Đổi vai cho sếp (Phần 2)
Lượt xem: 8,547CareerViet.vn đã chia sẻ với bạn những lý do và 5 bí quyết để có thể quản lý ngược lại khi đổi vai cho sếp, hãy tiếp tục tham khảo thêm những phương thức dưới đây để có thể thực hiện “vai trò mới” một cách tốt hơn nữa.
#6. QUÝ TRỌNG THỜI GIAN CỦA SẾP
Thời gian của sếp rất quý giá, vì vậy hãy cẩn trọng xem xét mọi khía cạnh trước khi đưa nó đến với sếp. Đầu tiên, phải xác định xem vấn đề có thực sự là vấn đề, và bạn có thể tự trả lời hoặc xử lý hay không. Thứ hai, nếu muốn có một buổi họp hiệu quả với sếp, hãy chuẩn bị nội dung chính, danh sách câu hỏi và bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào có liên quan. Khi muốn thảo luận về kế hoạch hay sự cố, hãy chắc chắn bạn đã mang theo các giải pháp hoặc phương án xử lý mà bản thân nghĩ ra được, đừng đi tay không! Bạn đâu muốn góp thêm phiền phức vào trong lịch làm việc vốn đã quá bận rộn của sếp. Tư duy làm việc này cho sếp thấy là bạn rất chủ động và biết cách sử dụng sáng kiến trong các tình huống khó khăn.
#7. HIỂU ĐIỂM MẠNH – ĐIỂM YẾU CỦA SẾP
Bằng cách này bạn sẽ có thể tận dụng các kỹ năng sẵn có để giúp đỡ sếp đúng nơi đúng lúc. Bạn cũng có thể lường trước các yêu cầu và ngay lập tức phối hợp hành động với sếp khi họ thậm chí còn chưa lên tiếng. Ví dụ: Thấy sếp đang vật lộn với các loại số liệu nhằm hoàn thành đúng hạn báo cáo tổng kết vì không giỏi Excel, bạn có thể đề nghị sếp để bạn nhập dữ liệu.
#8. ĐẶT CÂU HỎI ĐÚNG
Đặt được các câu hỏi đúng, bạn sẽ hiểu chính xác nhu cầu của người quản lý, làm việc hiệu quả và xây dưng được mối quan hệ công việc mạnh mẽ. Nhiều người thường không đặt câu hỏi vì sợ bị cho là yếu kém hoặc làm phiền sếp, nhưng làm thế nào bạn có thể hoàn thành công việc khi không hiểu yêu cầu hoặc hướng dẫn? Ngược lại, biết đặt câu hỏi đúng, cho thấy bạn là người chủ động và quan tâm đến việc loại bỏ các rủi ro trước khi chúng phát sinh. Hãy nhớ rằng, các sếp thường quên mất những chi tiết nhỏ nhặt vì cho rằng nhân viên đã biết.
#9. XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TỐT VỚI SẾP
Cũng giống như việc xây dựng mối quan hệ bền vững với đồng nghiệp, việc thiết lập kết nối chặt chẽ với sếp quan trọng không kém. Bạn nên biết một chút về cuộc sống cá nhân của sếp và giao lưu với họ trong vài khía cạnh bên ngoài các dự án. Khi làm như vậy, bạn sẽ có thể xuất hiện trong tâm trí họ vào những tình huống cần đưa ra quyết định. Đôi bên sẽ hiểu phong cách làm việc và quá trình suy nghĩ của nhau, từ đó bạn có thể phối hợp cùng sếp hiệu quả nhất trong bất kỳ dự án nào.
#10. ĐỪNG GIẤU TÀI NĂNG
Nếu bạn là nhân viên mới của công ty, bạn không muốn “gáy” to quá mức hay tỏ vẻ “tôi đây biết tuốt”. Tốt nhất là dành vài tuần đến vài tháng để hiểu cách công ty vận hành và nhận định xem tài năng của mình phát huy tác dụng tốt nhất ở đâu, nên cống hiến như thế nào cho phù hợp.
Hãy tư vấn để sếp biết cách để vận dụng tối đa tài năng của bạn! Bạn đã nỗ lực hết thời gian và sức lực để hiểu sếp, nhưng chưa chắc họ cũng làm vậy. Cho nên, hãy mạnh dạn truyền đạt để sếp biết bạn làm gì giỏi và công ty nên tận dụng ra sao. Nếu thực sự tin rằng bạn có thể hỗ trợ trong một lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, đừng ngại chia sẻ cho sếp biết. Họ sẽ chỉ đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của bạn, đồng thời sẽ cân nhắc lời đề nghị giúp đỡ của bạn nếu xét thấy phù hợp.
#11. ĐỪNG CAM KẾT QUÁ KHẢ NĂNG
Hứa ít – làm nhiều bao giờ cũng tốt hơn hứa nhiều – làm ít. Nhiều người, với tâm trạng hoảng loạn, thường cho rằng mình có thể hoàn thành được nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất ngắn, mà không tính hết những phức tạp của nhiệm vụ đó. Để tránh mọi sự thất vọng, tốt nhất là chỉ cam kết một dự án (thay vì hăm hở tham gia ba đến bốn chiến dịch khác nhau). Sau đó nếu hoàn thành sớm, bạn có thể đưa ra đề nghị hỗ trợ các dự án khác. Khi đã quen với khung thời gian cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ hoặc kỹ năng chuyên môn phát triển đã mạnh hơn, bạn có thể đề nghị đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn và quan trọng hơn.
#12. YÊU CẦU PHẢN HỒI
Đừng chờ đến tận quá trình thẩm định hoặc phê duyệt mới tìm kiếm các phản hồi. Nếu lo lắng về điều gì đó hoặc cần xác nhận, đừng ngại tìm đến sếp để có phản hồi cụ thể, chi tiết và chính xác. Nhiều quản lý đã thất bại vì không nói cho nhân viên biết họ đang làm việc tốt hay tệ. Tốt nhất là bạn cứ tìm kiếm phản hồi và yêu cầu xác nhận cho những gì bạn chưa chắc chắn.
Nếu bạn xin lời khuyên nghề nghiệp, nó cho thấy bạn tận tâm với công việc. Xa hơn nữa, bạn có thể trao đổi với sếp để biết rõ hơn về cơ hội thăng tiến, đào tạo nâng cao năng lực, từ đó đảm bảo rằng mục tiêu nghề nghiệp của bạn luôn thống nhất với sự phát triển của công ty.
Nguồn hình: Freepik