Những điều cần quan tâm khi đi du học
Lượt xem: 13,703Theo đánh giá sơ bộ của Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) hiện có khoảng 38 nghìn du học sinh (DHS) Việt Nam ở nước ngoài (kể cả diện học ngắn hạn sáu tháng), trong đó, khoảng 65% là DHS tự túc. Hiện nay, quản lý DHS tự túc còn rất nhiều "lỗ hổng". Vì thế, các phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ trước khi cho con đi du học.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều người Việt Nam đi du học ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đó cũng là điều hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Việc du học nước ngoài cũng là một lối mở quý giá để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế tri thức trong khi khả năng đào tạo trong nước còn hạn chế. Du học cũng tạo điều kiện để con người mở mang tầm nhìn, mở mang kiến thức hiểu biết về thế giới, có nhiều hơn khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa và kho tàng tri thức của nhân loại.
Thực tiễn của hướng đi này trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với đào tạo trong nước, song, cũng cần có ngay những biện pháp chấn chỉnh đúng hướng, nhất là trong cung cấp thông tin; hướng dẫn, phân luồng trong lựa chọn ngành nghề; quản lý du học sinh; tạo công ăn, việc làm sau khi tốt nghiệp để tránh những lãng phí lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chảy máu chất xám.
Từ năm 2000, ta mới có trở lại số DHS đi học bằng ngân sách Nhà nước. Mỗi năm, xã hội đầu tư cho việc du học (dưới mọi hình thức) khoảng 250 triệu USD. Ngoài khoảng 35% số DHS đi theo diện ngân sách Nhà nước, còn lại 65% số DHS đi học chủ yếu là qua các công ty tư vấn.
Thực tế hiện nay cho thấy, trong quản lý DHS tự túc còn rất nhiều "lỗ hổng". Tuy số lượng DHS hằng năm khá nhiều, nhưng Vụ HTQT Bộ GD-ÐT thì nói rằng, họ không hề nắm và quản lý số DHS tự túc đi và tốt nghiệp về nước. Chính vì thế, quyền lợi của DHS thường không được bảo vệ khi ra nước ngoài, không ai biết là liệu các DHS có thể bị đưa vào học tại các trường kém phẩm chất, chất lượng hay không?
Các công ty tư vấn cho biết, các ngành được DHS quan tâm nhiều là: kinh tế, quản trị kinh doanh, tin học, thương mại, tài chính... nhưng rất ít người lựa chọn các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, môi trường, sinh học, chế tạo máy, khoa học xã hội, tâm lý... mà hiện nay nhu cầu sử dụng khá cao. Số DHS tự túc nằm ngoài quy hoạch đào tạo của Nhà nước, vì thế việc phân bổ ngành nghề, bố trí việc làm sau khi ra trường cũng hoàn toàn phải "tự thân vận động" như khi đi.
Cùng với những yếu kém trong chính sách sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực đã qua đào tạo, việc sử dụng nhân tài... hiện nay khá phổ biến xu hướng DHS học xong ở lại hoặc đi các nước khác tìm việc làm. Nhiều người tốt nghiệp loại giỏi nhưng khi về nước trầy trật xin việc, hưởng lương không cao đành phải "khăn gói" ra đi.
Hiện nay, số lượng các công ty tư vấn du học khá nhiều. Theo vụ HTQT Bộ GD-ÐT thì tuy Bộ chỉ mới cấp giấy phép cho 25 đơn vị, nhưng theo thống kê sơ bộ thì có khoảng gần 300 đơn vị, trung tâm đang hoạt động trên lĩnh vực này. Tuy nhiều như vậy, nhưng các chuyên gia Việt
Một trong những tiêu chí để nhận diện dịch vụ du học theo đúng nghĩa là các trung tâm tư vấn phải bảo đảm cho DHS từ khâu chuẩn bị hồ sơ, đưa đi rồi theo dõi quá trình học chứ không chỉ làm xong visa là hết trách nhiệm. Các khoản phí cũng phải được họ thông báo rõ ràng ngay từ đầu, các điều khoản của hợp đồng cũng cần minh bạch, không nèo thêm các khoản phụ thu, đặt cọc... về sau. Những trung tâm nào thường quảng cáo "bảo đảm 100% được cấp visa, được tuyển và đi học đạt kết quả..." không cần đến kết quả học tập cao ở trường và trình độ ngoại ngữ... là các công ty lừa.
Cha mẹ HS cũng cần biết rằng, tiêu chuẩn lựa chọn đi du học các nước, nhất là các nước phát triển rất khó. Phương pháp học tập của các trường nước ngoài tuy không căng thẳng về thời gian, về cường độ, nhưng đòi hỏi tính độc lập, tự giác, sáng tạo của HS rất cao. Nếu con, em mình quá được nuông chiều, lười biếng, học yếu, thiếu tự lập, lại bươn chải trong môi trường giáo dục yêu cầu cao sẽ rất dễ chán nản, vô kỷ luật, hư hỏng. Không ít gia đình đã phải đau khổ, chịu cảnh "tiền mất, tật mang" vì những "công chúa, hoàng tử" quậy phá.
Không nên coi du học là một giải pháp "thần diệu" đổi đời, đổi tính cho con cái mình, miễn là cha mẹ chỉ chu cấp tiền. Năng lực tài chính chưa phải đã là chìa khóa du học thành công, muốn vượt qua cửa ải visa và để quá trình du học có kết quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Việc cần quan tâm trước tiên, nhất là để có cơ hội học bổng và tiếp thu được đầy đủ kiến thức là phải bồi dưỡng ngoại ngữ. Nhưng, cái cốt lõi của vấn đề vẫn là kiến thức học văn hóa ở trường phổ thông. Phải rèn luyện cho các em ngay từ những lớp dưới, đặc biệt là hình thành tính tự lập, ý thức tự giác cao. Sẽ không thừa nếu cha mẹ sớm định hình ngành nghề, nước dự định đi du học và cung cấp những hiểu biết tối thiểu về giao tiếp, phong tục, tập quán.
Chuẩn bị chu đáo hành trang cho con cái khi lên đường cũng rất cần thiết bởi đứa trẻ chuẩn bị bước sang một ngưỡng mới, bước vào con đường tự lập, xa gia đình, quan tâm chu đáo bao nhiêu, tình cảm của người thân dành cho chúng nhiều bao nhiêu sẽ giúp chúng tự tin, có nghị lực hơn vượt khó khăn; bay cao, bay xa hơn trên đường đời.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :