Kinh nghiệm nộp hồ sơ vào ĐH ở Anh
Lượt xem: 30,215Làm thế nào để apply (nộp hồ sơ) vào các trường ĐH ở nước ngoài là băn khoăn của nhiều học sinh, sinh viên có mong muốn đi du học. Bạn Trần Thị Mỹ Linh, sinh viên ĐH Cambridge chia sẻ kinh nghiệm apply vào ĐH ở Anh.
Chọn ngành học và trường học
Chuẩn bị cho việc đi du học, bạn cần tham khảo các bảng xếp hạng các trường ĐH trên các báo để biết chất lượng đào tạo và tiêu chuẩn đầu vào của các trường. Nên lựa chọn theo sức học của mình và theo lời khuyên của thầy cô.
Có thể bạn chỉ apply một ngành duy nhất ở nhiều trường hoặc apply nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên các ngành mình chọn phải liên quan đến nhau (Ví dụ ngành kinh doanh và kế toán, luật và chính trị…)
Chọn địa điểm phù hợp (thời tiết, giá cả sinh hoạt, phương tiện giải trí, đời sống sinh hoạt của cộng đồng sinh viên trong trường, chất lượng phòng ở…)
Để tìm hiểu thông tin cụ thể, nên tham dự các buổi Open days (ngày giới thiệu về trường) do các trường tổ chức hoặc liên hệ với cộng đồng sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường.
Chú ý: một số ngành và trường có yêu cầu đặc biệt (Ví dụ để apply vào ngành luật phải thi kỳ thi luật tổ chức hàng năm, để apply vào ngành y hoặc apply vào các trường ĐH Cambridge, Oxford cần phải đi phỏng vấn).
Chuẩn bị hồ sơ UCAS
Thí sinh nộp một bộ hồ sơ UCAS (Universities and Colleges Admissions Services) cho sáu trường ĐH. Thông tin điền trên UCAS phải chính xác, đầy đủ. Chú ý thời hạn nộp đơn UCAS, nộp càng sớm càng có lợi bởi sẽ sớm nhận được thư trả lời của các trường.
Phần quan trọng nhất trong UCAS là personal statement (giới thiệu bản thân) bởi nó là thứ duy nhất phân biệt bạn và những người khác.
Khi viết personal statement, phải biết khai thác triệt để các thế mạnh của mình, không chỉ trong việc học mà trong cả các hoạt động xã hội và năng khiếu bẩm sinh. Cần dành ít nhất hai tuần để viết và chỉnh sửa personal statement. Sau khi viết nên nhờ giáo viên xem lại và góp ý.
Personal statement cần có ý tứ và bố cục rõ ràng, không nên viết quá ngắn hoặc quá dài. Nên có một strong conclusion (kết thúc đặc biệt) nhằm để lại ấn tượng cho người đọc.
Trong personal statement nên bao gồm những phần sau:
- Lý do mình chọn ngành học này (Vì truyền thống gia đình? Vì yêu thích? Vì muốn thành người tiên phong trong lĩnh vực này?) (không nên nói chọn ngành học vì nó phổ biến, dễ kiếm tiền…).
- Quá trình học tập từ trước đến nay ở Việt Nam và ở Anh. Bạn có thể nói lý do vì sao muốn tiếp tục theo học ĐH ở Anh chứ không phải ở các nước khác. Nên nói về những môn ưu thế của mình và các thành tích, giải thưởng đã đạt được.
- Những hoạt động ngoại khoá: thể thao, công tác tình nguyện, công việc bán thời gian, sở thích đặc biệt. Chú ý nêu ra những điều mình học được từ các hoạt động này.
- Những kỹ năng/năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ, nghệ thuật… mà mình mong muốn phát triển ở ĐH. Những điều mình muốn cống hiến cho trường trong thời gian học.
- Dự định tương lai: học tiếp hay đi làm. Ý nghĩa của quá trình học ĐH với chặng đường phát triển sau này.
- Một điểm nhấn đặc biệt để phân biệt statement của mình với người khác.
Chuẩn bị phỏng vấn (nếu có) (bắt buộc nếu apply vào ngành y hoặc hai trường ĐH Oxford/Cambridge).
Những lưu ý khi nộp hồ sơ và phỏng vấn:
- Phải chuẩn bị một bộ hồ sơ riêng cho hai trường Oxford/Cambridge, tuy nhiên chỉ được chọn một trong hai trường. Chú ý: hạn nộp hồ sơ cho hai trường thường kết thúc rất sớm (15/10)
- Hệ thống trường Oxford/Cambridge gồm khoảng 30 college nhỏ, mỗi college là một trường riêng, hoạt động độc lập. Mỗi college thường có ưu thế về một số ngành cụ thể. Khi nộp đơn, bạn có thể chọn một college cụ thể hoặc để open choice (lựa chọn mở - trường tự lựa chọn college cho mình), tuy nhiên nên chọn trước college để có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.
Việc chọn college dựa trên nhiều tiêu chuẩn như thứ tự của college trong bảng xếp hạng, vị trí địa lý, cơ sở vật chất, điều kiện đầu vào, tỷ lệ sinh viên quốc tế, khả năng xin học bổng, môi trường sinh hoạt…
- Interview (phỏng vấn) là bắt buộc, một số ngành đòi hỏi phải nộp thêm bài luận (chuẩn bị sẵn ở nhà) hoặc thi TSA (Thinking Skills Assessment - Bài trắc nghiệm kiểm tra khả năng tư duy).
- Cần chuẩn bị kỹ personal statement cho phần general interview (phỏng vấn chung). Để chuẩn bị cho phần specific interview (phỏng vấn chuyên ngành), bạn cần nắm vững phần kiến thức A-level đã học một cách có hệ thống. Tuy nhiên, nên đọc thêm một số sách tham khảo ở ngoài để có kiến thức chuyên sâu hơn.
Với môn kinh tế, bạn cần biết thêm các sự kiện kinh tế đang diễn ra, biết cách phân tích, đánh giá vấn đề và đưa ra nhận xét của mình.
Bạn có thể tranh luận và đặt câu hỏi ngược lại với người phỏng vấn nếu không đồng tình với ý kiến của các thầy, tuy nhiên nên có thái độ tiếp thu tích cực ý kiến của mọi người. Có thể có một số câu hỏi khó để kiểm tra khả năng tư duy suy nghĩ và giải quyết vấn đề của thí sinh. Chú ý: không có câu trả lời nào là hoàn toàn chính xác, vì phần kiến thức học ở A-level không đủ để trả lời các câu hỏi một cách hoàn hảo.
Khi vào phỏng vấn nên chú ý trang phục, tác phong, cách trả lời, body language (ngôn ngữ cơ thể)… sao cho cảm thấy tự tin và thoải mái về tinh thần. Trước khi vào phỏng vấn nếu thấy quá căng thẳng có thể đem theo một quyển sách để đọc hoặc dành thời gian dạo quanh trường và nói chuyện với các sinh viên năm trước.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :