Cách chọn đúng "chiến trường" nơi công sở
Lượt xem: 8,471Ở môi trường nào cũng vậy, cách chúng ta xử lý tình huống tổng thể mới là vấn đề quan trọng. Điều đó có nghĩa là ta cần chọn đúng điều đáng để đấu tranh hoặc lên tiếng một cách khôn ngoan.
Ở công sở, không thể tránh khỏi tình huống một ai đó gây hấn với bạn, hoặc có hành động ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn - dù là cố ý công kích cá nhân, hay là vì trách nhiệm công việc. Vị trí càng động chạm đến quyền lợi - trách nhiệm của nhiều người, càng dễ gặp phải xung khắc, khiến ta lo lắng, thất vọng, đau đầu nhức óc. Từ bị đồng nghiệp “cướp” khách hàng, đến những trò “dìm hàng” của đối thủ trước mặt hoặc sau lưng. Đôi khi bạn phải lên tiếng, đôi khi bạn nên mặc kệ vì đó là chuyện không đáng để dành thời gian và công sức “chiến đấu”.
Cách chọn đúng "chiến trường" nơi công sở
Thử xem một số cách xử trí dưới đây có áp dụng được cho trường hợp mà bạn gặp phải không nhé.
1. Phân biệt tình huống
Trước khi phản ứng, hãy hít một hơi sâu để giữ bình tĩnh. Sau đó, dành chút thời gian suy nghĩ: đó là thách thức bạn cần giải quyết triệt để, hay là chuyện không đáng mà bạn có thể lờ đi để chuyển sang việc khác.
Ví dụ: việc đó đang ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc của bạn, thì nên lập tức có kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề. Còn nếu đó là vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, bắt nạt, phân biệt đối xử… thì nên đề cập với cấp trên hoặc những người có trách nhiệm theo quy trình xử lý của công ty để được hỗ trợ.
2. Xác định người “che lưng” cho bạn
Cho dù đó là bạn bè, đồng nghiệp đáng tin, đàn anh trong nghề… hy vọng rằng bạn có một người hoàn toàn đáng tin để trút bỏ nỗi lòng khi cần. Càng tuyệt hơn nếu họ có thể giúp bạn xác định bản chất của vấn đề và cách rút kinh nghiệm.
3. Đề nghị hỗ trợ
Nếu bạn đang vật lộn với một vụ xung đột hoặc một "trận chiến" có nguy cơ xảy ra nơi công sở, hãy cân nhắc nói chuyện với cấp trên hoặc bộ phận Nhân sự - người có thể tư vấn cho bạn về cách xử lý tình huống tốt nhất với văn hóa công ty. Lưu ý là bạn tìm đến họ để được hướng dẫn, nhằm dập tắt cuộc chiến hoặc để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, chứ không phải để than thở hay tìm sự thông cảm.
Hãy chia sẻ để được hỗ trợ
4. Đồng tình hoặc không
Không có gì lạ khi cùng xem xét một sự việc mà mỗi người có một quan điểm khác nhau về nó. Bởi chúng ta đều có trải nghiệm cũng như thế giới quan riêng. Vậy nên khi không đồng ý với ai đó, đừng nói theo kiểu “tôi đúng, anh sai”, mà hãy bày tỏ rằng đó là sự khác biệt về quan điểm. Nếu đó không phải việc phương hại đến bản thân, đơn giản là đồng tình hoặc không, rồi chuyển sang đề tài khác.
5. Khoan dung
Nếu được, hãy xử lý tình huống một cách khéo léo và tử tế nhất có thể. Nói cách khác: không nói xấu hoặc “buôn dưa lê” những thông tin không liên quan cho người khác. Hẳn bạn cũng không muốn ai “đâm sau lưng” bạn. Và nếu cố tạo hình ảnh xấu xí về người khác, bạn không biết những người xung quanh nghĩ gì về mình và cư xử ra sao khi bạn “ngã ngựa” đâu.
6. Giữ vững lập trường
Khi bạn chọn cho qua những bất đồng không có nghĩa là bạn chấp nhận để người khác giẫm đạp lên cảm xúc của bạn. Vẫn cần thể hiện quan điểm của bạn. Đồng thời, nói rõ là bạn không cần làm căng vì trong trường hợp này “ai đúng, ai sai không quá quan trọng”. Trong trường hợp ngược lại, mà bạn thực sự tin rằng mình cần bảo vệ bản thân, nói ra thôi không đủ - hãy hành động. Khi không làm hại ai, thì chúng ta xứng đáng được thoải mái trong môi trường làm việc của mình.
Đôi khi cần nói ra để người khác hiểu được ‘ranh giới’
7. Lên kế hoạch hành động
Khi vấn đề khiến bạn không thể ngồi yên, vẫn cần tránh phản ứng vội vàng. Hãy cho bản thân một chút thời gian để quyết định cách xử lý tốt nhất. Ngoài ra, nếu sự việc khiến bạn bị xúc động mạnh, thì một khoảng thời gian để cân bằng cảm xúc (1 - 2 ngày) là cần thiết. Vì khi cảm xúc lấn át lý trí, bạn có thể có sự lựa chọn không chuẩn xác. Hãy đặt ra những câu hỏi sau trước khi hành động: Ai là người tốt nhất để giúp bạn giải quyết sự việc? Bạn sẽ tiếp cận và trao đổi với họ ra sao? Bạn muốn họ tác động đến sự việc theo con đường cá nhân, hay theo quy trình chính thức của công ty?
8. Đừng để ưu phiền hạ gục bạn
Đã có những người gặp khúc mắc với người khác nhưng cố dìm nỗi bức xúc của bản thân xuống, và không làm gì cả, để rồi chúng ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của họ. Nỗi ấm ức tích tụ rồi cũng đến ngày phun trào như núi lửa, mà “thủ phạm” thì ngơ ngác không hiểu tại sao người này lại phản ứng mạnh. Nhìn chung, đá thúng đụng nia, tỏ ra khó chịu với đối thủ (bất kể họ đúng hay sai), chán nản, lo lắng, tự trách bản thân… - những việc đó không phải là “hành động”, đó là để cảm xúc dẫn dắt thay vì bắt tay vào giải quyết vấn đề gốc rễ. Không phải lúc nào tránh đối đầu cũng tốt. Hãy nói thẳng với họ ngay từ khi vấn đề khiến bạn mất cân bằng, hoặc ít nhất nói với ai đó để giải tỏa cảm xúc.
9. Lo cho chính mình
Một cách để tránh các mâu thuẫn lặt vặt nơi công sở là lưu tâm đến việc của chính bạn. Thành công của bạn cũng không phải là việc của người khác. Đừng quá lưu tâm về những gì người khác đang làm, trừ khi chúng ảnh hưởng tiêu cực đến công việc hoặc môi trường làm việc của bạn. Việc chia sẻ thông tin cá nhân về bản thân với người khác cũng nên cân nhắc và vừa đủ, kể cả với bạn thân ở chỗ làm cũng nên đúng lúc, đúng chỗ.
10. Cố gắng tập trung vào công việc và năng suất
Trong một cuộc khảo sát, cứ 10 người thì có 4 người công nhận xung đột tại chỗ làm gây giảm năng suất công việc. Không có gì đáng ngạc nhiên, vì xung đột cần năng lượng để đối phó và giải quyết, có nghĩa là nó chiếm thời gian và tâm trí của bạn. Mất tập trung là hệ quả đầu tiên, và đôi khi rất nguy hiểm.
Điều đó cho thấy bạn nên giải quyết các tình huống xung đột càng sớm càng tốt, trước khi nó vỡ lở thành rắc rối, cũng như khiến bạn điên đầu. Đó là cách phòng bị để tiết kiệm thời gian trong tương lai, và bạn có thể tập trung vào bức tranh toàn cảnh: như kết quả công việc, thành công trong sự nghiệp hoặc những điều quan trọng khác.
Hãy sử dụng khả năng phán đoán của bản thân, cũng như tận dụng các quy trình giải quyết xung đột ở công ty, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có trách nhiệm khi cần. Mỗi tình huống và cá nhân đều có thể cần cách xử trí khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải nhìn thẳng vào vấn đề mình gặp phải, công nhận sự khó chịu mà nó gây ra cho bạn (nếu có) và ra quyết định giải quyết nó theo cách tốt nhất.