Giao tiếp nơi công sở, chuyện tưởng dễ nhưng vẫn phải bàn
Lượt xem: 20,764Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Khi làm việc, chẳng hạn quản trị hệ thống, nhập liệu, nhân viên tư vấn,... những mối quan hệ tại công sở có rất nhiều ý nghĩa trong đời sống của mỗi người bởi nếu có thể hoà hợp cùng đồng nghiệp thì một ngày làm việc của bạn sẽ vui vẻ hơn cũng như giúp cho kết quả đạt được trong ngày tốt hơn. Vậy nếu một lúc nào đó bạn nhận ra mình chỉ thường đi ăn trưa một mình hoặc không chia sẻ bất kỳ hoạt động nào cùng những đồng nghiệp khác, có lẽ đó chính là lúc để bạn cùng CareerViet.vn thử tìm hiểu những nguyên tắc xã hội nào trong giao tiếp công sở có thể giúp bạn mở rộng gắn kết hơn tại nơi làm việc, đặc biệt là với những người có tính cách rụt rè hoặc vừa trở thành "lính mới" gia nhập công ty.
CHUYÊN GIA NHẬN ĐỊNH GÌ?
Bà Annie McKee, nhà sáng lập của học viện Teleos Leadership chia sẻ ý kiến: "Là con người, tất cả chúng ta đều cần có sự giao tiếp với nhau, có người ít, có người nhiều nhưng chắc chắn đều không thể ngừng giao tiếp. Thế nhưng, điều khiến tôi giật mình là có rất nhiều người làm việc cùng một tầng trong toà nhà và đã ra vào chạm mặt nhiều lần nhưng chưa từng mở lời chào nhau trong suốt nhiều năm qua". Việc ngại ngần kết bạn nơi công sở đang có xu hướng gia tăng khi mỗi người chỉ biết làm việc của riêng mình và điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định trong việc phát triển bản thân và sự nghiệp. Khi không có những mối quan hệ tốt tại nơi làm việc, mọi người dường như dần mất cơ hội có đi sự hỗ trợ về công việc khi cần giúp đỡ, đồng thời cũng không có được sự hỗ trợ về tinh thần như có ai đó để trò chuyện, nhờ tư vấn hoặc chỉ đơn giản là xả bớt căng thẳng mỗi lúc buồn phiền hay lo lắng.
NGỪNG VIỆN CỚ
Với rất nhiều người mà đặc biệt là những người có khuynh hướng sống hướng nội thì việc kết bạn khá khó khăn cũng như khiến họ thấy không được thoải mái. Họ e ngại việc bị từ chối kết giao, không thích mở lời cho những cuộc nói chuyện xã giao và chỉ muốn tập trung vào đúng chuyên môn khi đến nơi làm việc. Tuy nhiên, điều này thực chất phần nào đang ngăn cản sự phát triển của bản thân bởi chúng ta không thể luôn hoạt động như những cá thể độc lập tại công sở. Chúng ta không thể chỉ ngồi ăn trưa tại bàn làm việc vì ngại tìm một nơi ngồi thoải mái trong khu vực ăn, chúng ta lại càng không thể bỏ ra khỏi phòng họp và chăm chăm nhìn điện thoại để tránh khỏi phải chào hỏi xã giao. Điều chúng ta có thể làm là hãy bắt đầu nhìn nhận lại bản thân và tạo ra những thay đổi nho nhỏ, ví như bắt đầu bằng chuyện giao lưu qua ánh mắt, sau đó tập nói lời chào khi gặp đồng nghiệp bất kể thân sơ.
BẮT ĐẦU VỚI THÓI QUEN NHỎ
Bạn không cần đi khắp văn phòng và chào ầm lên tất cả những ai bạn gặp. Bạn chỉ cần bắt đầu thói quen mở lời với một, hai đồng nghiệp bạn thấy thoải mái trước tiên. Đó nên là những người có tính cách thân thiện và cởi mở một chút và không nhất thiết phải cùng làm chung trong một bộ phận. Quan trọng nhất là đừng chỉ chào hỏi những người bạn cho rằng có lợi cho công việc về sau, thói quen này nên được hình thành một cách tự nhiên và tránh sự giả tạo.
DÀNH THỜI GIAN
Mọi người vẫn hay đổ lỗi do bận rộn quá mà chẳng còn thời gian kết giao. Họ thường ưu tiên xử lý email, kiểm tra điện thoại hơn là dành chút ít thời gian để bước ra khỏi văn phòng một chút và tìm ai đó để nói chuyện. Vì vậy, tốt hơn hết là mỗi người nên nhìn vào lịch làm việc mỗi ngày và để dành khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng buổi trưa để hẹn hò ăn uống, cà phê cùng đồng nghiệp khi có thể.
ĐẶT CÂU HỎI
Nhiều người cho rằng nếu trò chuyện chỉ có hai người với nhau cùng đồng nghiệp mà không phải liên quan đến công việc thì dễ dẫn đến tình huống "chẳng có gì để nói". Vì vậy việc đặt câu hỏi, dù chỉ là những câu hỏi cơ bản trong giao tiếp cũng cần được tập luyện. Ví dụ như: "Sao anh thích làm việc ở đây?", "Bình thường anh hay làm gì vào cuối tuần?", "Dự án mới đây của anh ổn cả chứ?". Mục tiêu của những câu hỏi này không phải là để thoả mãn tính tò mò hay tỏ ra tọc mạch mà là tạo cơ hội để có chủ đề chia sẻ nhiều hơn cho những lần trò chuyện sau.
TẬN DỤNG THỜI GIAN TRƯỚC KHI BUỔI HỌP BẮT ĐẦU
Nếu việc rủ rê ra ngoài ăn trưa hay cà phê làm bạn không được thoải mái lắm, vậy hãy thử tận dụng việc khơi gợi một vài câu chuyện vui vẻ trong lúc chờ cuộc họp bắt đầu. Những chủ đề về chương trình truyền hình tối qua, một vài sự kiện xã hội đang nổi bật hoặc trận bóng hay dịp cuối tuần, bất kể điều gì cũng có thể khiến mọi người có cơ hội biết về bạn nhiều hơn một chút.
HÃY TỰ NHIÊN VÀ THỰC TẾ
Trong mọi giao tiếp nơi công sở, bạn không cần phải gồng mình lên giả vờ thân thiện quá mức hay đổi giọng khiến mọi người cảm thấy giả tạo. Cứ tự nhiên và đơn giản, thể hiện thành ý muốn kết bạn là đã đủ. Ấn tượng đầu tiên nếu bạn tạo ra khiến người khác cảm thấy có gì đó không chân thật thì họ sẽ lưu giữ như vậy về sau, rất khó để sửa chữa hay khiến cho các mối quan hệ có được sự tin tưởng cần thiết. Ngoài ra, những chủ đề bạn nói cũng cần bám sát thực tế. Đừng vờ vĩnh rủ đồng nghiệp "đi đu đưa đi" sau giờ làm nếu bạn thừa biết bạn sẽ phải nhanh chóng về nhà xếp đồ đạc cho chuyến công tác vào ngày mai.
Có những kỹ năng nghe qua tưởng chừng thật cơ bản tại nơi làm việc nhưng lại đòi hỏi mỗi chúng ta phải luôn tìm hiểu cách thức thực hiện sao cho đúng đắn và luôn rèn luyện thường xuyên để trở thành phản xạ tự nhiên, trong đó có cả kỹ năng giao tiếp và kết bạn. CareerViet.vn chúc bạn sẽ ngày càng nâng cấp được bản thân và có được nhiều kết nối giá trị nơi công sở nhé!
>>>> Xem thêm : Việc tốt Lương cao
Nguồn hình: Freepik