Cách trả lời cho Đánh giá hiệu suất công việc
Lượt xem: 12,7076 tháng đầu năm đã kết thúc. Đánh giá hiệu suất có thể là một trải nghiệm đáng sợ, căng thẳng, đặc biệt nếu cấp trên có vẻ không hài lòng với bạn. Dù vậy, vẫn có cách cư xử đúng để quy trình này trở nên nhẹ nhàng hơn, thậm chí, bạn có thể tận dụng các đánh giá tích cực dù ít ỏi.
1. Kiểm tra trước danh mục đánh giá
- Bất kể bạn được tâng lên trời hay bị chỉ trích gay gắt, cấp trên vẫn muốn bạn coi đây là một việc nghiêm túc.
- Vậy trước hết hãy tìm bảng quy trình đánh giá trong quy định công ty. Nếu không có, hãy chủ động hỏi bộ phận Nhân sự để có thông tin.
- Bản thân bạn cũng có thể chuẩn bị trước một danh sách ngắn các vấn đề bạn cho là quan trọng trong quá trình làm việc 6 tháng qua. Một người sếp thông minh sẽ trân trọng một nhân viên nghiêm túc tự đánh giá bản thân.
- 2 vấn đề chủ đạo mà bạn cần ghi ra: thành tích lớn nhất và thách thức lớn nhất - những chủ đề trò chuyện này có thể mang đến những lời khuyên có ích từ cấp trên.
2. Hãy tỉnh táo, lạc quan và sẵn sàng nói chuyện
Buổi đánh giá thực ra là một cuộc đối thoại giữa nhân viên và quản lý, chứ không phải là sự nhận xét một chiều. Bạn có thể sẽ phải mở lòng về cảm xúc của mình về công việc, những thành công, khó khăn và mối quan hệ của bạn với các nhân viên khác trong công việc.
Tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ trước đó để tỉnh táo trước buổi họp này. Cố gắng tập trung, đừng mơ mộng đến mức “đánh rơi mất nhịp nào” của câu chuyện.
Đối với những người thường lo lắng, bồn chồn: đừng uống cà phê trước cuộc họp, hít thở sâu và mang theo cốc nước lọc vào phòng họp. Uống từng ngụm nhỏ có thể giúp bạn bình tĩnh hơn.
3. Giữ bản thân cởi mở
Hãy coi đây là cơ hội để thẳng thắn về các vấn đề trong công việc, dù tích cực hay tiêu cực (miễn là không thô lỗ). Bạn có thể nói về lương, điều kiện làm việc, đồng nghiệp, thậm chí cả quản lý trực tiếp. Bạn không có cơ hội này thường xuyên đâu, nên đừng bỏ lỡ để nói ra tâm tư của mình. Tất nhiên bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ được nghe những nhận xét thẳng thắn tương tự từ quản lý. Nếu bản chất nhút nhát khiến bạn gặp khó khăn, hãy tập trước các mẹo ngôn ngữ cơ thể để tăng cường sự tự tin: ngồi thẳng lưng, nói chuyện rành rọt, chậm rãi, nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Tự bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi thấy chính mình đang tự tin.
4. Sẵn sàng bàn về vị trí của bạn trong công ty
Tất cả các công ty đều muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể - nhất là trong thời gian dịch COVID-19 làm các doanh nghiệp càng phải “thắt lưng buộc bụng”. Vì vậy, cần cho họ thấy bạn là một nhân viên có giá trị, công việc bạn làm có đóng góp trong sự phát triển của công ty ngay cả khi vị trí đó không hẳn là cực kỳ quan trọng.Đây là điều chắc chắn bạn sẽ phải chuẩn bị để nêu ra nếu chẳng may bị chỉ trích nặng nề trong quá trình đánh giá. Chính bạn phải hiểu đóng góp của bản thân với công ty trước khi mong muốn được người khác ghi nhận.
5. Hãy trung thực về những vật cản
Có lẽ hơi ngại một chút nếu vấn đề bạn gặp phải chính là phong cách quản lý của sếp. Tuy nhiên, sẽ là không công bằng cho chính bạn, nếu qua buổi đánh giá hiệu suất, các cấp quản lý chỉ nhìn thấy các điểm bạn chưa làm được, trong khi không biết được nguyên nhân căn bản. Khi những lời đề xuất lịch sự không được nói ra, thì vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết dứt điểm, và bạn sẽ còn tiếp tục bị “trói chân tay”. Hãy để những người quản lý chứng minh rằng họ nỗ lực để nhân viên có thể làm việc hiệu quả nhất có thể. Điều này đặc biệt thuận lợi nếu trước đó bạn đã có một đánh giá tích cực. Ý kiến từ một nhân viên có năng lực khả năng sẽ được coi trọng và xem xét nghiêm túc hơn một người có vẻ hời hợt với công việc.
6. Không giận dữ với lời chỉ trích
Rất có khả năng bạn sẽ bị chỉ trích trong buổi đánh giá hiệu suất. Gần như tất cả mọi nhân viên đều còn một khía cạnh nào đó cần phải cải thiện. Vì vậy, hãy cố gắng giữ vững tâm lý để không bị xúc phạm hoặc sợ hãi.
Thừa nhận nếu những lời chỉ trích đó hợp lý và hỏi rõ nếu bạn chưa hiểu rõ vấn đề.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn phải chấp nhận những lời chỉ trích vô lý, thô lỗ hoặc mang tính cá nhân. Ví dụ: nếu quản lý xúc phạm bạn, đưa ra những nhận xét không liên quan đến công việc (như về gia đình hoặc cuộc sống cá nhân của bạn). Với tình huống này, bạn không cần phải phản ứng lại, nhưng nên liên hệ với bộ phận Nhân sự ngay sau đó để phản ánh.