Dự phỏng vấn, gặp đúng ... người quen
Lượt xem: 20,119Hãy thử đặt ra tình huống, bạn sắp sửa dự phỏng vấn việc làm nhưng điều đặc biệt nhất, phỏng vấn viên của bạn sẽ là một người mà bạn từng hoặc có mối quan hệ quen biết. Bạn cảm thấy thế nào? Cực kỳ thoải mái vì cứ như là đi hẹn gặp bạn bè, hay căng thẳng vì cảm giác mình sẽ khó giữ được sự chuyên nghiệp?
Trái với suy nghĩ chủ quan của nhiều người rằng “dự phỏng vấn với người quen thì quá thích, xem như hai bên là một phe, họ sẽ giúp đỡ cho mình”, quyết định tuyển dụng nhân sự cho công ty cần nhiều sự cân nhắc hơn là chỉ ngồi cà phê trò chuyện. Và không phải ai cũng dễ chịu với cảm giác “bản thân bị phơi bày” hay thích thú khi được người quen hỗ trợ.
Nhiều ứng viên đã trăn trở với hàng loạt câu hỏi như: tôi có phải vờ như chưa từng quen biết nhau, tôi có khả năng bị đánh trượt vì họ biết quá rõ về tôi, tôi có nên nói đùa một chút về kỷ niệm cũ cho bớt căng thẳng, tôi có cần giới thiệu bản thân nữa hay không…
Rất nhiều điều cần được trả lời. Nhưng bạn sẽ không thể liệt kê và trả lời hết tất cả các câu hỏi đó đâu. Thay vào đó, hãy cân nhắc cách làm khác khả thi và hiệu quả hơn: Chuẩn bị kỹ lưỡng và vào cuộc một cách bình thường và chuyên nghiệp như bao cuộc phỏng vấn khác.
Cùng CareerViet.vn xem bài viết sau đây, với ý tưởng chính là xuất phát điểm của mỗi mối quan hệ cần cách ứng phó khác nhau cho phù hợp.
Theo đó, có 3 tình huống phổ biến mà bạn cần xem xét:
ĐÓ LÀ MỘT NGƯỜI BẠN
Bạn đã từng ăn uống, đi chơi với người này và chia sẻ nhiều điều khác nữa về các mối quan hệ lẫn chuyện gia đình. Hoặc đôi bên từng có thời gian bàn tán, phàn nàn với nhau về sếp trong giờ giải lao tại công ty cũ. Và bây giờ, người đó là nhà tuyển dụng, sẽ ghi chú các chi tiết trong hồ sơ xin việc rồi hỏi rằng “đâu là điểm yếu nhất của bạn”… Tình huống này có vẻ khá ngớ ngẩn, bởi không cần hỏi, đối phương cũng đã biết bạn quá rõ rồi.
Sara McCord, một cây bút của The Muse, từng trải nghiệm với đúng tình huống như thế này với bạn thân cô ấy đã kể: “Tôi đã có buổi phỏng vấn với một người bạn chỉ một tuần sau khi tôi gặp phải chuyện khó khăn trong cuộc sống cá nhân. Tôi vẫn nhớ cô ấy đã bắt đầu cuộc điện thoại bằng cách gửi lời chia buồn và nói rằng chúng tôi không cần nhắc lại chuyện đó. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước khi còn chưa nói chuyện với cô ấy. Thế là cùng với việc cảm ơn, tôi bắt đầu đan kết mọi thứ vào buổi phỏng vấn của mình, nói về những thứ thực sự ý nghĩa mà tôi quan tâm trong công việc, tôi háo hức ra sao khi sắp được ‘quăng mình’ vào các dự án thú vị như trong mô tả công việc đã đề cập. Cách làm này chính là điều mà một người bạn hoặc phỏng vấn viên cũng đều đánh giá cao.
Qua những điều McCord đã trải qua đó, chúng ta thấy rằng bạn không thể (và cũng không nên) phớt lờ sự thật là đôi bên quen biết nhau. Cố né tránh sự thực hiển nhiên chỉ khiến tình hình càng kém thoải mái hơn cho cả hai. Đây rõ ràng cũng không phải lúc nên ôn lại những buổi tiệc “vui tới bến”, chuyện buồn hay nỗi khó chịu về người bạn chung nào đấy trên Facebook. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đưa cuộc trò chuyện về lại đúng lộ trình mỗi khi nó có vẻ chệch hướng. Càng làm được tốt điều đó, bạn càng có nhiều khả năng xoay chuyển các vấn đề chuyên môn.
Nếu bạn thấy lo lắng đến mức căng thẳng vì sắp phải đối diện với một người biết rõ mình, hãy nhớ rằng, dù chuyện gì đã xảy ra giữa hai người thì bản chất đây vẫn là một buổi phỏng vấn. Đối phương sẽ hiểu rằng bạn đang nghiêm túc thực hiện tất cả những điều cần thiết trong quy trình phỏng vấn, và có lẽ họ sẽ vui hơn khi nhìn thấy một khía cạnh mới về sự chuyên nghiệp trong khi bạn làm việc.
NẾU ĐÓ LÀ SẾP CŨ
Tình huống này có vẻ ổn hơn, bởi vì người này hiểu biết về bạn ít nhiều trên phương diện công việc, và họ quyết định gọi bạn đến phỏng vấn. Dù rằng tín hiệu khá tốt, nhưng cũng cần lưu ý là nó có thể gây ra trở ngại vì chính lý do tương tự: sếp cũ của bạn biết chính xác “làm việc với bạn” sẽ như thế nào. Do đó, nếu hai người đã có một khoảng thời gian dài không gặp, thì bạn đang ở vào vị trí cần chứng minh là bản thân đã tiến bộ bao nhiêu kể từ lần cuối đôi bên còn làm việc với nhau.
Jenni Maier, chủ bút của The Muse, gợi ý bạn nên giữ sự chuyên nghiệp nhưng đồng thời đừng ngại đề cập hoặc nhắc nhở một chút đến quá khứ. Nếu bạn được đề nghị kể về lý lịch, hãy tránh nói dông dài về những giai đoạn mà bạn và sếp cũ đã làm với nhau. Trí nhớ của sếp cũ hẳn là sẽ đủ tốt để không quên những chuyện đã xảy ra, và tốt nhất là không lãng phí thời gian trong trường hợp này.
Thay vào đó, hãy tập trung vào những thông tin họ chưa biết. Sau khi không gặp nhau, bạn đã học thêm kỹ năng nào, đó có phải là những kỹ năng chuyên môn nâng cao hay là những kỹ năng mềm mà 77% nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên không; hoặc đạt được thành tựu mới gì trong công việc gần đây. Đừng dành quá nhiều thời gian để hồi tưởng lại các bản kế hoạch hay chiến dịch lúc xưa từng làm cùng nhau, nên tận dụng triệt để thời gian phỏng vấn để sếp cũ biết bạn đã phát triển thêm thế nào. Và nếu bạn nhận thức được một điểm yếu của bản thân luôn khiến người ấy rất lo lắng, hãy nêu nó ra và thảo luận về cách bạn đã khắc phục.
ĐÓ LÀ NGƯỜI TRONG MẠNG LƯỚI QUAN HỆ CỦA BẠN
Nếu đây là trường hợp của bạn, xin chúc mừng vì bạn là người rất biết cách xây dựng và mở rộng quan hệ. Nhưng cần nhớ cuộc gặp gỡ sắp tới của bạn không là lúc để giao lưu.
Với McCord, những tương tác ban đầu với sếp của cô không phải nói về công việc: “Tôi vừa chuyển đến thành phố mới và đã kết nối với một số người thông qua mạng lưới quan hệ. Và thế là sau tách cà phê ban đầu, khi đã nói về toàn cảnh hoạt động phi lợi nhuận tại địa phương, cô ấy nói rằng sẽ sớm rời bỏ công việc đang làm – và vị trí đó khá tuyệt vời. Tôi đã nộp hồ sơ, rồi vài tuần sau đó, tôi thấy mình đang dự một buổi phỏng vấn với cô ấy. Điều này quả thực có chút vấn đề, bởi gần đây tôi đã dành tận 45 phút trò chuyện vô tư thoải mái với cô ấy về tất cả mọi thứ không-liên-quan-đến-công-việc.”
Có hai bài học rút ra sau chuyện này: Một là bạn luôn cần phải giữ sự chuyên nghiệp khi networking, bởi chúng ta sẽ chẳng biết nó sẽ dẫn đến đâu về sau. Hai là nếu như đôi bên gặp nhau trong buổi phỏng vấn, người này đầu tiên và trước hết sẽ là nhà tuyển dụng, chứ hoàn toàn không phải là người bạn mới sẻ chia tâm sự với bạn qua những ly cocktail vui vẻ.
Như đã nói, không có gì sai khi chúng ta bắt đầu buổi gặp mặt theo kiểu “đuổi bắt”. Tức là liên hệ lại lần cuối cùng bạn gặp đối phương và cảm ơn về những chia sẻ, hướng dẫn cũng như lời khuyên họ đã dành cho bạn. Dùng giọng điệu thân thiện để bày tỏ rằng mình rất vui khi gặp lại, tuy nhiên cần đủ tinh tế để giữ tác phong giao tiếp chuyên nghiệp và tập trung vào nội dung buổi phỏng vấn trước mắt. Sau này, khi nào đã nhận được công việc, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc hẹn nhau để có những buổi cà phê thoải mái hơn.
Khi đề cập đến tình huống dự phỏng vấn với một người quen, điều quan trọng nhất là tìm kiếm sự cân bằng giữa sự thật là hai bên đã biết đến nhau và mối tương tác chuyên nghiệp cần phải giữ từ cả phía ứng viên và nhà tuyển dụng. Sai lầm lớn nhất mà bạn có thể mắc phải chính là quá chủ quan và tự tin rằng mình không cần chứng minh thêm điều gì. Dù phỏng vấn với người quen, hãy cứ chuẩn bị đầy đủ mọi thông tin cần thiết như trong những cuộc phỏng vấn khác mà không nên nghĩ sẽ có bất kỳ ngoại lệ nào.
Tuy nhiên, lợi thế của bạn vẫn còn đó, vì bạn được dự phỏng vấn với người quen. Khi tất cả những bối rối, lúng túng hay dự đoán về đối phương không còn nữa, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để tập trung vào những mục tiêu quan trọng khác và giành lấy kết quả tốt nhất có thể.
>>>> Xem thêm Việc tốt Lương cao
Nguồn hình: Freepik
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :