Kinh doanh hàng cao cấp tự làm mới mình
Lượt xem: 13,087Trước dự báo của Hãng Đầu tư và Chứng khoán Merrill Lynch về sự suy giảm doanh số hàng cao cấp tại thị trường Âu Mỹ trong vòng 10 năm tới, các hãng sản xuất và kinh doanh đồ xa xỉ đang đưa ra những chiêu tiếp thị mới nhằm thu hút khách.
Xu hướng chung là chú trọng nâng cấp dịch vụ, khiến khách hàng thấy mình đang trở nên... độc đáo, giống như "sao của các sô diễn". Dịch vụ cực tốt, để ý tới từng chi tiết trong ứng xử với "thượng đế", và những cách thức hấp dẫn sao cho người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao là chiêu mà nhà sản xuất hàng tiêu dùng xa xỉ đang hướng tới hiện nay.
Trường hợp Celux Club - câu lạc bộ "đẹp như mơ" nằm trong toà nhà Omotesando ở Tokyo, chuyên bán đồ Louis Vuitton - là ví dụ. Ngoài những mặt hàng mới nhất mang nhãn Louis Vuitton, với lệ phí 2.000 USD, hội viên câu lạc bộ còn có thể quơ những đồ mang các nhãn hiệu hàng đầu khác, vốn chỉ được làm với số lượng ít. Nhưng mua sắm chỉ là "chuyện nhỏ", vài tháng nay hội viên Celux được mời ăn trưa có rượu sake hảo hạng, xem phim Star War phần mới nhất trước cả tuần so với lúc nó được chính thức khởi chiếu ở Nhật Bản...
Còn Prada thì có cách mới để quảng cáo các sản phẩm thời trang sang trọng của mình. Loại nước hoa mới của Prada được lăng xê trong một phim ngắn của đạo diễn Ridley Scott. Tháng 5, trong một chương trình lăng xê thời trang mới tại Thượng Hải (Trung Quốc), hãng này thuê khách sạn Peace, rồi bỏ màn trình diễn trên sàn catwalk mà mọi hãng thời trang đều làm. Phong cách mới của Prada là "trưng" chúng tại sảnh, trên cầu thang, và cả trong các phòng nghỉ của khách sạn. Màn tiếp thị như triển lãm này làm dư luận xôn xao, nhưng theo lời Chủ tịch Hội đồng quản trị Prada Patrizio Bertelli nó là cơ hội để Prada tiếp xúc với không chỉ những người trong giới thời trang, mà cả những nhà quản lý, giới truyền thông, giới kinh doanh, và các chính trị gia.
Còn Hãng Boucheron lại có cách khác. Khi khai trương cửa hàng mới của mình tại Thượng Hải, Boucheron mời 30 người giàu nhất thành phố đến dự một bữa tiệc trưa toàn món ăn Pháp, gồm... 10 công đoạn và kéo dài tới 4 giờ. Một số hãng lại kết hợp với nhau để có những chiêu thức câu khách mới - như hàng hiệu Armani (hãng có chuỗi cửa hàng lớn ở khắp nơi trên thế giới) được đưa vào khách sạn của... Hãng kim hoàn Bulgari và ngược lại.
Việc mua sắm hàng cao cấp ngày càng đậm chất giải trí hơn. Ở nhiều nơi, thượng đế được thư giãn trong những khuôn viên mang không khí triển lãm nghệ thuật, nơi họ có thể mua bán trao tay những thứ như... ôtô, sân bay, hoặc cả một hòn đảo... Khách vào Omotesando ở Tokyo có thể ngồi gác cao chân trong phòng VIP và thư giãn với champagne. Ở Nhật Bản, nơi văn hoá tiêu dùng phát triển nhất thế giới, shop của các nhà thiết kế thời trang cũng là địa điểm du lịch với những thứ khiến khách mê đắm, tựa như ở Bảo tàng nghệ thuật Hermes trên nóc cửa hàng ở khu Ginza (Tokyo) vậy. Đến như Milton Pedraza - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng nghiên cứu thị trường Luxury Institute - còn nói: "Tôi định chi vài nghìn USD để mua sắm vài thứ. Tôi muốn có những trải nghiệm kỳ thú!". Với những chiêu đón mời khiến những tay chơi giàu có còn mê mẩn, thì chắc hẳn những người không nghèo lắm lại càng háo hức.
Vì nhiều nguyên nhân, ngày càng có nhiều người có thể tiếp cận với hàng tiêu dùng cao cấp. Pedraza nói: "Tôi mường tượng đến ngày ai cũng được chào mời dùng đồ xa xỉ. Các hàng hoá loại này hiện đang có chiều hướng xuống giá". Tất nhiên, có những đồ xa xỉ tăng giá theo thời gian, như đồ trang sức gia truyền, y phục cổ... Nhưng khi mà thế giới đang trở nên nhỏ hơn, thì giá trị của mọi thứ đều co lại. Và điều thú vị khách hàng có được là trải nghiệm những cơ hội mạo hiểm, khám phá, khi mua sắm hàng cao cấp.