Nguyên tắc trả lương khi làm việc tại nhà do dịch bệnh Covid-19
Lượt xem: 31,294(NLĐO) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế tập trung nơi đông người, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Do đó, tiền lương trả cho người lao động tính trên cơ sở nào?
Theo quy định tại điều 96 Bộ Luật Lao động 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trong đó, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Như vậy, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào thì người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng lao động.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động trong việc điều hành sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình thực tế, pháp luật cho phép người sử dụng được thay đổi tiền lương của người lao động trong 2 trường hợp.
Doanh nghiệp chỉ có thể giảm lương của người lao động khi được người lao động đồng ý
Trường hợp 1. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Điều 31 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Lúc này, người lao động được trả lương theo công việc mới (có thể thấp hơn tiền lương của công việc cũ).
Lưu ý: Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Chỉ được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Khi tạm chuyển người lao động làm công việc khác, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
Áp dụng những quy định nêu trên, có thể thấy, dù cho người lao động làm việc ở nhà thì doanh nghiệp cũng chỉ được giảm lương khi chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Trường hợp 2. Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng lao động. Thay vì điều chuyển công việc của người lao động, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động để sửa đổi điều khoản về tiền lương trong hợp đồng lao động.
Điều 35 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Trường hợp hai bên không thoả thuận được thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Với quy định này thì doanh nghiệp chỉ có thể giảm lương của người lao động khi được người lao động đồng ý. Trường hợp người lao động không đồng ý, doanh nghiệp vẫn phải trả đủ lương theo thỏa thuận ban đầu.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :