Một căn bệnh "ngồi lâu - khó nói"
Lượt xem: 8,240Bài viết này sẽ tiết lộ cho bạn căn bệnh dở khóc dở cười mà người làm văn phòng nào cũng có thể từng trải qua trong đời. Bạn có biết quá nửa người Việt hiện nay mắc bệnh này, và phần lớn bệnh nhân là dân công sở?
Một ngày đẹp trời, nếu có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy dữ dội và khó chịu khi ngồi thì bạn nên nghĩ đến khả năng mình thuộc 55% dân số Việt Nam mắc bệnh trĩ. Mặc dù, theo thống kê của Hội Hậu trực tràng Việt Nam, khoảng 2/3 người bị bệnh trĩ trên 40 tuổi, nhưng những người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh do thói quen thiếu vận động.
Căn bệnh khó nói của dân văn phòng
Bệnh trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch quanh hậu môn hoặc ở phần dưới trực tràng sưng lên. Khi thành của các mạch này bị kéo căng, chúng sẽ hình thành búi trĩ gây đau ngứa.
Có hai loại bệnh trĩ phổ biến: trĩ nội và trĩ ngoại. Một số người có thể mắc cả hai (trĩ hỗn hợp). Trĩ ngoại (phát triển bên ngoài hậu môn) là bệnh phổ biến và gây nhiều phiền toái nhất. Nếu mắc, bạn không chỉ mất tập trung trong công việc, mà còn bị giảm chất lượng cuộc sống nói chung.
Nguyên nhân mắc bệnh
Một người trẻ có thể mắc trĩ nếu có:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh trĩ
- Táo bón lâu ngày
- Thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh
- Bệnh viêm ruột
- Béo phì
- Bệnh tiêu chảy
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ
- Ngồi lâu (chẳng hạn như trong văn phòng)
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
- Đang trong thai kỳ (tử cung to ra chèn ép vào tĩnh mạch trong đại tràng)
- Ho mãn tính, rối loạn chức năng sàn chậu, rối loạn mô liên kết
- Đại tiện khó
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Trĩ nội:
- Chảy máu trực tràng không đau
- Cực kỳ ngứa và đau xung quanh hậu môn
- Ngứa, đau hoặc sưng tấy gần hậu môn
- Rò phân
- Đi đại tiện khó khăn, đau đớn, chảy máu
Đau đớn là điều không tránh khỏi khi mắc bệnh này
Trĩ ngoại:
- Cảm giác đầy hoặc khó chịu ở trực tràng
- Đau ở trực tràng (có thể đau buốt, đột ngột và dữ dội nếu có máu đông)
- Đau và khó chịu ở hậu môn (nhất là khi bị sa búi trĩ)
- Ngứa, đau xung quanh hậu môn
- Xuất hiện cục u gần hoặc quanh hậu môn
- Có máu trong phân
Trĩ hỗn hợp:
- Cảm giác cần đi đại tiện ngay cả khi ruột rỗng
- Ngứa, tiết dịch nhầy từ hậu môn
- Nứt hậu môn
Cách chữa
Bệnh dễ mắc do thói quen sống, và cực kỳ khó chịu trong mọi vận động hàng ngày, khiến bạn cảm thấy như cực hình. Nhưng bệnh trĩ cũng dễ dàng phòng ngừa và điều trị (nhất là khi được phát hiện sớm). Vì vậy, bạn nên đến khám chuyên khoa sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, một số cách sau cũng giúp giảm triệu chứng:
- Tắm nước ấm (20 phút ngâm bồn sau khi đi đại tiện)
- Chườm đá để giảm sưng
- Giữ vệ sinh hậu môn và quanh hậu môn
- Tránh ngồi lâu
- Sử dụng loại đệm ngồi phù hợp để giảm đau
- Không ngồi lâu trong NVS
- Tránh căng thẳng, tránh nâng các vật nặng hoặc các hoạt động làm căng cơ bụng
- Tập thói quen đi đại tiện theo khung giờ cố định
Đừng ngồi một chỗ từ sáng đến tối nhé
Biện pháp phòng ngừa
- Tránh rặn khi đi đại tiện
- Uống nhiều nước
- Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu
- Tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa táo bón
- Tránh ngồi lâu, đặc biệt là trên bề mặt cứng
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ (lúa mì nguyên cám, gạo lứt, bột yến mạch, rau củ…)
Bệnh trĩ tuy không nguy hiểm và hiếm khi dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Nhưng thói quen ngồi lâu của dân văn phòng, cũng như ăn đồ ăn nhanh, thiếu chất xơ, ít vận động, uống ít nước… cũng có thể gây ra những rối loạn hậu môn trực tràng khác nghiêm trọng hơn, nguy cơ dẫn đến ung thư. Do đó, nếu các triệu chứng kéo dài dai dẳng, bạn hãy gặp bác sĩ sớm để được đánh giá đúng tình trạng bệnh. Và trên hết, hãy có một lối sống khoa học, lành mạnh để đủ sức khỏe, sự thoải mái, sẵn sàng cho bất cứ công việc nào.