Các nguy cơ căng thẳng thời đại dịch - chuẩn bị để đối mặt
Lượt xem: 11,355COVID làm nguy cơ căng thẳng do sinh kế nâng lên một tầm cao mới, chưa từng có tiền lệ. Đại dịch và sự càn quét của nó đã kéo theo các biện pháp an toàn cần thiết, như lệnh phong tỏa, các chỉ đạo bắt buộc làm việc tại nhà. Tài chính bị ảnh hưởng, tất nhiên chúng ta sẽ bất an. Quan trọng là chúng ta nhận thức rõ các nguy cơ biến động trong nội tâm, và chuẩn bị sẵn sàng cho nó.
COVID-19 tăng nguy cơ căng thẳng
Khi COVID-19 lan rộng khắp thế giới, các điểm dịch xuất hiện ngày càng nhiều, lẽ thông thường, con người có phản ứng “đánh hay chạy”. Chúng ta có nên ra đường và tiếp tục đi làm bình thường không? Chúng ta có nên đi chợ mua nhu yếu phẩm và thực phẩm hàng ngày? Hay chúng ta nên trốn trong nhà? Một bên là nhu cầu thiết yếu, một bên là mong muốn an toàn - cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra mỗi ngày làm tăng sự mệt mỏi, ảnh hưởng đến sự tập trung, khả năng lập kế hoạch và ra quyết định. Đồng thời, mỗi người vẫn phải ghi nhớ, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa do cả chính quyền và văn phòng đưa ra trong đại dịch, làm gián đoạn guồng quay cuộc sống. Và mỗi khía cạnh, lại mang đến những nguy cơ căng thẳng mới.
1. Quá tải vì WFH
Dựa trên cuộc khảo sát của tổ chức Workable, gần 60% người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ đã chia team thay nhau WFH, thậm chí WFH toàn bộ khi đại dịch bắt đầu. Điều này khiến cuộc sống của các nhân viên phức tạp hơn. Không chỉ phải điều chỉnh lại guồng quay công việc trong một môi trường mới, nhiều gián đoạn hơn (con cái làm phiền, làm việc trái giờ và quá giờ vì khó thiết lập thời gian biểu), chúng ta vẫn phải đạt được KPI mà công ty đặt ra.
4/5 nhân viên ở Hoa Kỳ cảm thấy khó mà ''tắt máy'' sau giờ làm việc và những đảo lộn này khiến hơn 50% cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần kể từ khi WFH. Còn tại Việt Nam, không khó để nhìn thấy những lời than phiền trên các diễn đàn: KPI mà công ty đặt ra khi WFH còn nhiều hơn cả khi làm việc tại văn phòng. Nếu sếp của bạn lo ngại rằng làm việc tại nhà nghĩa là không chăm chỉ, bạn có thể sẽ cần chuẩn bị tinh thần cho việc lên một thời gian biểu khoa học hết sức có thể.
2. Đảo lộn xã hội
Điều kiện làm việc thay đổi chính là thách thức với những người vẫn đến công sở làm việc. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, nhiều người phải từ bỏ xe buýt và sử dụng phương tiện cá nhân. Tại nơi làm việc, cách vận hành công việc cũng thay đổi. Bắt buộc sử dụng khẩu trang, vệ sinh thường xuyên và tránh dùng chung đồ dùng là một phần trong quy định phòng chống COVID-19 của công ty.
Nhưng vẫn chưa đủ. Không may là nhiều doanh nghiệp phải sa thải bớt nhân sự do tình hình tài chính không thể giải quyết được. Với hệ quả như vậy, sự thất nghiệp gia tăng kéo theo cảm giác bất an và nản chí.
Sự thất nghiệp gia tăng kéo theo cảm giác bất an và nản chí
3. Quá tải cảm xúc
Căng thẳng và lo lắng là cảm xúc thường thấy mà chúng ta trải qua trong đại dịch. Ngoài ra còn có sự tức giận, buồn bã vì mọi thứ mà chúng ta buộc phải từ bỏ: thói quen đi uống cà phê gặp gỡ bạn bè, những câu lạc bộ theo sở thích. Điều tồi tệ nhất là cơ hội thăng tiến có thể suy giảm.
Ngoài ra, cảm xúc khó chịu và sự không chắc chắn về tương lai khiến chúng ta dễ bi quan, tưởng tượng đến những tình huống xấu nhất. Những tin tức tiêu cực về dịch bệnh đổ đến hàng ngày càng dễ gây mất tinh thần. Khi mọi người xung quanh bạn đều cùng chung trải nghiệm, nó sẽ trở thành trạng thái tiêu cực tập thể.
Và tất nhiên, không dễ gì khi vừa đối mặt với những cảm xúc tiêu cực chưa từng có, đồng thời vẫn phải duy trì năng suất và sáng tạo trong công việc.
Một nghiên cứu cho thấy 50% thế hệ Gen Y (1981 - 1996) và 75% Gen Z (1997 - 2015) đã bỏ việc vì lý do trầm cảm trong thời gian đại dịch.
Làm sao để bình ổn tâm trạng?
Rõ ràng, việc cân bằng cảm xúc khi làm việc trong đại dịch cần phải có sự thông cảm, hỗ trợ từ công ty của bạn. Nhưng đại dịch đã bước sang năm thứ 2, và chúng ta không thể biết chắc khi nào nó sẽ kết thúc. Vì vậy, để bước tiếp một cách an toàn và tích cực hơn, chúng ta cần chủ động để bảo vệ sức khỏe của mình. Những vấn đề mà CareerViet đặt ra ở trên là để giúp bạn ‘xốc lại’ tinh thần. Vì trước hết, bạn phải chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân, hiểu rằng mình không phải là siêu nhân, cần yêu thương bản thân hơn nữa khi khó khăn. Nếu không hoàn thành một mục tiêu nào đó, đừng vội phán xét và dán nhãn tiêu cực cho bản thân ngay.
Hãy thử một số cách bình ổn tâm trạng mà CareerViet đã chia sẻ: 8 cách để duy trì cân bằng giữa công việc và đời sống thường ngày, 6 bí kíp tự chăm sóc bản thân, “Be cool” chốn văn phòng. Chúc bạn kiên cường vượt qua COVID!