Các lưu ý về sức khỏe khi đi làm mùa đông
Lượt xem: 9,656Khỏe đẹp từ đầu đến chân, hay ốm từ đầu đến chân? Bạn chọn cái nào? Mùa lạnh thật nhiều rắc rối mà nếu lơ là thì cơ thể sẽ đình công ngay.
Làm việc ngoài trời lạnh tất nhiên sẽ khá bất tiện và vất vả. Nhưng đối với dân công sở dành phần lớn thời gian ngồi bất động trong phòng kín, cũng gặp phải không ít rắc rối về sức khỏe trong mùa đông.
Ngứa, khô da
Đây có lẽ là hiện tượng phổ biến trong mùa đông. Một số người có làn da nhạy cảm và khô còn có thể bị tróc vảy. Nếu trong phòng sử dụng máy điều hòa, thì chế độ sưởi còn có thể làm bốc hơi toàn bộ hơi ẩm trong phòng, bao gồm cả độ ẩm của làn da.
Không chỉ vậy, trời lạnh cũng làm giảm mồ hôi. Mồ hôi ra nhiều có thể khiến bạn khó chịu, nhưng nếu tuyến mồ hôi hoàn toàn bị ức chế thì da bạn không thể đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Điều này dẫn đến da bị xỉn màu, mất nước.
Đừng quên uống nước nhé!
Cách bảo vệ làn da:
- Uống nước liên tục để cấp nước cho cơ thể nói chung và làn da nói riêng
- Bật máy phun sương
- Dưỡng ẩm cho da bằng các loại kem, mặt nạ
- Trồng cây, đặt một bể cá nhỏ trong phòng để điều hoà không khí
- Không ở trong phòng kín cả ngày, da bạn cần được tiếp xúc với một chút ánh nắng để thêm khoẻ mạnh
Các bệnh hô hấp
Sụt sịt và ho hắng cũng dễ thấy khi đi làm trời lạnh. Không khí lạnh làm khô đường thở, mất đi chất nhầy và độ ẩm tự nhiên trong mũi và họng. Đó là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể bạn trước vi khuẩn, virus gây bệnh cũng như các tác nhân gây dị ứng. Vì vậy, các bệnh hô hấp thường thấy trong mùa đông là: viêm mũi, khó thở, hen suyễn, viêm xoang, chảy máu cam.
Nhiệt độ thấp cộng với môi trường khô trong phòng kín là điều kiện thuận lợi để virus sinh sôi phát triển. Nếu có đồng nghiệp ngồi trong phòng mắc bệnh, ho hay hắt hơi, virus có thể lây lan mạnh do bầu không khí không được lưu thông với bên ngoài.
Cách để tăng sức đề kháng cho hệ hô hấp khi ngồi điều hoà:
- Nhỏ mũi (theo chỉ định của bác sĩ) và uống nước thường xuyên để duy trì độ ẩm
- Bật máy phun sương, máy lọc không khí có chế độ tạo ẩm cho căn phòng
- Thỉnh thoảng mở cửa hoặc đi ra ngoài giải lao giữa giờ để thay đổi không khí
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe hệ hô hấp
Nhớ ra ngoài thay đổi không khí
Mắt khô và mỏi
Giống như làn da, mắt của bạn cũng bị giảm độ ẩm trong mùa đông. Thậm chí mắt còn dễ bị khô và tổn thương nếu bạn nhìn lâu vào màn hình máy tính và quên chớp mắt.
Một số triệu chứng của khô mắt:
- Ngứa, cảm giác cộm trong mắt
- Mắt đỏ, cay, hay chảy nước mắt
- Dễ bị chói mắt, mờ tầm nhìn khi bước ra ngoài ánh sáng
Để bảo vệ mắt trong thời tiết này, bạn nhớ:
- Uống đủ nước
- Nhớ chớp mắt khi nhìn màn hình laptop, điện thoại. Nếu bạn không thể để ý được mình có chớp mắt hay không, sau mỗi 20 phút làm việc liên tục, hãy dành vài giây nhắm mắt rồi chớp mắt 10 lần để mắt được duy trì độ ẩm và được thư giãn
- Nhỏ nước mắt nhân tạo để bổ sung độ ẩm sau mỗi 6 tiếng ngồi máy tính liên tục
- Bổ sung vitamin A cho mắt từ dầu cá, dầu gấc, thực phẩm chức năng hoặc từ trái cây, rau củ có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, khoai lang, cà rốt...
Đau xương khớp
Nhiệt độ giảm làm thay đổi áp suất khí quyển, có thể gây ra hiện tượng “trái gió trở trời”. Người bị viêm khớp sẵn sẽ thấy khớp cứng và đau hơn.
Giãn cơ sau khi ngồi lâu nào
Bên cạnh đó, ngồi lâu trong văn phòng đồng nghĩa với bạn ít vận động, thay đổi tư thế. Điều này khiến máu khó lưu thông, mạch máu ở chân tay sẽ co lại và tập trung vào các bộ phận nội tạng để giữ ấm cơ thể. Từ đó bạn càng dễ bị tê tay chân, đau nhức xương khớp.
Biện pháp phòng tránh:
- Đứng lên đi lại vòng quanh văn phòng 1 lần sau mỗi 30 phút để các khớp xương được bôi trơn, máu được lưu thông tốt hơn
- Ăn uống đủ chất
- Mặc ấm, đừng để “thời trang phang thời tiết”
Người Thụy Điển có câu: “Không có thời tiết xấu, chỉ có trang phục không phù hợp mà thôi”. Và với người đi làm, cũng bổ sung thêm các thói quen phù hợp để giữ một cơ thể khỏe đẹp cho mùa đông nhé.