Thuê tôi hoặc từ chối tôi? Xin đừng lãng phí thời gian
Lượt xem: 15,200Bị mắc kẹt trong một quy trình tuyển dụng kém chuyên nghiệp là tình huống không mấy vui vẻ nhưng lại khá phổ biến với nhiều người tìm việc. Nhất là khi nhà tuyển dụng cứ nói rằng “Tôi đánh giá cao biểu hiện của anh!”, nhưng lại không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sớm đưa ra câu trả lời dứt khoát với những người đã đến dự phỏng vấn.
Bạn chưa bị từ chối nhưng cũng chẳng được phản hồi kết quả cụ thể hay hướng dẫn các bước tiếp theo, và bạn cũng không biết khi nào mình mới nhận được câu trả lời. Mọi thứ bạn có thể làm chỉ là ngồi nuôi hi vọng và chờ đợi. Đây là ví dụ điển hình cho thấy sự vô tâm và thiếu chuyên nghiệp của những người làm công tác tuyển dụng. Họ không ý thức đủ về tầm quan trọng của sự tương tác hai chiều trong mối quan hệ tuyển dụng, cũng như chưa dành sự tôn trọng đúng mực với thời gian và công sức của ứng viên.
Tất nhiên vẫn có những tình huống bất khả kháng xảy ra với nhà tuyển dụng mà ứng viên nên có sự thông cảm và chia sẻ. Chẳng hạn như sự điều chỉnh cơ cấu công ty, thay đổi ban lãnh đạo. Thường thì những biến động lớn thế này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi hoạt động trong doanh nghiệp chứ không chỉ mỗi quyết định tuyển dụng.
Nhưng nhìn chung, một nhà tuyển dụng không có nguyên tắc và yếu kỹ năng sẽ tạo ra rất nhiều điều bất cập và gây lãng phí thời gian của ứng viên. Không chỉ dừng lại ở việc phỏng vấn rồi không phản hồi kết quả hay đưa ra nhận xét lịch sự theo thói quen dạng như “Công ty rất thích bạn” rồi sau đó bặt tin, chúng ta còn rất dễ dàng nhận ra những tình huống oái oăm như ứng viên đi dự phỏng vấn từ tháng 6 mà tận đến tháng 10, sau khi đã trải qua 3 lần phỏng vấn thì kết quả vẫn chưa ngã ngũ. Bởi rất nhiều lý do, chẳng hạn như công ty thay đổi mô tả công việc và cần phỏng vấn lại; người quản lý cấp cao hơn muốn trực tiếp đánh giá nên cần phỏng vấn thêm; phòng nhân sự vừa áp dụng công nghệ vào quy trình tuyển dụng mới nên phải thực hiện thêm các bước liên quan; công ty vừa hết ngân sách nên phải chờ duyệt bổ sung; người phụ trách bộ phận vừa nghỉ thai sản nên tạm hoãn quyết định chọn người mới… Bởi vật nên rất nhiều ứng viên đã buộc phải thốt ra câu cảm thán: “Thuê tôi hay cứ từ chối tôi, nhưng đừng lãng phí thời gian của tôi nữa!”
Tìm mãi không được việc đã là một nỗi buồn, nhưng chờ mãi không biết câu trả lời thì chính xác là một nỗi đau. Nỗi buồn rồi sẽ qua, nhưng nỗi đau thì để lại hậu quả. Nhẹ thì bạn hao tốn thời gian và hi vọng, nặng thì bạn sẽ bị suy sụp và mất tinh thần trong quá trình tìm việc. Vì vậy, hãy cùng CareerViet.vn tham khảo ngay 2 gợi ý xử lý tình huống từ chuyên gia nghề nghiệp Liz Ryan – một cây bút nổi tiếng của Forbes và LinkedIn nhé!
CHỦ ĐỘNG HÀNH ĐỘNG
Mọi người đều từng nghe lời khuyên rằng “hãy đối xử với người khác theo cách mà ta mong họ đối xử với mình”. Các ứng viên đã viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng sau khi dự phỏng vấn, nhưng khá nhiều nhà tuyển dụng lại không viết thư cảm ơn hoặc thậm chí phản hồi kết quả cho ứng viên. Nhà tuyển dụng luôn mong đợi nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển, cẩn thận gửi email hẹn từng người đến dự phỏng vấn, nhưng sau khi phỏng vấn xong đa số họ không làm gì thêm với tất cả ứng viên, chỉ trừ người được chọn.
Không phải tất cả nhà tuyển dụng đều như thế, nhưng đây là thực tế phổ biến. Ứng viên thường phải tự hiểu rằng “chắc mình rớt rồi ” sau khi chờ đợi lâu mà không ai liên lạc lại. Đây là một điều rất đáng ngạc nhiên về sự thiếu bình đẳng, nhưng lại xảy ra phổ biến đến mức tất cả đều thấy bình thường.
Khi bạn đã hiểu thực tế này, chúng tôi không mong bạn tiếp tục chịu đựng. Nếu nhà tuyển dụng không xác định cụ thể thì bạn phải là người có trách nhiệm. Hãy chủ động làm rõ kết quả và diễn biến tiếp theo cho quá trình tìm việc của mình!
Hãy cho nhà tuyển dụng hiểu rằng chờ đợi như thế là đủ rồi. Một khi bạn đã nghiêm túc quan tâm, tìm hiểu công ty và đến dự phỏng vấn, bạn có quyền được hỏi thăm hoặc dự kiến thời gian có kết quả cụ thể.
Trong trường hợp công ty vẫn mơ hồ hoặc thể hiện rằng họ không biết lúc nào mới có kết quả, hãy mạnh dạn nói với họ rằng “Công ty có thể cân nhắc ra quyết định trong vòng 1 tháng nữa”, “công ty có thể ra quyết định thuê tôi trước ngày […] hoặc có thể thuê người khác”. Bạn cần cân nhắc kế hoạch cụ thể của bản thân và đưa ra thời hạn hợp lý cho nhà tuyển dụng để giải quyết tình huống và chấm dứt tình trạng chờ đợi không hồi kết này.
Người tìm việc cũng có sức mạnh và giá trị của người tìm việc. Bạn sở hữu những kỹ năng và kinh nghiệm có thể giúp ích cho công ty trong một khía cạnh nào đó. Đôi bên đang thoả thuận với nhau về việc mua bán sức lao động trên cơ sở bình đẳng. Có thể bạn hợp với vai trò công ty đang cần tìm hoặc không, nhưng công ty tuyệt đối không nên lãng phí thời gian của bạn. Có được câu trả lời dứt khoát, bạn có thể đầu tư thời gian vào cho những cơ hội làm việc tiềm năng và xứng đáng hơn.
ĐÀM PHÁN LÀ TRÒ CHƠI CỦA SỰ LỰA CHỌN
Khi nhà tuyển dụng tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu (tức là tuyển được nhân tài) mà không cần đến bạn, họ sẽ ra dấu hiệu để bạn bỏ đi. Nhà tuyển dụng tin rằng họ là người nắm trong tay các lựa chọn – điều đó cũng tốt thôi.
Nhà tuyển dụng đặt cược vào niềm tin rằng họ có thể tìm thấy được những người giỏi hơn bạn. Bạn thì lại đặt cược vào suy nghĩ rằng mình xứng đáng được đối xử tốt hơn thế này. Khi quyết định đóng lại cánh cửa đang mở ra cơ hội việc làm chưa đúng với mình, chính là lúc bạn giúp cho một cơ hội việc làm khác phù hợp hơn đến với mình.
Đàm phán công là trò chơi về sự sợ hãi và tin tưởng. Bạn phải có đủ sự tin tưởng vào chính bản thân mình để giành chiến thắng.
Nếu bạn bắt đầu tin rằng một công ty ABC nào đó sẽ cứu bạn – trong khi người quản lý của các công ty lớn như thế thường tự thuyết phục bản thân rằng “những ứng viên khát việc” sẽ sẵn sàng chờ đợi cả nửa năm để được nhận một quyết định – thì lúc này mọi “phép thuật” của bạn đã biến mất hoàn toàn.
Bạn không thể tìm việc thành công khi bị mất khí thế và tinh thần chiến thắng. Hãy trao đổi để headhunt của bạn biết rằng bạn đã xong giai đoạn chờ đợi nhà tuyển dụng số 1 và số 2 “ngâm” kết quả phỏng vấn. Tiếp đến, hãy nói với chuyên viên tuyển dụng tại công ty số 3 và số 4 rằng bạn cần phải tiếp tục sống, họ có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết định hoặc đôi bên xem như đã hoàn tất việc tìm hiểu. Sau đó, bạn có thể bỏ đi nếu họ vẫn tiếp tục không “tỉnh dậy” phản hồi tử tế với bạn.
Tất nhiên bạn cần việc, nhưng bạn còn cần một nhà tuyển dụng biết tôn trọng khả năng, thời gian và tâm sức của bạn nữa. Khi họ đã thờ ơ như thế, liệu bạn có thể hi vọng xây dựng một sự nghiệp rực rỡ ở doanh nghiệp đó không?
Hãy ứng xử với các nhà tuyển dụng tiềm năng theo nguyên tắc này! Chỉ cần nhớ luôn giữ lễ độ cùng sự linh động khéo léo trong khi giao tiếp, bạn sẽ thành công hơn khi tìm việc mà không phải gặp lại nỗi đau chờ đợi nữa. Nhà tuyển dụng có thể vô tình làm lãng phí thời gian của bạn, nhưng cho phép điều đó xảy ra không lại nằm trong tầm tay của bạn.
Nguồn hình: Freepik