Ứng xử trong ngày đầu đi làm
Lượt xem: 12,279Sau ngày tốt nghiệp, bạn chính thức bắt đầu những ngày đầu tiên trong thế giới công sở. Hãy nhớ rằng, một sinh viên đi thực tập bao giờ cũng khác với một nhân viên thực sự. Bạn nên ghi nhớ 4 nguyên tắc sau để có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường công sở.
Nguyên tắc 1: Lắng nghe và quan sát
Hãy quan sát và chú ý lắng nghe trước khi đưa ra bất kỳ đề nghị nào. Nguyên tắc này đúng không chỉ trong môi trường làm việc và còn rất hữu dụng khi bạn ra khỏi công sở. Hãy hình dung: bạn đang bước vào môi trường làm việc, nơi mọi thứ đã thành một guồng máy chuyên nghiệp. Khi một người mới toanh xuất hiện và đề xuất những thay đổi để công việc chạy tốt hơn, chắc chắn bạn sẽ gặp một vài phản ứng. Tại sao ư? Một là bạn chưa hiểu tại sao lâu nay họ lại làm như vậy. Hai là bạn chưa chiếm được lòng tin của các đồng nghiệp. Và cuối cùng, về mặt bản tính tự nhiên, con người sợ sự thay đổi.
Bằng cách lắng nghe và quan sát, bạn sẽ học được rất nhiều. Bạn sẽ học cách để tìm hiểu về môi trường mà bạn đang tham gia. Bạn tìm hiểu về những đồng nghiệp mà bạn sẽ cùng làm việc. Bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi mắc phải những lỗi ngớ ngẩn. Hãy học từ kinh nghiệm của những đồng nghiệp của mình.
Nguyên tắc 2: Cảnh giác trước những "kẻ rắc rối" trong văn phòng
Hình như mỗi văn phòng đều có một kẻ rắc rối. Bạn có thể tạm hình dung về kiểu người này: đó chính là người mà ngay ngày đầu bạn mới bước chân vào công sở đã nói với bạn những câu đại loại: "Sếp luôn luôn thích những nhân viên mới. Nhưng em cứ làm ở đây một thời gian mà xem...".
Kẻ rắc rối trong văn phòng cũng là người hay thích tạo nên những mối bất hòa, sau đó giả vờ như không biết gì về nó. Bạn có thể nghe những gì mà "kẻ rắc rối" nói, tuy nhiên, tuyệt đối không nên bàn luận gì. Những gì kẻ rắc rối nói có thể là sự thật, cũng có thể đó chỉ là câu chuyện phóng đại. Và bạn phải biết rằng, những người hôm nay nói với bạn về người khác thì ngày mai cũng có thể nói với người khác về bạn.
Nguyên tắc 3: Chú ý cách cư xử của mình
Mọi người có thể không nhớ bạn đã cư xử lịch sự như thế nào, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ nhớ những hành vi thô lỗ của bạn. Vì vậy, bạn phải thật sự giữ gìn ý tứ nơi công sở. Chỉ một tiếng cười không đúng lúc, một tiếng hét vang quá lố... cũng khiến bạn dễ dàng nhận lấy ác cảm từ người khác.
Một trong những điều cũng dễ bị ghép vào danh sách những việc mất lịch sự nơi công sở: phát tán những câu chuyện cười... hơi thiếu tế nhị trên internet. Hãy cẩn thận, có những câu chuyện cười không mấy thanh lịch, bạn chỉ có thể gửi cho bạn bè thân thiết của mình. Còn nơi công sở, khi bạn chưa biết rõ sở thích và cá tính của mọi người thế nào thì bạn không nên phát tán những câu chuyện cười mà tự bản thân bạn thấy cũng không có gì tế nhị cho lắm.
Bạn cũng không nên dùng địa chỉ email công ty để gửi chuyện cười cho bạn bè. Cẩn thận, vì biết đâu, câu chuyện ấy lại nhảy vào hộp thư của sếp (nếu đó là một câu chuyện cười không mấy thâm thuý thì bạn biết hậu quả rồi đấy. Nặng thì tên bạn sẽ bị sếp cho vào danh sách "chú ý bất thường". Nhẹ thì bạn sẽ mất một ngày ngượng nghịu trước sếp. Bạn đâu có muốn rơi vào tình huống đó khi mới bắt đầu chân ướt chân ráo đi làm, đúng không?
Nguyên tắc 4: Đừng góp thêm thông tin vào những tin đồn
Bạn có thể nghe những tin đồn về người này, người kia trong công sở, nhưng tuyệt đối không bao giờ đưa ra ý kiến riêng của mình. Mỉm cười được xem là lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này (ngay cả khi bạn vừa nhận việc ở công ty hoặc lúc bạn đã trở thành ma cũ). Những câu chuyện ngoài lề có thể cho bạn một ít thông tin về các đồng nghiệp của mình, nhưng đó là những thông tin chưa được kiểm chứng. Bạn chỉ nên nghe để biết cách ứng xử với mọi người. Nếu hưởng ứng những thông tin dạng này, có thể, bạn lại trở thành "kẻ rắc rối" trong mắt đồng nghiệp