Suỵt, tôi chỉ kể mỗi bạn biết thôi đấy!

Lượt xem: 43,179

 

Suỵt! Đừng kể ai nghe nhé, tôi chỉ nói mỗi bạn biết thôi đấy”. Đây là câu nói vô cùng “kinh điển” mà chắc chắn là bạn từng dùng hoặc nghe qua rồi đúng không? Tin là bạn cũng biết luôn tình huống oái oăm thường đi kèm theo sau đó rồi nhỉ: Người này bảo chỉ nói cho một người khác và rồi cứ như vậy mà cả thế giới biết chuyện. Buồn cười một nỗi là ai cũng ghi nhớ rằng là chuyện này chỉ có hai người biết với nhau thôi. Đặc biệt là trong môi trường công sở, việc truyền tai chuyện to nhỏ giữa các nhân viên văn phòng với nhau dường như khiến cho cuộc trò chuyện trở nên rôm rả hơn.

Tình huống vừa nêu ra hẳn để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm, bạn buồn vì người không giữ lời hay giận mình không cẩn thận? Có lẽ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta phải tự cân nhắc cách bảo vệ mình trước khi tiết lộ những thông tin nhạy cảm. Bởi sự thực điều gì có vẻ bí ẩn thì lại càng gây tò mò. Lời dặn dò “đừng kể ai nhé” dù cẩn thận và nghiêm túc đến đâu thì vẫn khó lòng được thực hiện triệt để.

Dưới đây là một vài bí quyết mà CareerViet.vn muốn chia sẻ với bạn, nếu sau này có những bí mật quá khó để giữ trong lòng nhưng xác định không nên bộc lộ thì bạn hãy thực hành thử nhé.

-  Xoá dấu vết:

Gợi ý đầu tiên, khá đơn giản và rất dễ thực hiện, là viết hết tâm sự ra giấy sau đó đọc lại rồi xé vụn, hoặc đánh máy sau đó cũng đọc lại rồi xoá hết. Gần giống vậy, bạn cũng có thể trải lòng vào nhật ký cá nhân hoặc viết blog ở trạng thái “Chỉ mình tôi”, sau này đọc lại thấy không còn đúng hoặc không ổn nữa thì cứ việc xoá đi. Bạn được tuỳ ý chọn bất cứ tư thế nào mình muốn (viết như kể cho người khác nghe hay tự nói với chính mình) bằng thái độ tức giận, buồn rầu, thất vọng hay vui sướng… tất cả đều được chấp nhận.

Lợi ích của cách này là tạo ra một “địa chỉ an toàn” để trút cạn nỗi lòng và thời gian tự suy ngẫm. Đôi khi chúng ta chỉ muốn được giải toả chứ không hẳn là giải quyết vấn đề. Thông tin không nên để nhiều người biết thì viết ra thành chữ rồi huỷ đi chính là cách tốt nhất, bạn không phải lo lắng hệ luỵ phát sinh về sau. Lúc quá vui hoặc quá buồn, chúng ta thường dễ có xu hướng phản ứng thái quá. Ngồi viết một mình cho bạn cơ hội giữ sự trầm tĩnh và suy xét khách quan hơn. Nhìn lại những gì mình suy nghĩ là cách tự vấn, đôi khi kết luận đến trong lúc này có thể ngăn chặn hiệu quả được một vụ “buôn dưa lê” vô bổ.

Trút nỗi lòng bằng cách viết ra giấy

- Chủ động giải toả:

Nếu cần đưa ra quyết định hay giải pháp nhưng vấn đề không dễ chia sẻ thì đừng nói với bất cứ ai, thậm chí cả cô đồng nghiệp thân nhất nhé! Bởi vì bạn có thể thử tìm lời gợi ý và sự tư vấn từ kho tri thức lớn nhất thế giới mang tên Google hoặc một số trang thông tin uy tín. Người ta hay đùa rằng “muốn tìm gì cứ vào Google” là có lý do hết đấy. Hẳn trước đây đã từng có những người trải qua vấn đề giống bạn (thậm chí là chuyện nhạy cảm, phức tạp hơn), họ có kiến thức, kinh nghiệm và đã để lại lời khuyên. Giống như khi “tâm sự cùng người lạ”, lấy lời khuyên từ ai đó không quen biết trao cho bạn cảm giác tốt hơn nhiều: không ngại ngần, không xét đoán và giúp bạn có được cơ sở đánh giá khách quan nhất vấn đề của chính mình.

Hãy thử tìm vu vơ vài từ khoá có liên quan, đọc để tham khảo và rút kinh nghiệm. Khi cảm thấy nhẹ nhõm, bạn có thể tiếp tục làm việc mà lòng không vướng bận gì nữa. Tất nhiên, sử dụng cách này, bạn phải có khả năng thẩm thấu và tự kiểm tra thông tin nhất định, chứ không khéo lại tự rước thêm “những lời xúi dại” vào người.

Ví dụ như khi đang cảm thấy có chút bức xúc khi biết lương đồng nghiệp cao hơn lương mình, thay vì đem nỗi lòng trút cả ra cho thế giới biết, hãy tìm cách xác thực thông tin bằng cách tìm hiểu ở kênh thông tin đáng tin cậy trước đã nhé. Tự giải toả đúng cách chính là cách hành xử văn minh nơi công sở mà bạn hãy luôn ghi nhớ.

- Đánh lạc hướng:

Tự làm bản thân phân tâm khỏi nỗi niềm riêng cũng là lựa chọn rất được ủng hộ. Giống như kế nghi binh vậy, bạn khiến cho các tâm sự của mình không còn thôi thúc được bộc phát ngay thời điểm hiện tại nữa. Lúc đã tập trung vào một điều thú vị khác, bạn sẽ tạm thời quên đi nhu cầu phải tiết lộ ra bí mật đang canh cánh trong lòng với ai đó.

Nghe một bài nhạc thư giãn 

Hãy đánh lạc hướng và ngừng ý định kể lể lại bằng cách mở một bản nhạc, xem đoạn clip vui hay phim ngắn trong 5-10 phút để thư giãn rồi sau đó quay lại với công việc.

- Điều chỉnh thói quen:

Bí quyết cuối cùng là điều chỉnh phản xạ và thói quen. Tập cho bản thân cách suy nghĩ thấu đáo và tự chủ, đừng chăm chăm chạy đi tìm người “xả” mỗi khi có bất cứ chuyện gì xảy ra. Học từ bỏ thói quen thích nghe bí mật của người khác, rồi sau đó tiếp tục điều chỉnh hành vi của mình. Khi không còn tính tò mò, soi mói chuyện người khác thì hẳn bạn cũng sẽ không thường xuyên kể chuyện riêng của mình nữa.

Qua các chia sẻ trên, hi vọng bạn đã rút được vài kinh nghiệm bổ ích. Nhiều người biết chuyện vui của mình thì còn đỡ, chứ chuyện buồn hay xấu hổ thì cảm giác sẽ tệ vô cùng. Hãy nói những gì thực sự cần thiết thôi và giữ lại thông tin riêng tư nhạy cảm để tránh viễn cảnh một ngày nào đó không may bạn bất đắc dĩ trở thành tâm điểm bàn tán lúc “trà dư tửu hậu” của cả công ty nhé! 

(Nguồn hình: Internet)

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :

Bài viết khác

Tìm hiểu PM là gì, vai trò, và kỹ năng cần có của một PM trong quản lý dự án. Cùng CareerViet tìm hiểu rõ về nghề PM và tiềm năng phát triển của nó. Xem ngay!

Xem thêm

ATTN là gì? ATTN là viết tắt của từ gì trong tiếng Anh? Nhấn xem ngay bài viết để cùng tìm hiểu ATTN nghĩa là gì và cách sử dụng trong email nhé!

Xem thêm

Tìm hiểu cách dùng hàm SUMIFS trong Excel hiệu quả, những lỗi phổ biến thường gặp nhất và cách tối ưu hóa quá trình tính toán dữ liệu!

Xem thêm

FMCG là ngành gì và khám phá những xu hướng nổi bật và cơ hội nghề nghiệp đang nổi lên trong ngành FMCG!

Xem thêm

Mô hình SWOT dần trở nên phổ biến và được áp dụng trên hầu hết các lĩnh vực từ việc kinh doanh, marketing cho đến học tập và cách sống. Vậy SWOT là gì?

Xem thêm

Chứng chỉ xây dựng năng lực hạng 3 là gì? Hồ sơ và điều kiện cấp như thế nào? Thủ tục cấp chứng chỉ ra sao? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ nhé!

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay