10 lỗi cơ bản mà 90% ứng viên thường mắc phải, bạn đã biết?
Lượt xem: 15,505Dưới áp lực cạnh tranh cao của thị trường lao động, rất nhiều ứng viên thường mắc phải một số sai lầm có thể gọi là khá “kinh điển”. Nếu không muốn cứ phải nuối tiếc khi nhìn lại những điều lẽ ra có thể tránh trong quá trình tìm việc, hãy tìm hiểu về 10 sai lầm ứng viên tìm việc thường mắc phải và học cách hoá giải nó ngay với CareerViet.vn.
1. Không xây dựng thương hiệu cá nhân
Sơ yếu lý lịch (CV hoặc resume) và trang hồ sơ trực tuyến cá nhân của bạn không nên là bản liệt kê chán ngắt về các công việc từng làm từ xưa đến nay. Thương hiệu cá nhân của bạn chính là lời tuyên bố rằng tôi là ai, đã từng ở đâu và đang hướng đến đâu. Hãy quyết định rõ ràng định hướng loại công việc bạn muốn tập trung trong số những công việc đã có kinh nghiệm và xây dựng thương hiệu cá nhân riêng cho vai trò đó.
Bạn nên nhấn mạnh vào phần tiêu đề và tóm tắt để người xem biết loại công việc bạn đang làm hoặc dự định làm. Đừng quá máy móc, hãy dùng từ ngữ hàm chứa cảm xúc hoặc nhiệt huyết khi trình bày hồ sơ và truyền tải thông tin bằng “tiếng nói” cá nhân để bộc lộ cho người xem nhiều hơn về cá tính và phong cách của bạn, dù đó chỉ là một trang lý lịch điện tử.
2. Khởi động tìm việc khi không biết giá trị bản thân
Cần xác định thật rõ ràng những kỹ năng mà bạn thành thạo và tầm quan trọng của nó trong lĩnh vực nghề nghiệp theo đuổi. Tham khảo thông tin từ người thân và bạn bè, đồng thời truy cập cổng thông tin lương thưởng để biết mức lương chi trả cho ứng viên có kinh nghiệm như bạn là bao nhiêu.
Hầu hết người tìm việc thiết lập “tầm bắn” khá thấp. Bạn không nhận ra thực tế có bao nhiêu công việc mình đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Trong khi mỗi hành trình tìm việc luôn bao gồm các nỗ lực đổi mới và phát triển, hãy tận dụng những lần tìm việc này để đầu tư thêm cho mình những khoá huấn luyện kỹ năng hay cơ hội trau dồi kiến thức mới.
3. Chỉ dựa vào ứng dụng nộp đơn trực tuyến
Hầu hết chúng ta đều đã biết cách ứng tuyển trực tuyến. Và nhiều người cũng không xa lạ với cảm giác mỏi mòn chờ đợi nhà tuyển dụng phản hồi, sau đó chán nản đi đến kết luận “chắc hệ thống đã hỏng”. Bạn nên thay đổi ngay hôm nay, đừng chỉ trông đợi vào mỗi hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, còn nhiều cách làm khác. Ví dụ như kết nối trực tiếp với các cổng nghề nghiệp của nhà tuyển dụng, tham gia mạng lưới nhân tài của họ với một hồ sơ trau chuốt, phù hợp để được những chuyên viên tuyển dụng của công ty “để mắt” đến và có cơ hội được chủ động mời phỏng vấn.
Một ý tưởng hay khác là biến công việc của bạn thành dạng hợp tác tư vấn. Tất cả những gì cần có để bắt đầu chính là một hộp danh thiếp, trình bày thật chuyên nghiệp về việc bạn là ai, có chuyên môn gì. Lúc này bạn sẽ ở vị thế của đối tác hoặc chuyên gia tư vấn bán thời gian, không còn là người tìm việc khổ sở nữa. Điều quan trọng nhất, xác định đúng đâu là “nỗi đau” của doanh nghiệp mà bạn có thể “chữa trị”. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, dù lớn hay nhỏ, bạn sẽ tạo ra được nền tảng vững chắc cũng như cơ hội tiến xa hơn trong công việc.
4. Bỏ quên những mối quan hệ xã hội
Trong quá trình tìm việc, hãy tích cực ra ngoài và liên lạc với những người mà bạn quen biết. Uống cà phê, ăn sáng/ trưa/ tối với bạn bè mới lẫn các mối quan hệ lâu năm, hoặc bạn cũng có thể trò chuyện trong lúc đi dạo công viên hay chạy bộ trong phòng tập.
Hầu hết những người tìm việc thường tự cô lập vì lợi ích của chính bản thân. Họ chỉ tập trung ngồi gõ máy tính, nhưng nên nhớ quá trình tìm việc đòi hỏi nhiều sự tiếp xúc giữa mọi người.
5. Quên chỉnh sửa CV cho phù hợp
Không ai bắt buộc bạn phải chỉnh sửa sơ yếu lý lịch mỗi lần gửi đi, nhưng tuỳ chỉnh CV là cách tuyệt vời để tối ưu hiệu quả và thể hiện mức độ phù hợp giữa nền tảng của bạn với từng công việc cụ thể mà bạn quan tâm.
Hai nội dung trong CV có thể tuỳ biến nhiều nhất chính là mục tóm tắt ở đầu trang và đoạn mô tả về hai hoặc ba công ty gần nhất. Hãy làm nổi bật các dự án và trách nhiệm quan trọng phù hợp với yêu cầu của vị trí bạn ứng tuyển.
6. Không tìm hiểu về nhà tuyển dụng trước khi dự phỏng vấn
Bạn không thể bước vào một buổi phỏng vấn khi chưa biết gì về tổ chức đó hơn vài thông tin liệt kê trong mẩu quảng cáo tuyển dụng. Hãy đọc qua website công ty, nghiên cứu thật kỹ trang “Nghề nghiệp” và tìm hiểu cặn kẽ mọi thứ về họ. Doanh nghiệp này làm gì, tầm nhìn ra sao và theo đuổi giá trị nào? Họ bán gì cho khách hàng?
Đọc thông cáo báo chí, tiểu sử ban lãnh đạo và tin tức về công ty để hiểu thêm nhiều điều. Suy nghĩ cặn kẽ về các mục tiêu và thách thức dành cho người quản lý tuyển dụng. Và đâu là điều mà bạn sẽ trăn trở nếu trở thành người quản lý bộ phận mà bạn muốn ứng tuyển?
7. Mất quá nhiều thời gian cho quy trình tuyển dụng không đi đến đâu
Sẽ có những dấu hiệu mách bảo rằng quá trình tìm việc tại công ty nào đó sẽ không mang lại kết quả tích cực. Ngay khi xác định được điều đó, hãy ngay lập tức “bước ra” và đừng nhìn lại. Thời gian quý giá và công sức của bạn nên được đầu tư cho một cơ hội khác có ý nghĩa hơn.
8. Để nhà tuyển dụng dẫn dắt mục tiêu tìm việc
Không nên dừng lại việc cập nhật tin tuyển dụng mới và dõi theo các nhà tuyển dụng tiềm năng khác cho tới khi thực sự có được công việc mong muốn. Trước khi đạt mục tiêu, bạn đừng vội nghỉ ngơi hay tin rằng “một trong những cơ hội này sẽ thành hiện thực”. Hãy liên tục tiếp cận cơ hội mới bất cứ khi nào có dịp. Bằng cách này, bạn sẽ không bao giờ bị động hay phải phụ thuộc quá nhiều vào nhà tuyển dụng nào, ngay cả khi họ đã hứa hẹn phản hồi hoặc sắp đưa ra đề nghị.
9. Chấp nhận ngay lời đề nghị đầu tiên
Đôi khi lời mời làm việc mà bạn nhận được đầu tiên là đề nghị tuyệt vời, nhưng thực tế thường không phải vậy – bởi một công việc tìm được quá dễ dàng thì càng ẩn chứa nhiều nguy cơ là một công việc “không có tương lai”. Thật khó để nói từ chối một công việc khi bạn đang không có thu nhập, nhưng tệ hơn cả là bạn nhận lời rồi sau đó ghét cay ghét đáng nó đến nỗi giận dữ với cả bản thân vì “tại sao tôi lại ở đây”.
10. Quên rằng không phải nhà tuyển dụng nào cũng xứng đáng với bạn
Bạn có thể là ứng viên tuyệt vời cho nhiều vị trí khác nhau, nhưng không phải nhà tuyển dụng nào cũng “xứng” với bạn. Nếu bạn không đứng lên vì giá trị và quyền lợi của mình, không ai thay bạn làm điều đó. Bạn vẫn là người thông minh và có năng lực bất kể bạn có đang làm việc hay không.
Công việc phù hợp nhất vẫn đang chờ đợi, và bạn sẽ nhận thức được điều này khi tìm ra nó – không hề có chút cảm giác bất an hay lo lắng nào khi đặt bút ký tên chấp nhận thư mời làm việc. Hãy nhẫn nại chờ đến khi gặp được công việc phù hợp nếu bạn có thể nhé!
Nguồn hình: Freepik