Ứng xử sao cho phù hợp khi đồng nghiệp ngã bệnh?

Lượt xem: 26,799

Thời tiết chuyển mùa thường khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, cơ thể không kịp thích ứng và dễ mắc phải một số bệnh như cảm cúm, viêm hô hấp hoặc các triệu chứng về da. Điều này cũng sẽ không phải là ngoại lệ với bạn và những đồng nghiệp của mình. Vậy làm sao để bảo vệ bản thân tại công sở mỗi ngày trong thời điểm nhạy cảm và ứng xử ra sao cho lịch sự cũng như quan tâm đúng mực đến những người bạn đồng nghiệp của mình khi họ ngã bệnh?

Cùng CareerViet.vn xem qua một vài lời khuyên để có thái độ cư xử phù hợp nhất, bạn nhé!

BẢO VỆ BẢN THÂN VÀ CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH DỊCH BỆNH

Môi trường máy lạnh khép kín với rất nhiều máy móc nơi công sở chính là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh dễ phát sinh và phát tán nếu như việc vệ sinh không được duy trì tốt. Để chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân, bạn cần trang bị một số kiến thức cơ bản để cơ thể và tâm trí luôn được minh mẫn, đồng thời không quên sắm cho mình một số đồ dùng cá nhân cần thiết như sau.

Khăn tay hoặc khăn giấy

Luôn giữ bên mình một chiếc khăn tay hoặc xấp khăn giấy là cách hiệu quả để bạn có thể giữ vệ sinh tốt bởi nó sẽ giúp bạn tránh đi những thói quen xấu như dụi mắt, quẹt mũi, hắt hơi không che miệng hoặc chùi tay vào quần áo. Khăn tay cần được giặt sạch mỗi ngày hoặc khăn giấy nên được bỏ vào thùng rác đậy kín sau khi sử dụng để tránh lây lan mầm bệnh cho người khác nhé.

Dung dịch sát khuẩn khô nhanh và xà bông bỏ túi

Rửa tay thường xuyên với xà bông trong tối thiểu 10 giây và xả sạch lại dưới vòi nước chảy chậm ít nhất 20 giây là cách kháng khuẩn hiệu quả bởi bàn tay của mỗi người luôn phải chạm và tiếp xúc với rất nhiều vật dụng khác nhau trong ngày. Bạn có thể mang theo một hộp xà bông nhỏ với nắp đậy kín để dùng trong nhà vệ sinh công cộng, phòng hờ nếu nước rửa tay không được cung cấp hoặc chẳng may vừa hết ở những nơi đó. Ngoài ra, trong điều kiện không có xà bông và nước sạch để rửa tay, bạn có thể tạm thay bằng cách loại dung dịch sát khuẩn khô nhanh với độ cồn từ 70% trở lên. Tuy nhiên, các dung dịch sát khuẩn nhanh này chỉ có tác dụng “chữa cháy” mà thôi, bạn không nên lạm dụng quá thường xuyên hoặc thay thế cho phương thức rửa tay truyền thống. Bạn cũng nên chọn các hãng cung cấp và thương hiệu uy tín, ít mùi hương nhân tạo và chất bảo quản có hại để an toàn cho bản thân.

Các vật dụng ăn uống và bình nước cá nhân

Giảm thiểu việc sử dụng chung các vật dụng ăn uống như đũa, muỗng, ly uống nước nơi công sở đồng nghĩa với việc bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm khuẩn từ người khác. Bạn nên trang bị một bộ ăn uống cá nhân gọn nhẹ, các loại ly cốc xếp lại được và bình nước cá nhân để mang đi làm, điều này vừa giúp bảo vệ sức khoẻ của bản thân vừa góp phần giảm tải gánh nặng rác thải ra môi trường.

Tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể

Bạn có thể chọn những môn ít đòi hỏi dụng cụ tập luyện phức tạp như đi bộ hoặc tranh thủ một vài động tác thể dục giữa giờ làm để tăng cường sự dẻo dai trong tình hình thời tiết phức tạp. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm dinh dưỡng nhằm tăng đề kháng cho cơ thể bằng các loại rau củ quả phổ biến như cam, bông cải xanh, ổi, ớt chuông, ... Tuy nhiên, việc bổ sung nên có mức độ vừa phải để tạo ra sự cân bằng chứ đừng ăn uống thừa thãi quá mức lại dễ sinh ra các biến chứng sức khoẻ không tốt khác nhé.

ỨNG XỬ RA SAO KHI BIẾT ĐỒNG NGHIỆP ĐANG BỆNH?

  • Hãy thể hiện lịch sự. Để tránh việc “nhảy dựng” lên khi thấy người bạn đồng nghiệp của mình lỡ hắt hơi hoặc ho khan vài tiếng, bạn nên chủ động giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Nếu không quá cần thiết phải trò chuyện trực tiếp, bạn có thể dùng các phương thức thay thế như email hoặc các ứng dụng chat để trao đổi công việc tạm thời.
  • Tìm chỗ ngồi khác nếu cần thiết. Trong trường hợp cơ thể của bạn đang khá nhạy cảm như bạn có các vấn đề về hô hấp, đang mang thai hoặc có con nhỏ, bạn có thể nhờ bộ phận nhân sự tư vấn và sắp xếp một chỗ ngồi làm việc tạm thời khác trong văn phòng để có khoảng cách an toàn với người đồng nghiệp đang có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn nên tế nhị nhắn tin trước với họ để giải thích lý do vì sao mình cần cẩn thận để tìm kiếm sự thông cảm và tránh thái độ kỳ thị không nên có.
  • Sắp xếp lịch làm việc tại nhà. Nếu công ty có chế độ làm việc linh hoạt và bạn có thể tự quản lý thời gian làm việc tốt, bạn nên cân nhắc quyền lợi xin được làm việc từ xa để tạm “cách ly” bản thân một vài ngày hoặc trong một tuần nếu điều này khiến bạn thấy thoải mái hơn.

  • Tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng và đưa ra lời khuyên đúng đắn. Bạn nên tra cứu những triệu chứng bệnh của bạn đồng nghiệp để hiểu rõ về mức độ lây nhiễm, đồng thời nếu cảm thấy họ nên về nhà nghỉ ngơi thì hãy đưa ra lời khuyên chân thành. Trong trường hợp bạn đang làm việc cùng một dự án với người bạn đồng nghiệp đó, hãy chia sẻ một phần công việc để giúp họ giảm tải áp lực một thời gian, thoải mái nghỉ ngơi ở nhà hơn và nhanh chóng hồi phục. Cho đi là nhận lại, bạn sẽ thấy việc san sẻ này là một cách công bằng để mọi người cùng có được sự cảm thông và bình an trong tâm trí.
  • Gửi tặng một ít quà sức khoẻ. Một người đồng nghiệp bị ốm cũng là lúc để bạn thể hiện sự quan tâm lẫn nhau một cách chân thành và đúng mực. Ít trái cây, thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng, kẹo C hoặc mã khuyến mãi gọi đồ ăn, bất kể món quà nào dù lớn hay bé đều sẽ khiến đồng nghiệp của bạn cảm kích và giúp gắn chặt tình cảm thân thiết của những người bạn nơi công sở.

Không ai thích đi làm trong những ngày thời tiết ẩm ương hoặc dịch bệnh đang bùng phát, tuy nhiên cách bạn chọn ứng xử với điều kiện không mong muốn này sẽ là cách thể hiện phẩm chất cá nhân của bạn cũng như tạo cho bạn bản lĩnh để xoay sở với nhiều tình huống có thể khó xử hơn trong tương lai. Chúc bạn luôn giữ được sức khoẻ tốt và vượt qua mọi khó khăn trong công việc thật thành công nhé!

 

Nguồn hình: Freepik

Bài viết khác

Sau nhiều tháng WFH, có thể bạn không muốn quay lại làm văn phòng toàn thời gian. Bạn muốn đề xuất với nhân sự để làm việc linh hoạt, hoặc thậm chí là tiếp tục làm việc tại nhà vô thời hạn nếu được? Trước khi quyết định, bạn nên xem xét những vấn đề của làm việc từ xa trong ''bình thường mới''.

Xem thêm

Làm việc tại nhà nghe có vẻ giống như một giấc mơ: ngủ muộn hơn, mặc trang phục thoải mái, ăn uống bất cứ lúc nào... Nhưng bạn cũng dễ dàng rơi vào trạng thái lười biếng, kết quả công việc bị đình trệ. Để ''vượt lười'' khi WFH, bước đầu tiên là tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Xem thêm

Đây có lẽ là lần đầu tiên nhiều công sở phải cho nhân viên WFH trong thời gian dài đến vậy. Một số người hẳn đã nhận ra rằng thức dậy buổi sáng đúng giờ để làm việc khó thế nào, và việc ngồi vào làm hay ăn uống tử tế còn khó hơn. Có lẽ bạn sắp "gục ngã" vì stress mà không nhận ra. CareerViet giúp bạn đây.

Xem thêm

Sau một thời gian dài WFH, rất nhiều người gặp phải tình trạng khó chịu ở mắt và thị lực có vấn đề. Nguyên nhân từ việc nhìn vào màn hình kỹ thuật số trong khoảng thời gian dài. Càng nhìn màn hình nhiều bao nhiêu, mắt bạn càng khó chịu bấy nhiêu. Đã đến lúc bạn cần điều chỉnh thói quen và không gian làm việc.

Xem thêm

Một số người thích làm việc tại nhà, nhưng số khác lại nhớ không khí nhộn nhịp sôi nổi của văn phòng. Cho dù bạn thích hay không, WFH kéo dài có thể khiến bạn thấy tù túng và bí bách. Những ý tưởng dưới đây có thể biến WFH thành một trải nghiệm vui vẻ và thú vị hơn.

Xem thêm

Có nhiều lý do khiến một số người chọn làm việc vào buổi đêm. Có thể là bạn thấy mình năng suất, sáng tạo hơn vào buổi đêm. Có thể là quá nhiều người cùng WFH khiến mạng internet ban ngày quá chậm, và bạn buộc phải chuyển sang làm đêm... Dù lý do là gì, bạn cũng cần thủ sẵn vài bí quyết giữ sức khỏe.

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay