5 bước để tỏ ra là "ứng viên đam mê"
Lượt xem: 10,403Rõ ràng các nhà tuyển dụng sẽ cần những nhân tố mới nhiệt huyết trong tập thể. Vì thế, đôi khi bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm vẫn chưa đủ nếu thiếu đam mê. Hãy cho họ thấy mong muốn cống hiến của bạn.
Sẽ rất tuyệt nếu các thành tích của bạn xuất phát từ đam mê
Bạn đã bao giờ hết sức tự tin vào kinh nghiệm, kỹ năng, mà cuối cùng vẫn bị loại sau khi phỏng vấn chưa? Có lẽ là bởi bạn thể hiện quá ít nhiệt huyết trong khi nói về quá trình làm việc. CareerViet có cách để bạn truyền đạt được sự hào hứng đối với công việc, nhất là cho các ứng viên hướng nội:
Bắt đầu với câu hỏi về động lực
Thường thì nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn đã làm được gì. Nhưng thay vì chỉ suông nói về những thành tích, hãy bắt đầu câu trả lời bằng động cơ làm việc. Ví dụ: “Tôi tập trung làm các ứng dụng về sức khỏe vì tin rằng công nghệ mang đến sự công bằng cho tất cả mọi người về quyền tiếp cận thông tin có lợi. Đó là động lực để ứng dụng của tôi phát triển hiệu quả và được … ngàn người sử dụng”.
Đề cập đến những đóng góp vượt yêu cầu
Nếu có thể, hãy đưa ra những dẫn chứng cho thấy bạn không phải kiểu người “làm việc cho xong”. Ví dụ: là người quản lý dịch vụ lưu trú, bạn không chỉ tiếp xúc với khách khi họ nhận phòng và trả phòng, bạn còn làm bản khảo sát để biết đánh giá của khách để rút kinh nghiệm. Đôi khi, bạn nhắn tin hỏi thăm xem khách có gặp khó khăn gì trong quá trình sử dụng dịch vụ…
Chia sẻ về sở thích
Khi bạn đam mê việc gì đó, nó cũng có thể làm phong phú thêm cho các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Ví dụ: bạn yêu thích việc viết lách, và không chỉ viết theo yêu cầu công việc, bạn còn sáng tác những kịch bản truyện tranh. Và nhờ vậy, bạn xây dựng được một cộng đồng người hâm mộ trên mạng xã hội và có thêm kinh nghiệm quản lý các fanpage. Những dự án cá nhân cho thấy khả năng phát triển bản thân một cách sâu sắc và đa dạng của bạn.
Sở thích cá nhân báo hiệu một con người sáng tạo
Nói về công việc tình nguyện
Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ về một niềm tin, nguyện vọng nào đó khiến bạn tình nguyện cống hiến, kể cả khi nó không liên quan đến công việc. Ví dụ: bạn đã làm tình nguyện viên cho tổ chức cứu hộ chó mèo, với nhiệm vụ phỏng vấn rất nhiều người, tốn rất nhiều thời gian. Nhưng nhờ vậy, bạn đã giúp nhiều vật nuôi bị bỏ rơi tìm được chủ cưu mang, đồng thời có thêm kinh nghiệm giao tiếp cũng như đánh giá con người.
Nói chung, hãy giúp các nhà tuyển dụng có được bức chân dung về con người bạn - với sự kết hợp giữa nguyện vọng và hành động thực tế. Những câu chuyện, chi tiết như trên cung cấp cho nhà tuyển dụng “thông tin ẩn” đó: một con người nhiệt huyết, có động cơ tích cực trong cuộc sống, có khả năng quan tâm và cam kết với cộng đồng xung quanh. Đó chính là kiểu thành viên mà ai cũng muốn có trong tập thể. Tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về khả năng phân bổ thời gian cho công việc và những niềm đam mê bên ngoài (nếu có), nhưng nếu kết quả công việc trước đây là tốt, càng chứng tỏ bạn là người có năng lực.
Ảnh: Pexels