Mở lời với sếp chuyện thuyên chuyển
Lượt xem: 7,927Bạn muốn chuyển sang một bộ phận khác để phát triển hoặc chí ít là có môi trường làm việc phù hợp hơn? Nếu bạn đã tìm ra vị trí phù hợp, cũng như có "cửa" để làm điều đó, đừng ngại mở lời với sếp hiện tại.
Chúng ta thuyên chuyển sang bộ phận khác không nhất thiết do không hài lòng với công việc hiện tại. Vì ai cũng nên có cơ hội mở rộng, đổi mới hành trình sự nghiệp, thăng tiến và đa dạng hóa lĩnh vực nghề nghiệp. Nhưng từ lúc nhìn ra cơ hội đến khi hiện thực hóa và được sếp hiện tại chấp nhận là cả một quá trình.
Hãy giúp sếp đón nhận tin bạn thuyên chuyển một cách dễ chịu
1. Đọc kỹ quy định nội bộ
Công ty của bạn có quy định, chính sách về việc thuyên chuyển không? Ví dụ: số năm tối thiểu trước khi chuyển bộ phận. Bạn nên biết rõ điều đó trước khi có bất kỳ động thái công khai nào về việc thuyên chuyển, để tránh việc vừa không được chuyển sang một nhóm khác vừa bị mắc kẹt với một vị sếp biết rằng bạn đang ‘nhấp nhổm’ rời đi. Ngoài ra, hãy làm rõ một lần nữa các vấn đề xung quanh chuyện thuyên chuyển với bộ phận nhân sự trước khi nói chuyện với sếp trực tiếp. Ít nhất, bạn sẽ có một kế hoạch kỹ lưỡng thay vì một yêu cầu phi thực tế.
2. Nâng cấp CV của bạn
Khi bạn ‘ngắm nghía’ vị trí nào đó trong công ty, hãy chắc chắn rằng bạn đáp ứng được các kỹ năng quan trọng cũng như hiểu về yêu cầu công việc mà bộ phận đó đang tìm kiếm từ ứng viên. Sau đó, rà soát các kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp của bạn. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ đại diện bên tuyển dụng, người có kinh nghiệm trong ngành, hoặc các kênh liên hệ của CareerViet để được kiểm tra và đảm bảo rằng CV của bạn đã tối ưu.
Việc nâng cấp CV cũng giúp bạn thấy được khoảng cách giữa kỹ năng sẵn có với các yêu cầu của công việc mới. Hãy lên kế hoạch để tự đào tạo, thu hẹp khoảng cách đó càng nhiều càng tốt trước khi nộp đơn xin việc. Điều này càng có ích nếu được người tuyển dụng hỏi đến trong cuộc phỏng vấn xin việc.
3. Tận dụng mạng lưới nội bộ
Bạn cần nhạy bén khi tận dụng các mối liên hệ trong công ty. Chỉ đọc bản mô tả công việc thôi không đủ, mà nói chuyện với ai đó cấp cao trong bộ phận đó mới giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa làm việc và kỳ vọng với vị trí đó. Có nghĩa là để tìm hiểu cơ hội mới, cần hòa nhập với các đồng nghiệp ở các bộ phận khác từ sớm.
Mạng lưới thông tin nội bộ giúp bạn nhiều hơn bạn tưởng
Ngoài ra, bạn còn có cơ hội tiếp thị bản thân cho các sếp tiềm năng trước cả khi bắt đầu phỏng vấn! Mạng lưới nội bộ cũng là nơi để bạn cập nhật những tin tuyển dụng quan trọng trước cả khi chúng được công khai.
4. Làm rõ với sếp hiện tại
Đừng im lặng cho đến khi ra đi hoặc có biểu hiện cho thấy việc thuyên chuyển là bởi không hài lòng với sếp hiện tại. Bạn cần làm rõ lý do bạn tìm kiếm sự thay đổi trong sự nghiệp, ví dụ: đóng góp được nhiều hơn cho nhóm mới bằng chuyên môn kỹ thuật, cũng là là lợi ích tốt nhất cho công ty. Nhớ nói rõ lời cảm ơn về kinh nghiệm bạn có được từ bộ phận hiện tại.
Ngay cả khi bạn không hài lòng với người quản lý, cũng đừng công khai điều đó. Hãy để mọi chuyện diễn ra yên ổn cho đến khi bạn được phép chuyển bộ phận.
5. Đề nghị đào tạo người nhận bàn giao
Khi bạn yêu cầu thuyên chuyển nội bộ, về cơ bản là đang khiến sếp của mình rơi vào tình thế phải tìm kiếm nhân sự thay thế bạn trong thời gian tiếp theo. Để kế hoạch diễn ra yên ổn, hãy đề xuất kế hoạch bàn giao và đào tạo người thay thế trước khi rời đi. Ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải làm thêm giờ để vừa hoàn thành các công việc hiện tại, vừa đào tạo người thay thế thì vẫn đáng. Không có gì sai khi yêu cầu chuyển việc, nhưng bạn vẫn nên lưu ý đến cảm xúc của người khác trong quá trình này.
Nhìn chung, bạn cần tế nhị, lịch sự và hiểu rõ về quy trình khi hành động. Dù sao, một nhân sự có trách nhiệm vẫn được đánh giá cao trong tập thể hơn là một người ‘qua sông chặt cầu’.