cầu về chỗ ở và địa điểm làm việc. Điều này không có nghĩa là họ sẽ không cân nhắc khả năng trả tiền để bạn tái định cư hoặc cho phép bạn làm việc từ xa khi thực sự thích bạn. Nhưng chắc chắn, để khả năng ấy biến thành hiện thực bạn phải nổi trội nhất trong cuộc chiến cuối cùng của những ứng viên tiềm năng.

Trả lời thế nào?

Đơn giản: Nếu bạn không sống ở khu vực đó, nói cho họ biết bạn có thể chuyển chỗ ở để đáp ứng công việc đó không. Nếu việc di chuyển phức tạp hơn, hãy ngắn gọn giải thích tình huống và tập trung vào việc nhấn mạnh mức độ bạn quan tâm và muốn có công việc. Ví dụ như: Các con tôi vừa mới bắt đầu đi học, nên tôi không thể chuyển đi xa cho đến hết năm nay. Tôi thực sự hào hứng với vai trò này và sẵn sàng làm việc từ xa nếu anh xét thấy phương án này khả thi.”

12. Khi nào bạn có thể bắt đầu làm việc?

Đôi khi nhà tuyển dụng phải điền vào vị trí trống ngay lập tức. Trong trường hợp đó, họ sẽ chỉ xem xét tiếp nếu bạn có thể vào làm ngay. Trường hợp không quá gấp, họ vẫn hỏi câu này để thực hiện các công tác nội bộ như chuẩn bị chỗ ngồi, sắp xếp nhân sự đảm đương công việc trong khi chờ người mới.

Trả lời thế nào?

Nếu không làm ở đâu, rõ ràng bạn có thể nói “Tôi có thể bắt đầu bất cứ khi nào công ty cần”. Nhưng nếu bạn cần thông báo cho công ty hiện tại, lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ hoặc bị mắc phải vài hạn chế thời gian khác, bạn có thể trả lời đại ý: “Tôi có thể bắt đầu sau [xxx] ngày (hoặc tuần) tính từ sau khi nhận được đề nghị làm việc chính thức của công ty” hoặc “Tôi sẽ sẵn sàng làm việc sau [xxx] ngày”.

13. Bạn có câu hỏi nào không?

Với câu hỏi này, phỏng vấn viên thực sự muốn cho bạn cơ hội giải quyết các thắc mắc và mối quan tâm. Sau tất cả, bạn sẽ phỏng vấn họ nhiều như họ phỏng vấn bạn.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những câu hỏi bạn đặt ra cũng phải giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị và chuyên môn của bạn. Chúng nên được cân nhắc thận trọng và điều chỉnh phù hợp với vai trò ứng tuyển, với công ty lẫn người mà mà bạn đang trò chuyện.

Trả lời thế nào?

Hãy chuẩn bị trước ít nhất 2 đến 3 câu hỏi về công ty hoặc vai trò, về sự năng động của nhóm, về quản lý tương lai hoặc văn hoá công ty. Thậm chí kỹ hơn nữa, hãy ghi lại bất kỳ câu hỏi nào xuất hiện trong đầu khi bạn trò chuyện với họ - hành động này cho nhà tuyển dụng thấy bạn đang rất quan tâm và điều chỉnh câu phản hồi theo đó.

Smith nói thêm: “Trước khi kết thúc cuộc điện thoại, tốt nhất là hãy khám phá thêm các bước tiếp theo trong quy trình phỏng vấn nếu nhà tuyển dụng không chủ động nói trước”. Chỉ đơn giản là hỏi, “Bước tiếp theo trong quy trình này là gì?” hoặc “Khi nào thì tôi có thể lại nhận được tin từ bạn nhỉ?”

>> Xem lại PHẦN 1

Nguồn hình: Freepik

Bài viết khác

Cùng CareerViet tìm hiểu freelancer là gì, những lợi ích, thách thức của nghề này, và cách bắt đầu làm freelancer tại Việt Nam để tăng thu nhập hiệu quả.

Xem thêm

Interview là gì? Tìm hiểu cách chuẩn bị và trả lời phỏng vấn hiệu quả với các kỹ năng, lời khuyên và những bí quyết giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Xem thêm

Giới thiệu bản thân thường là câu hỏi đầu tiên trong buổi phỏng vấn và cũng là yếu tố then chốt chinh phục nhà tuyển dụng. Xem ngay cách giới thiệu sao cho ấn tượng nhé!

Xem thêm

Phỏng vấn là bước quan trọng quyết định thành công trong hành trình tìm kiếm việc làm. Để ghi điểm với nhà tuyển dụng và tự tin chinh phục vị trí ứng tuyển, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và kỹ năng mềm. Trong bài viết này, CareerViet sẽ chia sẻ bí quyết hiệu quả giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng nhé!

Xem thêm

Project Manager là vị trí đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và kiểm soát dự án cho đến khi dự án kết thúc

Xem thêm

Thực tập sinh chính là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, khám phá con đường sự nghiệp, tạo cho mình một lợi thế trên thị trường, tạo môi trường năng động

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay