Tứ chứng nan y của sếp
Lượt xem: 13,160Cứ 100 đàn ông thì đến 99 người thích được làm sếp. Và cứ 100 người làm sếp thì có đến 99 người bị "tứ chứng nan y". Có người bị một, hai chứng, có những người mắc luôn ba, bốn chứng. Vậy nên phòng chống như thế nào?
Thủng màng nhĩ cũng không điếc
Có một nhà hiền triết thời Hy Lạp cổ đã viết rằng: "Không có người điếc, chỉ có người không chịu nghe". Đúng là đời người không có người điếc.
Khi người ta muốn nghe thì cho dù bị thủng cả hai màng nhĩ người ta vẫn nghe được. Còn khi người ta không muốn nghe thì cho dù thính giác có tốt đến mấy vẫn điếc đặc.
Con ngựa biến thành con lừa
Các nhà tâm lý học cho hay: Hơn 90% những lời cấp dưới nói với sếp đều là lời nói dựa, tức là người ta lựa ý mà sếp nói, sếp muốn thế nào, người ta muốn nói như thế.
Xưa Triệu Cao (Tể tướng nhà Tần) chỉ con lừa và gọi là con ngựa mà trong bách quan chỉ có 5 người dám nói là con lừa, tỷ lệ người nói thật trong trường hợp này là 5% và người nói dựa là 95%. Xét về mặt thông tin, lời nói dựa là thừa, không cung cấp một thông tin nào mới, không đóng góp một chút trí tuệ nào, chỉ đề làm vừa lòng sếp.
Càng cận thần càng dễ nói dối
Trên đời, có hai đối tượng được nghe nhiều lời nói dối nhất, ấy là đàn bà và các sếp.
Người nói dối đàn bà nhiều nhất là chồng và người tình của họ. Người nói dối sếp nhiều nhất là cận thần của sếp. Vì hiểu rõ tâm lý của sếp nên các cận thần mở miệng là sếp tin ngay.
Cả đời Hòa Thân chưa bao giờ nói thật với Càn Long được một câu. Nhưng hễ Hòa Thân nói là Càn Long tin ngay và càng nói dối, Hòa Thân càng được trọng dụng. Kết cục là một người nhiều võ công văn trị như Càn Long cũng bị tiêu tan sự nghiệp.
Nói dựa là nói dối sếp, là thuốc độc của sếp. Việc nghe là để tiếp cận thông tin, nhưng nghe lời nói dựa thì không có thông tin mới: Có hai tai mà không tiếp nhận được thông tin mới từ cái sự nghe tức là điếc.
Ông chủ Honda và bài học nói dựa
Sinh thời, ng Honda không dùng những người nói dựa. Khi bàn việc hễ thấy cấp dưới nói giống hệt ý mình thì ông nói ngay: "Anh đã nói giống hệt ý tôi, vậy trong hai chúng ta có một người thừa".
Trái lại, ông rất trọng Giám đốc điều hành của hãng. Ông này rất hay tranh cãi với Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Honda. Với những ý kiến khác mình, ông Honda tranh luận tới cùng, vì thế mà mọi cuộc tranh luận đều gay gắt và cũng nhờ tranh luận gay gắt nên trí tuệ của mọi người đều được phát huy một cách cao nhất.
Vì sự trung thực này mà hai ông trở thành bạn thân của nhau. Trước khi qua đời, ông Honda viết di chúc giao gần như toàn bộ tài sản khổng lồ của mình cho hãng và ủy thác cho ông giám đốc điều hành quản lý, chỉ cho con trai một phần rất nhỏ (1,5%).
Cầu lời thật như khát nước
Tào Tháo khi làm vương từng xuống chiếu cầu ngôn: "Cầu lời nói thật như khát nước". Hoàng đế Quang Trung cũng từng xuống chiếu cầu lời nói thật.
Còn Hoàng đế Ung Chính (nhà Minh) trong các buổi chầu, hễ nghe viên quan nào nói dựa ý mình là cắt ngang lời ngay: "Ngươi không có ý kiến khác thì lui đi". Tào Tháo, Quang Trung, Ung Chính, cả ba người ấy đều ưa nói thật và cả ba đều thành công.
"Trung ngôn nghịch nhĩ" (lời nói thật khó lọt tai) nhưng là lời vàng ngọc, vị đắng sau lời nói thật là một tấm lòng vàng ngọc. Người nói dựa vụ lợi còn người nói thật không những không được việc gì mà còn có thể bị thiệt thân.
Ngày xưa, Ngũ Tử bị giết, Tỷ Can bị moi tim, Quản Di Ngô bị trói, Thương Ưởng bị phanh thây... Tất cả đều là người hiền tài và tất cả đều bị hại vì nói thật.
Cận thần - 5 phần thắng; người nói thật - 5 phần thua
Cận thần của sếp có 5 phần thắng một là luôn gần sếp nên được sếp yêu; Hai là người cũ và quen thuộc của sếp nên được sếp tin; Ba là cũng có những ham thích giống sếp; Bốn là hiểu rõ tình thế của sếp; Năm là nói được nhiều người nghe, vì là cận thần của sếp.
Người nói thật nắm 5 phần thua, không hề gần sếp, không thân sếp, không được sếp tin, không có phe cánh, nói ít người nghe. Đã nắm 5 phần thua như thế mà vẫn dám nói thật thì đó là lời vàng ngọc.
Bí quyết phòng bệnh "điếc"
Như đã nói từ đầu, trong tứ chứng nan y của các sếp thì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng bệnh điếc, các sếp nên loại bỏ những lời nói dựa ra khỏi kênh thông tin của mình.
Hãy bắt đầu các cuộc bàn luận bằng lời phi lộ như thế này: "Tôi nêu ý kiến của tôi, sau đó xin nghe ý kiến của các bạn. Ai có ý kiến khác thì nói, nếu trùng thì thôi, kẻo mất thì giờ mọi người".
Với những người lâu nay hay nói dựa, khi họ dơ tay lên, bạn nên học cách hội triều của Ung Chính mà hỏi: "Bạn có ý kiến khác tôi không?". Với những ý kiến khác mình cần nghe kỹ và chất vấn, tranh luận đến cùng để buộc người nói đem hết trí tuệ bảo vệ chính kiến của họ. Như thế, bạn đã có một đôi tai vĩ đại.