Phải đi ngược người đang đi

Lượt xem: 12,188

Giám đốc công ty mỹ thuật Gia Long - Trần Việt Tiến cho rằng, là doanh nhân không thể chấp nhận sự nản chí, cho dù với 5 năm khởi nghiệp, chàng trai 32 tuổi này đã trải qua những ngành nghề thuộc loại xương xẩu, có lúc phải tính chuyện bán nhà để trụ lại trên thương trường.

Phải đi ngược người đang đi
Phải đi ngược người đang đi

Tự nhận mình là người thích khai phá, nên Tiến không ngần ngại đi vào những lĩnh vực kinh doanh thuộc loại hóc búa. Khởi đầu với ngành in ấn các ấn phẩm quảng cáo cho doanh nghiệp, lúc ấy ngành này đã cạnh tranh khá gay gắt, nhưng trong mắt Tiến đấy vẫn còn dư địa với tỉ suất lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, ngay lần đầu tập tễnh làm ông chủ này, anh đã nếm mùi thua lỗ. Tiến kể: "Cứ tưởng mình sẽ tìm cách đầu tư máy móc thiết bị rẻ, ai dè mang về lô máy không đồng bộ, lại không có phụ tùng thay thế... Càng làm nó càng bộc lộ kém hiệu quả". Gần hai năm sau, doanh nghiệp của Tiến mới hoạt động ổn định. Nhưng đấy cũng là lúc thị trường in ấn gần như đã bão hoà, đối thủ tham gia vào ngành ngày một đông, cạnh tranh ngày càng lớn. "Tôi lại ngồi vò đầu vắt óc để tìm cho mình một hướng mới", Tiến bộc bạch.

Trao đổi với bạn bè, Tiến nắm được, ngành thiết kế sản phẩm trong nước hầu như chưa phát triển, đa số doanh nghiệp thường làm gia công theo mẫu đặt hàng của khách hoặc copy mẫu sẵn có trên thị trường. Tiến nghĩ xa hơn, khi hội nhập, tình trạng copy kiểu dáng sẽ không còn và doanh nghiệp ngày càng muốn có "cái tôi" (ví như sản phẩm được thiết kế theo ý đồ của doanh nghiệp) thì ngành này sẽ nhiều cơ may "đổi đời". Thế là công ty mỹ thuật Gia Long ra đời với chuyên ngành là thiết kế công nghiệp. Nhưng đây là ngành quá mới mẻ ở Việt Nam, nên Gia Long rất khó thuyết phục khách hàng đến với dịch vụ của mình. "Nhiều công ty còn chưa có khái niệm về thiết kế công nghiệp là gì, trong khi thị trường vẫn dễ dãi với hàng nhái, hàng copy... Nên người ta đến thử nhiều hơn làm", Tiến tâm sự.

Sau nhiều tháng thử nghiệm, Tiến quyết định lựa chọn để Gia Long đi theo phân khúc hẹp hơn: thiết kế và sản xuất quà tặng doanh nghiệp mà anh gọi đó là quà tặng nhãn hiệu - chuyên phục vụ cho thị trường quảng cáo của các doanh nghiệp.

Thực tế đã có những công ty cung cấp quà tặng doanh nghiệp, nhưng đó chỉ là những sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, đa số là hàng nhập từ Trung Quốc, không có nét riêng của doanh nghiệp, chỉ khác nhau là logo, thương hiệu của doanh nghiệp được in hoặc dập trên sản phẩm. Nhưng với sản phẩm của Gia Long phải đáp ứng yêu cầu về nét riêng của doanh nghiệp đặt hàng. Chẳng hạn một sản phẩm văn phòng phẩm để bàn có hình chú gấu nâu với kiểu dáng phát triển từ hai chữ IQ sẽ dễ dàng liên tưởng đến một sản phẩm sữa cụ thể; hoặc mặt chiếc đồng hồ là một lát chanh vàng tươi, mọng nước sẽ là thông điệp của một hãng cung cấp loại xà phòng giặt hương chanh... Ở lĩnh vực mới này, Gia Long hầu như không có đối thủ, nhưng vẫn có lần con thuyền doanh nghiệp này phải chòng chành. Tiến kể: "Năm 2003, Gia Long bắt đầu với ngành quà tặng doanh nghiệp, chỉ sau ít tháng, đơn đặt hàng tăng lên dồn dập. Thấy việc nhiều càng ham, Tôi đẩy đầu tư vào nhà xưởng sản xuất và nhân sự, thậm chí tính cả chuyện đón đầu cho bước phát triển mạnh hơn trong những năm sau. Thật không may, đợt tăng đơn đặt hàng chỉ có tính chất mùa vụ nên ngay sau khi chúng tôi đầu tư, nhu cầu khách đặt hàng trở lại nhịp độ bình thường. Thế là chi phí tăng lên rất nhiều lần, mà đầu ra vẫn chẳng thấm vào đâu. Bạn bè góp vốn thấy khó khăn xin rút lui. Lúc ấy tôi đã tính chuyện bán ngôi nhà của mình mấy năm trước tích cóp mua được. Nhưng cũng may là một số anh em, người thân cho mượn tiền, nên vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của Gia Long mà không dùng hạ sách kia".

Tại sao thấy khó mà cứ lao vào? Tiến trả lời: "Khi mới ra lập nghiệp, tôi nói với gia đình, "tuổi trẻ như tụi con nếu không làm ăn thì rảnh rỗi chỉ biết đi chơi, ăn nhậu và tất nhiên hệ quả thì ai cũng biết". Còn vì sao lại chọn những ngành khó gặm, tôi chỉ nghĩ, muốn làm được có khi phải đi ngược người đang đi. Mình ra đời sau thì phải tìm cho được nét riêng, làm những cái mà người đi trước chưa làm. Nên có những ngành kinh nghiệm - cái mà người ta hay cho rằng lớp người trẻ chúng tôi thiếu, chưa hẳn là ưu thế. Như những ngành mới ở Việt Nam chưa có, ngành đòi hỏi sự sáng tạo chẳng hạn...".

Vạn sự khởi đầu nan, lại còn đi vào ngành nghề hoàn toàn mới. Với Tiến, đó như là điều tất yếu của người khởi nghiệp. Anh tâm sự, phải chấp nhận như vậy, bởi doanh nghiệp đi trước đã có nhiều ưu thế, họ có thương hiệu. Hơn nữa, để chiến đấu được với hàng sản xuất hàng loạt, giá rẻ của Trung Quốc, cần tìm cho mình một lối đi riêng, sản xuất ra những hàng độc, đáp ứng nhu cầu "không đụng hàng".

Có lẽ là hăng quá mà có lúc chàng giám đốc trẻ này đã không kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp mình, nên có câu chuyện thất bại như vừa kể. Nhưng Tiến cho rằng: "Thất bại là dịp để mình nhìn lại, tìm cách làm phù hợp hơn. Tôi đã tinh giảm nhiều công đoạn, nguồn nhân lực đến lúc này đã thu gọn gần bằng một nửa trước đây, dù công việc đã tăng lên khá nhiều. Dù sao tôi vẫn nghĩ có thử thách nhiều, va chạm nhiều thì mới mau chóng tích luỹ được kinh nghiệm. Nên nói cách nào đó, cái hăng máu của tuổi trẻ lại là ưu điểm".

Phục hồi và mức độ nào cũng đang trên đà ăn nên làm ra, liệu anh có tiếp tục khí thế của người trẻ tăng quy mô Gia Long một lần nữa hay chơi cơ thủ cho chắc? Tiến khẳng định chắc nịch: "Tiếp tục chứ. Ai làm ăn mà không muốn phát triển! Nhưng lớn thuyền thì lớn sóng. Tôi không sợ thua lỗ, thậm chí có mất trắng thì mình sẽ làm lại từ đầu. Qua một số lần thất bại, thực sự cũng có lúc tôi buồn, chứ không thể có chuyện nản chí. Bây giờ tính đến phát triển thì trước tiên là phải tăng đội ngũ quản lý, để tạo sự chắc chắn và ổn định hơn. Còn lĩnh vực sẽ không mở rộng như trước mà sẽ đi vào chiều sâu".

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay