Trường nghề: chạy theo bậc học để giành lại học sinh
Lượt xem: 12,378Đó là nhận định của Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây. Trong khi đó, tại các trường trung cấp người học nghề đang ít dần đi...
Ngày 17/10, Trường TH Công nghiệp Lương thực Thực phẩm thông báo tiếp tục xét tuyển vào 6 ngành hệ trung học chuyên nghiệp (THCN) và 7 nghề hệ công nhân kỹ thuật (CNKT).
Theo Phòng Đào tạo nhà trường, đến thời điểm này trường mới tuyển được khoảng 300 học sinh hệ THCN so với chỉ tiêu 350, khoảng 100 học sinh hệ CNKT so với chỉ tiêu là 300.
Không năm nào đủ chỉ tiêu
Thiếu học sinh, đặc biệt là học sinh hệ CNKT là tình trạng chung của nhiều trường nghề vài năm trở lại đây. Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng chấp nhận kết thúc tuyển sinh dù hệ CNKT còn thiếu 126 học sinh (tuyển được 524/650 chỉ tiêu). Trường CNKT TP.HCM cũng đã ngưng tuyển sinh để bắt đầu đào tạo dù mới tuyển được 637 học sinh/1.000 chỉ tiêu.
Nhiều trường khác đang cố kéo dài thời gian xét tuyển để tuyển thêm thí sinh. Tuy nhiên, tuyển được đủ chỉ tiêu hay không vẫn chưa thể biết được vì như năm 2004, nhiều trường kéo dài thời gian xét tuyển nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu ở hệ THCN và CNKT: Trường có tỉ lệ tuyển được hệ CNKT thấp nhất là TH Nông nghiệp TP.HCM với 10,8% so với chỉ tiêu (27 học sinh/250 chỉ tiêu); Trường TH Công nghiệp 35,29% (247/700); Trường TH Kỹ thuật Nghiệp vụ Phú Lâm 55% (220/400); Trường TH Giao thông Công chánh 64% (96/150); Trường TH Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn 74,57% (261/350); Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng 85,38% (555/650)...
Đặc biệt có nhiều nghề phải đóng cửa vì không có học sinh như nghề nguội chế tạo, kỹ thuật hàn công nghệ cao tại Trường CNKT TP.HCM; nuôi trồng thủy sản, làm vườn cây cảnh tại Trường TH Nông nghiệp TP.HCM...
Với tỉ lệ tuyển sinh thấp kể trên, cộng thêm số học sinh bỏ học hằng năm, thường khoảng 30% thì mới thấy con số học sinh đào tạo được cực kỳ thấp.
Chạy theo bậc học cao hơn
Trong khi tuyển sinh vào các trường nghề rất thoáng, chỉ cần tốt nghiệp THCS là có thể đăng ký vào học nhưng rất ít học sinh theo học. Có phải học sinh học nghề khó tìm việc làm? Hiệu trưởng hai Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng và Cao Thắng khẳng định: “Nhu cầu tuyển CNKT rất lớn, đặc biệt là ngành cơ khí”.
Hơn nữa mức lương của học sinh nghề cũng tầm 800.000 - 1 triệu đồng/tháng, không thua gì một sinh viên ĐH, CĐ mới ra trường. Riêng 2 nghề không có học sinh học tại Trường CNKT TP.HCM là nguội chế tạo và hàn kỹ thuật cao thì mức lương các công ty rao tuyển học sinh mới ra trường lên tới 1-2 triệu đồng/tháng.
Đoàn giám sát của Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có nhận định: “Trong khi đang còn mất cân đối giữa thầy và thợ thì một số ngành, địa phương lại có xu hướng chuyển trường nghề thành trường trung cấp, CĐ chuyên nghiệp, sau đó nâng lên thành ĐH cộng đồng, không phải chỉ vì thực hiện đào tạo liên thông mà chủ yếu là giải quyết được tâm lý xã hội về bằng cấp...”.
Khi ngành giáo dục chạy theo tâm lý xã hội về bằng cấp thì mạng lưới đào tạo chuyên nghiệp vốn đã rối lại càng rối hơn.
Vậy học sinh trường nghề đã chạy đi đâu? Nhiều hiệu trưởng trường THCN đúc kết: Thứ nhất: Học sinh trường nghề bị hệ THCN của các trường ĐH, CĐ dân lập, tư thục “hút” hết do có mác ĐH, CĐ đánh vào tâm lý người học. Nhiều trường còn đưa ra viễn cảnh sẽ được liên thông nên thu hút rất nhiều học sinh.
Quả thật, hầu hết các trường ĐH dân lập tại TPHCM và tỉnh lân cận đều có tuyển sinh hệ THCN với chỉ tiêu bình quân mỗi trường 800 - 1.000 học sinh, hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh hệ THCN của một trường THCN lâu năm (thường chỉ khoảng 500 - 600).
Thứ hai: Tâm lý học sinh và gia đình luôn muốn vươn tới bậc học cao hơn. Thi rớt ĐH, CĐ chính quy thì vào ĐH, CĐ tại chức chứ không vào hệ trung cấp. Điều này đã dẫn đến tình trạng độ tuổi sinh viên hệ ĐH, CĐ tại chức ngày càng trẻ đi. Dù muốn theo học hệ tại chức, người học phải có 1 năm làm việc nhưng để có được giấy xác nhận đã qua 1 năm làm việc không khó khăn gì.
Chiều theo người học!
Dù muốn dù không, các trường bậc dưới đều muốn nâng cấp lên để thu hút đầu vào, giành lại học sinh. Các năm qua, nhiều trường đã liên tục nâng cấp từ dạy nghề lên THCN; THCN lên CĐ; CĐ lên ĐH. Riêng năm 2005, tại TPHCM đã có 3 trường THCN nâng cấp lên CĐ là CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Kinh tế TPHCM.
Lý giải tại sao phải lên CĐ, ông Đỗ Kỳ Công, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, nói gọn một câu: “Không lên là chết!”. Chết ở đây nghĩa là sẽ không có học sinh để ngôi trường tồn tại trong tình hình người học chạy theo những bậc học cao hơn.