Giữ liên lạc với nhà tuyển dụng có khó không?
Lượt xem: 12,756Giả sử kỳ thực tập của bạn sắp kết thúc vào mùa hè và bạn muốn được nhà tuyển dụng để mắt đến cho những cơ hội thực tập khác trong tương lai. Hoặc, ở tầm cao hơn, bạn muốn duy trì mối quan hệ tốt với sếp để có được sự cất nhắc mạnh mẽ vào một vị trí toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.
Có thể bạn chưa từng làm việc cho tổ chức nào đó, nhưng rất yêu thích những điều mình khám phá được về họ và mong muốn có thể trở thành cái tên sáng giá trong tâm trí các nhà quản lý tuyển dụng nơi đó.
Rất nhiều tình huống khác nhau về mong muốn xây dựng cầu nối giữa ứng viên với nhà tuyển dụng tiềm năng có thể liệt kê ra đây. Tuy nhiên, quá trình giữ liên lạc này đôi khi gặp trở ngại. Bạn không muốn sự kết nối kiên trì của mình gây cảm giác phiền hà khó chịu, nhưng bạn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội ghi điểm với đối tượng mình cực kỳ quan tâm.
Mẹo giữ liên lạc chuyên nghiệp
Điều quan trọng là bạn nhận ra ý nghĩa đằng sau những lời khuyên dưới đây: Vị trí của bạn là người có nhu cầu và vị trí của đối phương là người có quyền lực. Vậy nên hãy khéo léo khiến cho mọi thứ dễ chịu nhất đối với người bạn muốn giữ liên lạc.
CareerViet.vn chia sẻ 5 lời khuyên giúp bạn xây dựng mối quan hệ một cách chuyên nghiệp và luôn tồn tại trong tâm trí nhà tuyển dụng:
- Tìm ra kênh giao tiếp tốt nhất. Nếu trước đây bạn từng làm việc với một người quản lý, hy vọng bạn có thể đo lường được đâu là kênh tốt nhất để giao tiếp với họ. Có thể thông qua email, điện thoại, LinkedIn, Skype, hay thậm chí là Facebook, Viber… Hoặc có thể là họ thích gặp gỡ trực tiếp hơn.
Nếu đó là một người chưa quen biết nhiều, email có lẽ là lựa chọn tốt nhất để bắt đầu. Khi sử dụng phương thức này, bạn nhớ đừng quên 5 quy tắc tối quan trọng khi giao tiếp với nhà tuyển dụng nhé. Sau đó, bạn có thể nói về việc hẹn gặp mặt trực tiếp, một khi họ thể hiện trước sự quan tâm và hứng thú đưa ra những phản hồi hoặc chỉ dẫn cho bạn.
- Súc tích và tập trung vào trọng điểm. Dựa trên phỏng đoán rằng, bất cứ người nào mà bạn muốn giữ liên lạc đều cũng rất bận rộn. Lời khuyên là bạn không nên gửi đi một email dài hơn 5 câu. Bên cạnh đó, bạn cũng được gợi ý duy trì tất cả những cuộc điện thoại hoặc gặp gỡ trong vòng tối đa 30 phút. Hoàn toàn ổn khi bạn đề nghị được trò chuyện khoảng 15 phút sau khi đã tham khảo lịch làm việc mà đối phương cho phép.
- Phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn. Đừng lúc nào cũng ích kỷ nghĩ đến bản thân trong quá trình giao tiếp, bằng cách chỉ luôn hỏi khi nào sẽ có cơ hội việc làm tiếp theo và liệu họ có thể giúp gì cho bạn. Hãy cập nhật cho sếp hoặc đồng nghiệp cũ về cuộc sống hiện tại, những diễn biến mới của mình. Kể họ nghe về những hoạt động mới mẻ, những thành tích, những điều thú vị bạn đang làm.
Đồng thời, thắt chặt hơn mối quan hệ bằng cách thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của đối phương. Hỏi xem công việc của họ tiến triển thế nào, bạn có thể hỗ trợ thêm điều gì không, và chúc mừng nếu công ty của họ giành giải thưởng hay gặt hái nhiềuthành công. Những điều nhỏ bé thế này có thể giúp đôi bên cùng nhau đi quãng đường rất dài.
- Tiếp cận từ 2 đến 3 lần mỗi năm. Hãy tránh lạm dụng các hình thức giao tiếp này đến mức làm giảm đi cơ hội. Nên nhớ rằng, những người rất bận rộn này đang giúp bạn bằng cách duy trì mối liên hệ tích cực, chứ không phải ngược lại.
Vì vậy, 2- 3 lần cập nhật là đã đủ để thu hút sự quan tâm, trao đổi thông tin và duy trì mối quan hệ lành mạnh. Nếu bạn có tâm tư hơn nữa, hãy tìm hiểu một chút về xu hướng tuyển dụng theo mùa, bởi nhiều người đã vận dụng khá hiệu quả lý thuyết này. Gửi email cho các nhà tuyển dụng tiềm năng vào trước mùa thu và mùa xuân để ngụ ý nhắc nhở họ đừng quên một ứng viên tốt như mình là ý tưởng hay.
- Đừng “qua sông phá cầu”. Bất kể trong công việc quá khứ, bạn đã từng bị sếp trả lương thấp, bị giao nhiệm vụ vất vả, hay đối xử chưa hợp lý ra sao, đừng tự mình phá hỏng hết mọi cơ hội chỉ vì nghĩ rằng “tôi không bao giờ cần đến người này nữa”. Bởi có thể bạn sẽ cần họ trong tương lai, và nếu mối quan hệ cực kỳ xấu thì chẳng khác gì bạn đã tự hại mình rồi. Thêm vào đó, bạn không kiểm soát được tình huống, khi chẳng may ngày nào đó, họ xuất hiện trở lại trong tư cách một người quyền lực nắm giữ sức mạnh ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đường dài của bạn.
Những lợi ích networking mang lại
Đôi khi bạn có cảm giác rằng việc giữ liên lạc với sếp hay đồng nghiệp cũ, các chuyên viên nhân sự hay nhà tuyển dụng từng gặp gỡ sẽ chẳng mang lại kết quả gì, chỉ lãng phí thời gian? Hoặc, bạn tin rằng các công ty sẽ đánh giá cao sự quan tâm nhiệt tình với vị trí tuyển dụng và các nỗ lực khác của mình thì họ sẽ đặt tên bạn lên đầu danh sách phỏng vấn trong tương lai?
Đơn giản là chúng ta không thể biết trước những điều tốt đẹp sẽ có thể xảy ra nhờ việc xây dựng và gắn kết liên tục với mạng lưới mối quan hệ nghề nghiệp.
Nhưng điều chúng ta biết là dành ra 15 phút để soạn rồi gửi đi một email ứng tuyển mà không đoán được kết quả ra sao luôn có chút may rủi, khi so sánh với phần thưởng mà bạn có thể nhận lại được là một công việc nhờ biết cách liên tục giữ kết nối.
Bạn cũng sẽ không bao giờ biết những kết nối này sẽ dẫn đến điều gì trong tương lai. Có thể đó chính là công việc mơ ước?
Nguồn hình: Freepik