Bạn cần chuẩn bị gì khi đi phỏng vấn.
Lượt xem: 29,463Việc bộc lộ trung thực những đặc tính cá nhân trong quá trình phỏng vấn sẽ có lợi cho ứng viên xin việc vì nó giúp họ tìm được công việc phù hợp với tính cách của mình.
Việc phát triển được một tập thể làm việc có hiệu quả và năng suất cao phụ thuộc rất nhiều vào những đặc tính cá nhân mà nhà tuyển dụng cảm thấy sẽ bổ sung tốt nhất cho đội ngũ nhân viên của mình. Và việc tìm ra được một sự pha trộn lý tưởng những tính cách này sẽ bắt đầu với quá trình phỏng vấn ứng viên xin việc. Các ứng viên này cần chuẩn bị đối phó bằng những câu trả lời có thể giúp nhà tuyển dụng khám phá nhiều điều về tính cách cũng như kinh nghiệm quá khứ của họ. Sau đây là một số điểm cần lưu ý khi ứng viên đã vượt qua được quá trình xem xét hồ sơ và sắp sửa được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp.
Phỏng vấn về ứng xử
Theo tạp chí Wall Street Journal, phỏng vấn về ứng xử (behavioral interviewing) là một kỹ thuật đánh giá tập trung vào những gì ứng viên xin việc đã làm trong quá khứ, chứ không phải những gì họ có thể làm trong tương lai. Kỹ thuật này đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn phổ biến tại các văn phòng tuyển dụng trên khắp nước Mỹ. Trong khi một số doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu áp dụng kỹ thuật phỏng vấn này thì nhiều công ty lớn như AT&T và Accenture đã sử dụng nó từ hơn mười năm qua. Do đó, những ứng viên xin việc ngày nay cần phải chuẩn bị kỹ càng để có thể vượt qua được các câu hỏi hóc búa trong quá trình phỏng vấn.
Các kỹ năng đáp ứng phỏng vấn tốt cùng với khả năng trả lời các câu hỏi theo tình huống sẽ giúp ứng viên có đủ tiêu chuẩn tham dự vòng phỏng vấn ứng xử tiếp theo. Khi đối diện với nhà tuyển dụng, ứng viên đừng nên tìm cách phỏng đoán những gì họ muốn nghe. Đây là kiểu phỏng vấn xưa rồi. Trong thời đại ngày nay, một ứng viên bộc lộ chân thực con người mình sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được đầy đủ tính cách của họ và quyết định xem họ có thích ứng tốt với môi trường làm việc mới không.
Trước khi tham dự cuộc phỏng vấn, dĩ nhiên ứng viên cần nghiên cứu về công ty họ sắp xin việc, nhưng điều quan trọng hơn là họ nên xem xét kỹ bảng mô tả công việc đang rao tuyển để suy đoán xem những loại câu hỏi về ứng xử nào sẽ được nhà tuyển dụng chú trọng. Họ cần chuẩn bị các câu trả lời mô tả được các tình huống trong quá khứ, các hành động ứng xử trong các tình huống đó và các kết quả tích cực. Rất nhiều khi các câu hỏi được đặt theo dạng mở có thể khiến ứng viên trả lời lan man. Do đó, họ cần đưa ra những câu trả lời súc tích, đi đúng vào vấn đề, và đưa ra được những giải pháp và kết quả.
Để tìm hiểu sâu hơn về tính cách của ứng viên xin việc, nhà tuyển dụng có thể tạo ra các tình huống giả định tại nơi làm việc để đánh giá khả năng ứng phó của ứng viên. Do đó, ứng viên cần chuẩn bị để có thể trả lời các câu hỏi về ứng xử, ví dụ như họ làm thế nào để giải quyết xung đột với một nhân viên khác hoặc đối phó với một tình huống rủi ro.
Ngoài ra, ứng viên cũng cần chuẩn bị để có thể thảo luận về cách thức họ đã vượt qua thử thách ở những công việc khác, quy trình suy nghĩ của họ như thế nào và những hành động này có ảnh hưởng tích cực ra sao đối với tập thể làm việc chung với họ. Sẽ không có câu trả lời chính xác, vì vậy ứng viên cần trả lời một cách trung thực. Những câu trả lời dứt khoát sẽ là một thước đo tốt về tính cách của ứng viên và có thể giúp họ lọt được vào vòng phỏng vấn cuối cùng.
Trắc nghiệm tính cách
Việc phải tham gia trắc nghiệm về tính cách trong quá trình xin việc có thể khiến nhiều ứng viên cảm thấy ngán ngại, nhưng việc này thực sự lại có ích cho họ. Nếu họ không thích hợp với đặc điểm văn hóa nơi họ định xin việc thì thà họ bị nhà tuyển dụng từ chối còn hơn là được nhận vào làm để rồi cuối cùng phải thất vọng.
Ngoài việc phỏng vấn trực tiếp, ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng sử dụng các trắc nghiệm về tính cách để có thể hiểu rõ những ứng viên họ định tuyển dụng. Khi sử dụng các trắc nghiệm này, họ không chỉ tìm cách xác định xem ứng viên là người hướng nội hay hướng ngoại mà còn cố gắng khám phá những giá trị và niềm tin cá nhân của ứng viên.
Vì vậy, khi bước vào các trắc nghiệm loại này, ứng viên nên luôn tỏ ra càng trung thực càng tốt. Họ đừng ngại đưa ra những câu trả lời thẳng thắn. Điều hiển nhiên là không có câu trả lời đúng hoặc sai trong các bảng trắc nghiệm về tính cách. Nói cho cùng thì sự trung thực của ứng viên sẽ có lợi cho cả nhà tuyển dụng lẫn bản thân họ.
Chọn lựa người giới thiệu
Ứng viên xin việc cần nhớ rằng nhà tuyển dụng có thể âm thầm tìm hiểu tính cách của họ thông qua những người giới thiệu. Một số nhà tuyển dụng thường hỏi những người giới thiệu về thành tích làm việc của ứng viên, nhưng phần lớn họ sẽ cố gắng tìm hiểu xem cách ứng viên ứng xử với những người cùng làm việc trong quá khứ ra sao và vượt qua các thử thách trước đây như thế nào.
Những người giới thiệu mà ứng viên lựa chọn nên phản ánh theo đúng cách thức mà ứng viên muốn giới thiệu mình trước nhà tuyển dụng. Chẳng hạn nhà tuyển dụng sẽ từ bỏ ý định thuê mướn một ứng viên ngay lập tức nếu, trong khi phỏng vấn, ứng viên đó nói rằng anh ta đã giải quyết xung đột thành công trong khi người giới thiệu lại nói khác đi.
Nhiều nhà tuyển dụng sẽ so sánh kết quả trắc nghiệm tính cách ứng viên với những thông tin phản hồi của người giới thiệu để xem chúng có nhất quán không. Họ sẽ dễ dàng biết được ứng viên có nói quá sự thật hay không sau khi trao đổi với người giới thiệu. Vì thế, ứng viên cần thận trọng trong việc lựa chọn người giới thiệu, và nhất là cần phải trung thực.
Tập thể năng động
Các chiến thuật tuyển dụng đúng sẽ giúp nhà tuyển dụng xây dựng được một đội ngũ nhân viên với những tính cách khác nhau, có thể bổ sung thế mạnh và phong cách cho nhau, nhờ đó họ có thể học hỏi và động viên lẫn nhau, mang lại lợi ích tốt nhất cho tổ chức. Đó là lý do tại sao nhiều nhà tuyển dụng đã cho các nhân viên của mình tham gia vào việc phỏng vấn ứng viên xin việc. Ý kiến của các nhân viên này có thể có tác động mạnh đến quyết định sau cùng của nhà tuyển dụng.
Dĩ nhiên, quá trình tuyển dụng chỉ mới là bước khởi đầu. Bước tiếp theo, và quan trọng hơn, là việc xây dựng được một tập thể nhân viên thống nhất. Các nhà quản lý dự án và những người ở vị trí quản lý cần tạo ra một môi trường trong đó các thành viên có thể làm việc ăn ý với nhau.
Việc xây dựng tinh thần đồng đội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những lĩnh vực có liên quan tới ngành công nghệ thông tin, trong đó các dự án đòi hỏi phải có tin thần làm việc tập thể cao độ, và những nhân viên có tinh thần sáng tạo và tư duy phân tích tốt là rất cần thiết cho việc giải quyết có hiệu quả một vấn đề. Một sự kết hợp những tính cách khác nhau giữa các nhà quản lý dự án, các nhân viên phát triển và bộ phận phụ trách hậu cần là yếu tố thiết yếu cho việc xây dựng được một tập thể nhất quán.