Dọn nhà - Dọn bế tắc
Lượt xem: 10,160Khi thời gian làm việc ở nhà kéo dài, bạn dần nhận ra những "góc khuất" về tâm lý cũng nhiều như vô số vấn đề đang tồn đọng trong căn nhà của bạn vậy. Những đồ vật hoặc thói quen trước đây không gây khó chịu, vì bạn dễ dàng quên đi khi ra ngoài, đi chơi, nay sờ sờ trước mắt. Đã đến lúc xắn tay áo lên và "giải phóng" chính mình rồi.
Có thể bạn là một nhân viên đã đi làm hàng chục năm, hay là một người mẹ, người cha với vô số dự định “treo” vì cần phải ưu tiên tài chính cho con cái. Mỗi chúng ta đều là một người lữ hành với vô số vật dụng mang vác trên hành trình mang tên “cuộc đời”.
Dọn đồ đạc ra khỏi nhà cũng chính là thanh tẩy tâm hồn cho một cuộc sống tích cực và dễ dàng hơn
Có lẽ bạn không nhận ra, nhưng có những vật dụng bạn mang theo hoặc giữ lại suốt nhiều năm trời chỉ vì nó gắn với những cảm giác tiêu cực như: mắc kẹt, tội lỗi, xấu hổ, sai lầm, hối tiếc... Những “hành lý tình cảm” bỏ thì thương, vương thì tội này càng dễ dàng khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn về bản thân khi phải nhìn thấy nó suốt 24/7 trong thời gian giãn cách xã hội và WFH. Dọn chúng ra khỏi nhà cũng chính là thanh tẩy tâm hồn cho một cuộc sống tích cực và dễ dàng hơn.
Hãy cùng ‘soi’ xem có đồ vật nào cản chân mình trong phòng không nhé!
1. Món đồ mang tên “Mắc kẹt”
Cũng giống như việc chúng ta đang phải ở trong nhà vì đại dịch, không thể thực hiện các kế hoạch học tập, phát triển như mong muốn; “Mắc kẹt” là trạng thái đình trệ trong một khía cạnh nào đó - bạn không tiến lên được giai đoạn tiến bộ hơn.
Ví dụ: bạn đang ở trong một căn nhà thuê có tường mốc lở, nhưng vì dự định sẽ đầu tư khi thuê một căn hộ khác, hoặc mua nhà mới nên bạn mãi không sơn hoặc dán giấy dán tường cho căn nhà này. Nhưng giờ đây, giãn cách khiến bạn phải ở trong nhà cả ngày, thì căn phòng này sẽ như một lời nhắc nhở về sự bế tắc kinh niên, và không thể biết được sẽ phải chờ đợi bao lâu thì bạn mới có một không gian mới đẹp đẽ hơn.
Thực tế, khi chúng ta thực sự bắt tay vào việc thay đổi không gian sống của mình cũng chính là làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn: Chúng ta cho phép mình được tận hưởng niềm vui ngay tại không gian này và ngay từ bây giờ.
Những thứ “mắc kẹt” trong nhà
Những khoảng không gian chưa hoàn thiện hoặc chưa được trang trí
Các tranh ảnh xếp ở góc nhà chưa được đóng khung hoặc treo
Những món “để dành” cho một thời điểm đẹp đẽ (ví dụ: mực khô cất trong ngăn đá hoặc trang sức đẹp cho dịp sang chảnh)
Quần áo đẹp nhưng không còn đúng cỡ
Đống đồ trong chưa khui trong hộp carton sau lần chuyển nhà
Món đồ mang tên “Mắc kẹt”
2. Món đồ gọi lên sự “Tội lỗi”
Cảm giác tội lỗi nảy sinh từ những việc mà chúng ta cảm thấy mình nên làm, nhưng chưa làm vì lý do này hay lý do khác. Ví dụ: Một tờ giấy nhớ trên bàn làm việc nhắc nhở một dự án cá nhân hoặc những người cần liên hệ mà bạn lần khân chưa muốn thực hiện. Buộc phải đối mặt với nó mỗi khi ngồi vào bàn, làm bạn có cảm giác điều đáng ra rất có ý nghĩa này trở thành nghĩa vụ phải “trả nợ” trong tương lai.
Cảm giác tội lỗi cũng có thể đến từ sự phản bội cam kết của bản thân. Ví dụ: bạn mua máy chạy bộ về vì quyết tâm lấy lại vóc dáng, nhưng cuối cùng lại thấy hóa ra hình thức tập luyện này không phù hợp lắm. Và việc nhìn cái máy ở góc nhà mỗi ngày cho thấy một mục tiêu chưa được thực hiện. Bạn nên giải quyết những món đồ tội lỗi càng sớm càng tốt. Ví dụ: tìm cách tập luyện khác phù hợp với bản thân và rao bán chiếc máy chạy cho người cần nó hơn.
Những thứ nhắc nhở “tội lỗi”:
Các dự án dở dang liên quan đến sở thích: bộ Calligraphy chưa làm, bức tranh chưa vẽ
Đồ vật đắt tiền nhưng không bao giờ sử dụng: Máy ép hoa quả, thiết bị làm bánh...
Hàng tá sách để nâng cao trình độ nhưng không đọc: IELTS, sách kinh điển, tài chính… (cả trong máy tính cá nhân lẫn trên giá sách)
Quà tặng bạn nghĩ là mình nên giữ mặc dù không thích
3. Món đồ “xấu hổ”
Sự xấu hổ có thể ẩn náu trong nhà, ngụy trang dưới những món đồ mà cứ nhìn thấy là bạn lại cảm thấy tự ti.
Ví dụ: một bộ sưu tập các sản phẩm chăm sóc da với nỗ lực xóa nếp nhăn hoặc tàn nhang (mà chúng ta tin rằng khiến chúng ta kém xinh). Vậy mỹ phẩm đã trở thành thứ nhắc nhở rằng bạn chưa đủ đẹp để xứng đáng với điều gì đó, thay vì là công cụ để chăm sóc và yêu thương bản thân.
Hoặc sách dạy ăn kiêng - đó là thứ giúp ta sống lành mạnh hơn, hay là công cụ ràng buộc hành vi ăn uống để ép thân hình “đi vào khuôn khổ” và được xã hội chấp nhận? Tương tự với những thứ giúp nâng cao trình độ ở một lĩnh vực nào đó mà thực ra bạn không hứng thú lắm: đĩa nhạc giao hưởng, sách chính trị, tâm lý…
Hoặc sử dụng ngay để kiểm tra tính hiệu quả của nó đối với đời sống (và cảm giác) của bạn, hoặc là loại bỏ chúng ngay. Cảm giác tự phán xét, đánh giá là cách nhanh chóng để giết chết niềm vui.
Món đồ “xấu hổ”
Tẩy bỏ sự xấu hổ trong nhà:
Trang phục “fit body” đòi hỏi bạn phải thon gầy theo tiêu chuẩn tạp chí
Trang phục “đẳng cấp” để bạn có vẻ sang chảnh dù không hề thoải mái
Sách, nhạc hoặc các phương tiện khác mà bạn cảm thấy mình ‘nên thích’ dù không thực sự thích
Mỹ phẩm dùng để giải quyết thứ mà bạn cho là “khuyết điểm” trên cơ thể. (Mỗi người là một bản thể khác nhau. Bạn đẹp nhất khi bạn khỏe mạnh và vui sống!)
Gương lúp dùng để soi da và cân
4. Món đồ “Sai lầm”
Một chiếc ghế bị hỏng chân, một bóng đèn bị chớp tắt, một chiếc áo len bị thiếu cúc… Mỗi thứ này là một lời nhắc nhở về việc cần sửa chữa. Khi bạn có quá nhiều thứ như vậy, ngôi nhà sẽ trở thành một danh sách những việc cần làm khổng lồ, khiến chủ nhân không thể thư giãn. Vì vậy, hãy lên danh sách từng việc một và bắt tay vào bảo dưỡng ngay.
Đôi khi sự sai lầm còn mở rộng ở thói quen tổ chức cuộc sống như: lối vào nhà lộn xộn, giá sách xếp từng chồng không theo thứ tự, quá nhiều thực phẩm dư thừa trong tủ lạnh… Việc cần làm là điều chỉnh lại cách hệ thống hóa các không gian này để mọi việc liên quan đến chúng trở nên trôi chảy hơn.
Đôi khi sự sai lầm tiềm ẩn ở những món đồ khiến chúng ta thấy lo lắng: bàn uống nước có các góc kim loại sắc nhọn, một chiếc cốc sứt, khóa cổng thiếu dầu mỡ có thể làm kẹt tay mỗi khi sơ suất; thậm chí là một chiếc ghế da sáng màu mà bạn không dám cho trẻ con leo trèo vì sợ bẩn. Nếu không sửa chữa được, hãy thay mới để giải phóng bạn khỏi nỗi lo không đáng có.
5. Món đồ “Hối tiếc”
Hối tiếc là cảm giác nặng nề và kéo chân ta nhiều nhất với quá khứ. Một số đồ vật là tàn tích từ những mối quan hệ cũ, một lần thất bại trong học tập hoặc sự nghiệp, một lần chi tiêu quá tay... kéo chúng ta vào những thất vọng và khó bước tiếp.
Món đồ đắt đỏ mà bạn không dùng tới giống như một lời nhắc nhở về sự thiếu tự chủ tài chính, bán nó để hoàn lại phần nào vốn là một lựa chọn không tồi. Dù sao chịu đựng thứ ta ghét cũng không làm tiền quay trở về tài khoản. Hãy coi phần tiền hao hụt như bài học cho lần sau.
Từng chút một, hãy thanh lọc ngôi nhà, để giúp hành trang tâm hồn thêm nhẹ gánh
Những món quà kỷ niệm từ người yêu cũ, những kỷ vật cho thấy một lời hứa không thể thực hiện với ai đó… Nếu những thứ này không giúp cho cuộc sống hiện tại hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn, thì khi tâm trạng đi xuống, chúng có thể khiến bạn suy sụp hơn nữa. Ngay cả việc nhìn lướt qua chúng một lần mỗi ngày cũng là một kiểu tự hành hạ - nó chỉ lấy đi năng lượng mà thôi!
Từng chút một, hãy thanh lọc ngôi nhà, để giúp hành trang tâm hồn thêm nhẹ gánh. Điều này không phải dễ dàng và nhanh chóng, nhưng ít nhất bạn cũng có cách để quẳng bớt chúng đi và thư giãn.