Đổi vai cho sếp (Phần 1)
Lượt xem: 12,082Chúng ta đã nghe mòn tai câu nói “Nhân viên không bỏ việc, họ bỏ sếp”, và bạn biết điều này là sự thật. Với nhiều người, nếu ví công việc như món ăn, nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên sự hài lòng không hẳn chỉ là chất lượng thực phẩm thì nghiên cứu thực tế cho thấy 65% nhân viên được khảo sát về việc ra đi hay ở lại sẽ chọn sếp mới thay vì tăng lương.
Trong khi đó, nhiều công ty hiện nay vẫn tập trung tiêu chí cất nhắc nhân viên vì thành công về chuyên môn hơn là kỹ năng quản lý. Vẫn có những người “chân ướt chân ráo” nhảy vào vai trò mới khi chưa từng rèn luyện hoặc sở hữu rất ít khả năng dẫn dắt đội nhóm và kém kỹ năng giao tiếp cá nhân. Điều này tạo ra tâm trạng chán nản bao trùm lên không gian làm việc. Đâu đó có những người đã nghĩ đến ý định ra đi.
May mắn thay, có khá nhiều cách giúp bạn xoá bỏ sự khác biệt để tạo ra nền tảng tin tưởng vững chắc và xây dựng thành công mối quan hệ làm việc chặt chẽ với cấp trên. Kỹ năng nhỏ nhưng quan trọng bạn cần hoàn thiện đầu tiên chính là “managing up” (hiểu khái quát là “quản lý ngược”) – bí quyết làm việc được khẳng định sẽ có tác dụng tốt với sếp lẫn nhân viên.
TẠI SAO PHẢI QUẢN LÝ NGƯỢC?
Bạn đã có trách nhiệm quản lý phần việc của mình, đôi khi với các thành viên trong nhóm lẫn đồng nghiệp tại nhiều bộ phận khác nhau trong công ty, vì sao còn phải có trách nhiệm cho cấp trên của mình nữa?
Vì việc này mang lại lợi ích cho tất cả các bên: sếp, nhân viên và công ty. Sếp cần bạn hoàn thành công việc của bạn. Bạn cần có sự phân công, hướng dẫn và hỗ trợ từ sếp để nắm bắt định hướng, triển khai công việc. Đây thực sự là mối quan hệ bổ trợ, và “managing up” là kỹ năng rất đáng để bạn trau dồi, phát triển.
“”Đổi vai cho sếp” không có nghĩa là bạn cố gắng thao túng, vượt qua sếp hay “giẫm chân” lên ai. Thay vào đó, nó hàm ý rằng bạn phải quản lý được cách phối hợp trong công việc với người đang trực tiếp quản lý mình. Nói rộng hơn, “managing up” là dẫn dắt và khai thác hiệu quả sức mạnh của mọi người, bất kể họ ở vị trí nào trong hệ thống phân cấp của công ty. Hãy đốc thúc và đẩy sếp vào vị trí mà họ có thể giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn.
Muốn “quản lý sếp” hiệu quả, hãy cùng CareerViet.vn xem ngay 12 lời khuyên hữu ích sau đây:
#1. HỌC CÁCH QUẢN LÝ TỐT BẢN THÂN
Rất nhiều quản lý và giám sát đã phải tốn vô số thời gian để “cầm tay chỉ việc” từng nhân viên. Khi có thể tự lãnh đạo bản thân, bạn sẽ tiết kiệm nhiều thời gian cho sếp.
Nếu không biết nên làm sao để thực hiện điều này, trước tiên bạn cần hiểu vai trò của mình trong tổ chức, đâu là mong đợi dành cho mỗi nhiệm vụ và cách hoàn thành nhiệm vụ mà không làm gián đoạn lịch trình của người khác. Khi sếp tin rằng bạn có thể đảm đương trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả, bạn sẽ được giao đầy đủ công cụ và có thể làm việc theo cách riêng.
#2. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CỦA SẾP
Bạn nên dành thời gian để hiểu mục tiêu chung của công ty, vì mỗi một việc nhỏ bạn làm đều sẽ hướng tới mục tiêu đó. Các mục tiêu của sếp luôn phù hợp theo mục tiêu chung, vì vậy, nếu sếp té thì cuối cùng bạn cũng ngã.
Để “quản lý” sếp, hãy thống nhất các mục tiêu cá nhân với mục tiêu của sếp. Phối hợp hiệu quả trên từng dự án và đảm bảo rằng sếp đồng ý với quy trình hoặc phương án của bạn. Khi có được sự ủng hộ của sếp, bạn sẽ đạt được những điều to lớn hơn trong công ty.
#3. THÔNG BÁO VỚI SẾP VỀ MỌI THỨ
Mặc dù bạn nên làm việc độc lập, nhưng cập nhật đủ thông tin cho sếp có tác dụng rất quan trọng trong việc giúp họ nhận thức và theo dõi mọi việc bạn đang làm. Có thể thực hiện điều này bằng cách gửi tin nhắn báo cáo tiến độ dự án hoặc cập nhật tình trạng công việc thông qua các công cụ như ERP, Trello, Asana.
Đừng bao giờ giấu diếm thông tin, ngay cả khi đó là tin xấu! Che giấu lỗi lầm không ích gì, sớm hay muộn thì sự thật cũng lộ ra. Thay vào đó, cập nhật thông tin liên tục sẽ giúp sếp nhận ra vấn đề chưa ổn cần khắc phục, hoặc qua đó bạn chủ động chia sẻ các khó khăn để nhận được lời khuyên chuyên môn từ sếp.
#4. TRUNG THÀNH
Lòng trung thành là phẩm chất quan trọng hơn mọi kỹ năng cứng (điều bạn có thể học được) tại nơi làm việc. Một nhân viên trung thành sẽ được biết về các dự án đặc biệt và thông tin nhạy cảm, và bạn còn có thể là đại diện tuyệt vời của tổ chức. Ngược lại, công việc khó lòng phát triển tốt như ý bạn muốn.
Hãy tận lực hỗ trợ nếu đồng tình với cách vận hành của sếp và bày tỏ sự đánh giá cao của bạn. Bất cứ khi nào sếp cảm thấy bị đe doạ bởi cách bạn hành động, sự nghiệp của bạn sẽ gặp trở ngại. Nếu bạn đã phát triển mối quan hệ đáng tin cậy với sếp, hiểu các mục tiêu lẫn kỳ vọng của họ thì bạn sẽ hài lòng hơn khi biết rằng mình có thể nhận ra họ cần gì, trước cả khi họ nói với bạn họ cần gì.
#5. TRỞ THÀNH ĐỒNG ĐỘI TỐT
Đôi khi, bạn sẽ bị yêu cầu hoàn thành một số nhiệm vụ không có trong mô tả công việc. Trong khi các đồng nghiệp đang từ chối, bạn hãy cân nhắc việc để tính tự cao qua một bên và nhận trách nhiệm này. Sếp sẽ đánh giá cao nỗ lực và tưởng thưởng cho tinh thần đồng đội tích cực này. Người tích luỹ được sự hiểu biết toàn diện và hiểu rõ cách thức vận hành doanh nghiệp thường sẽ là những cá nhân tiến bộ nhất trong sự nghiệp.
Nguồn hình: Freepik